Lúc đó, Mig-17 của ta thậm chí không có tên lửa đối không mà chỉ có 2 khẩu súng máy NR-23 cỡ nòng 23 mm, cơ số đạn 80 viên và 1 pháo N-37 37mm, cơ số đạn 40 viên (biến thể duy nhất có trang bị tên lửa không đối không là Mig-17PM (PFU), mang 4 tên lửa K-5 hay còn goi là RS-1U (NATO gọi là AA-1 Alkali).
Thế nhưng trên thực tế, tỷ lệ thành công của Sidewinder và Sparrow trong chiến tranh Việt Nam là rất thấp, hệ quả là máy bay chiến thuật của Mỹ luôn thất thế trong không chiến với các loại máy bay Mig-17 và Mig-21 của Việt Nam, không thể bảo vệ các máy bay cường kích ném bom, mặc dù luôn áp đảo về số lượng. Phần quan trọng nhất là do cách đánh tài tình của không quân Việt Nam, nhưng một phần cũng do sự thiếu chính xác trong không chiến của các loại tên lửa trên không của Mỹ. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng buộc Mỹ phải sử dụng đến các loại máy bay chiến thuật hiện đại hơn và cuối cùng phải “cầu cứu” máy bay ném bom chiến lược B-52.
Ví dụ thực tế, trong ngày 4/5/1966, Mig-17 và Mig-21 của ta tiếp đón một đợt tiến công của máy bay F- 4 không quân Mỹ. Một chiếc F-4 đã phóng 3 AIM-7 và 3 AIM-9 từ phía sau vào một Mig-21, nhưng trượt 5 quả, quả AIM-9 cuối cùng trúng và bắn hỏng 1 chiếc Mig. Sau đó phi đội này tấn công một tốp Mig-17 khác và phóng liên tiếp 3 quả AIM-9 nhưng không trúng quả nào. Cũng ngày đó, F-4 tiến đánh sân bay Hoà Lạc, khi quần thảo với Mig-17 và Mig-19 của ta cũng đã phóng 9 quả tên lửa AIM-9B nhưng không trúng quả nào. Trong hai ngày không chiến, chỉ 1 trong số 18 tên lửa do F-4 không quân Mỹ chạm được đến Mig.
Máy bay Mig-21 của Việt Nam chỉ trang bị có 2 quả tên lửa Atoll
Phân tích vũ khí của Không quân Mỹ trong các trận không chiến giai đoạn tháng 4-6/1967 cho thấy vấn đề về hiệu suất tên lửa vẫn tồn tại. Trong 61 lần chạm trán, F-4 phóng 72 quả AIM-7, trúng 8 lần (tỷ lệ 11% thành công) và 59 AIM-9BS, trúng 10 (tỷ lệ 17%). Còn F-l05 bắn 11 lần AIM-9 thì trúng 3 lần, đạt 27%, cao hơn nhiều so với F-4 (7 trúng trong 48 lần bắn, hay 14%). Không quân Mỹ cũng đã phóng 10 quả tên lửa tìm nhiệt thế hệ cũ hơn là AIM-4D nhưng không trúng lần nào.
Sự thiếu chính xác của tên lửa đối không làm không quân Mỹ phải tăng cường lấy số lượng bù đắp và thay đổi nhiệm vụ của các máy bay.
F-4C trước có nhiệm vụ đánh bom – phòng vệ (mang bom và nếu Mig tấn công sẽ vứt bom để đánh trả) nay chuyển hẳn sang chống Mig - chỉ mang mỗi tên lửa đối không và không mang bom. Số lượng phi đội ngăn chặn Mig để hộ tống đoàn bay đánh phá tăng lên tới 8 phi đội (tương đương khoảng 32-40 máy bay). Thêm vào đó, một vài phi đội F-105 được chuẩn bị như máy bay tiêm kích, mang AIM-9b và không mang bom, hy vọng sẽ làm tăng ưu thế không chiến.
Trong huấn luyện, để khắc phục khả năng không chiến với những máy bay tiêm kích nhỏ và nhanh nhẹn như những máy bay Mig, Mỹ đã thành lập dự án huấn luyện không chiến khác biệt (DACT) trong chương trình huấn luyện của TOPGUN, người Mỹ đã phải sử dụng những máy bay A-4 Skyhawk và F-5 Freedom Fighter bay dưới tốc độ âm thanh để đóng giả làm những máy bay MiG-17. Hải quân Mỹ cũng thành lập những phi đội A-4 nhanh nhẹn mang trang bị của Mig làm quân xanh để thực hành tấn trong chương trình DACT.
Về chiến thuật, không quân Mỹ đã chuẩn mực hoá phần lớn các chiến thuật không kích. Đội hình điển hình là 4 phi đội F-105 hoặc F-4 cường kích, 2 phi đội tuần phòng Mig, 2 phi đội F-105 “bàn tay sắt” (Iron Hand). Mỗi đợt ném bom cần 8 KC135 tiếp dầu trên không. Cộng với EB-66 và EC-121, máy bay tìm kiếm cứu hộ, máy bay trợ chiến khác, tổng số máy bay liên quan lên tới 110 chiếc! Tuy vậy những sự hay đổi này cũng không mang lại hiệu quả gì.
Máy bay Mig-17 chỉ được trang bị 2 khẩu pháo 23 và 37mm
Vào ngày 14/5/1967, F-4 của phi đoàn 366 TFW hộ tống F-105 tấn công doanh trại quân đội ta ở Hà Đông. Hôm đó, AIM-7 chỉ bắn trúng 1 trong 7 lần phóng; còn AIM-9 tỷ lệ là 0/11.
Từ cuối 1967 cho đến hết chiến dịch Sấm Rền (Rolling Thunder), trong khi cứ 99 máy bay Mỹ cất cánh thì mới phát hiện một chiếc Mig lên đánh chặn, tức là số lượng máy bay của ta so với Mỹ là một trời, một vực. Thế nhưng, so sánh tỷ lệ bị bắn hạ của Mig-21 và máy bay Mỹ là hơn 1/5, cứ 1 chiếc Mig bị bắn hạ thì nó cũng đã diệt được khoảng 6 chiếc máy bay Mỹ. Để đối chiếu chúng ta nên biết rằng, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên trước đó, F-86 của Mỹ đã hạ Mig-15 với tỷ lệ gần 10/1.
Buồn cười hơn nữa là mặc dù số lượng máy bay và số lượng tên lửa không đối không nhiều gấp bội nhưng F-105 Mỹ còn phải xây dựng đến 4, 5 phương án luyện tập chỉ để tháo chạy trước Mig 17 và Mi-21, điển hình như: rút lui bằng tăng tốc bỏ chạy thật nhanh hoặc ngoặt gấp vào bên tấn công rồi lao xuống để tăng tốc bay thoát, nếu không thì lao xuống xoáy trôn ốc dùng để giữ F- 105 bên ngoài khu vực bắn hiệu quả của Atoll, khẩn cấp thì ngoặt cực gấp về phía Mig, rồi tiếp tục vòng và lật ngửa, hết cần ga rồi bung cánh cản cho đến khi lật xong, giảm độ cao và tốc độ đột ngột cho Mig-21 nay trượt qua rồi tiếp tục lao xuống thấp hơn để chạy trốn.
Hiện nay, F-4 “Con ma” vẫn tiếp tục được nâng cấp và sử dụng tại một số nước đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ, còn Sparrow và Sidewinder cũng vẫn nằm trong biên chế không quân Mỹ với các phiên bản hiện đại hơn. Các lại vũ khí này vẫn còn được nâng cấp sử dụng chắc chắn do chúng vẫn còn hiệu quả, vậy tại sao tỷ lệ bắn trúng tại Việt Nam lại thấp đến thế? Hay chúng chỉ bị “khớp” trên chiến trường Việt Nam? Câu hỏi này hiện vẫn làm đau đầu người Mỹ!