Miến, mì gạo có an toàn?

(ANTĐ) - Một loạt thông tin liên quan đến thực phẩm không an toàn có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc mà mới đây nhất đến lượt mì, miến gạo bị nghi chứa chất ung thư khiến người dân hết sức hoang mang. Trong khi đó, miến, mì gạo sản xuất trong nước cũng bị đặt nhiều nghi ngại về VSATTP.

Miến, mì gạo có an toàn?

(ANTĐ) - Một loạt thông tin liên quan đến thực phẩm không an toàn có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc mà mới đây nhất đến lượt mì, miến gạo bị nghi chứa chất ung thư khiến người dân hết sức hoang mang. Trong khi đó, miến, mì gạo sản xuất trong nước cũng bị đặt nhiều nghi ngại về VSATTP.

50% cơ sở dùng chất tẩy trắng

Miến sản xuất ở Hoài Đức được phơi ngay bên lề đường bụi bặm
Miến sản xuất ở Hoài Đức được phơi ngay bên lề đường bụi bặm

Năm 2010, Trung tâm Kỹ thuật ATVSTP - ĐH Bách khoa Hà Nội đã khảo sát thực trạng VSATTP tại các cơ sở sản xuất và tìm hiểu kiến thức thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất miến dong, bún khô và bánh phở khô tại xã Minh Khai (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Kết quả được công bố tại hội nghị chuyên đề về kiểm nghiệm VSATTP Quốc gia, do Bộ Y tế tổ chức mới đây. Theo đó, sai phạm phổ biến ở hầu hết cơ sở. Cụ thể, 100% cơ sở sản xuất đều là hộ cá thể và có thâm niên nghề nghiệp từ 3 năm trở lên. Về vệ sinh cơ sở sản xuất, 15% cơ sở có chuồng lợn gần sát khu vực sản xuất, 100% sản phẩm được phơi vào phên tre bên lề đường bụi bặm và gần cống rãnh thoát nước thải, 100% cống thoát nước thải công cộng chưa có nắp đậy gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan.

Bên cạnh đó, 100% nguời trực tiếp tham gia sản xuất chưa đội mũ che tóc, chưa đeo khẩu trang, 60% nguyên liệu bột nhập từ Trung Quốc độ ẩm khoảng 40%, mùi khó chịu đều được chứa trong các bao tải và chất đống rất mất vệ sinh, 50% các hộ dùng chất tẩy trắng bột bằng Natri hydrosulphat, axit HCL, thuốc tím, 50% số hộ dùng phèn chua để làm dai bột.

Về kiến thức thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, khảo sát này chỉ ra: 50% số người tham gia sản xuất chưa được khám sức khỏe và cấy phân tìm mầm bệnh đường ruột, 70% người tham gia sản xuất trên 1 năm chưa khám sức khỏe, 100% người tham gia sản xuất chưa tham gia tập huấn kiến thức VSATTP. Nhóm thực hiện khảo sát đã lấy mẫu tinh bột nguyên liệu, nước sản xuất bún, bánh phở khô và miến phân tích xác định mức độ ô nhiễm vi sinh và hóa học.

Cũng trong năm 2010, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra ATVSTP trên địa bàn. Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, kết quả kiểm tra, hậu kiểm chất lượng, VSATTP đối với sản phẩm miến, mì gạo không phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng, bất thường. Còn đối với sản phẩm mì tôm thì được các cơ quan chức năng kiểm soát tận gốc nên cũng không quá lo ngại về chất lượng và VSATTP.

Sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm

Trên thực tế, sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc trên thị trường nước ta chiếm tỷ lệ khá lớn. Mấy ngày gần đây, đến lượt miến, mì gạo ở Trung Quốc bị đưa vào nhóm thực phẩm không an toàn khi báo chí đưa thông tin có tới 50 nhà máy ở thành phố Đông Hoản của nước này (gần Hồng Kông) đang sản xuất khoảng 500.000kg mì từ gạo “bẩn” mỗi ngày, sử dụng nhiều phụ gia, chất tẩy trắng có nguy cơ gây ung thư. Cụ thể, mì này được các nhà máy dùng từ gạo mốc, hỏng làm thức ăn cho động vật rồi tẩy trắng và dùng các chất phụ gia như  sulphur dioxide và các chất khác có thể gây ung thư để tăng 1kg gạo lên thành 3kg mì.

Tại nước ta, qua các đợt kiểm tra đến nay chưa phát hiện ra mì gạo có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc song thông tin nói trên cộng với việc nhiều cơ sở sản xuất miến, mì gạo thủ công trong nước bị phát hiện vi phạm VSATTP khiến người dân không khỏi lo ngại. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công Nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, thực phẩm, trong đó có gạo bị mốc, thiu thối, sinh ra rất nhiều chất độc, nhất là    Aflatoxin - một độc tố nấm mốc đáng sợ nhất. Ngoài việc gây ngộ độc cấp tính như đau bụng đi ngoài, đau đầu nôn mửa, thậm chí gây chết người tức thì (liều gây chết người khoảng 10mg), độc tố aflatoxin còn được xem là nguyên nhân gây xơ gan và ung thư.

Đặc biệt, người ta đã phân lập được nhiều loài mốc khác nhau trên gạo bị mốc, nhưng có 2 chủng hay gặp nhất là Aspergillus và Penicillium. Các loại nấm mốc không diệt trừ được trong nấu nướng, do đó nếu làm mì, miến từ gạo mốc thì có thể có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng.

Ông Nguyễn Việt Cường cho biết, đoàn thanh tra liên ngành VSATTP thành phố Hà Nội đang có kế hoạch mua mẫu miến, mì gạo trên thị trường để tiến hành kiểm định chất lượng. Theo đó sẽ kiểm tra miến, mì có chất tẩy trắng có hại hoặc có sử dụng phẩm màu công nghiệp không, đồng thời cũng xét nghiệm các chỉ số khác về VSATTP. Quá trình kiểm tra trên thị trường nếu phát hiện các sản phẩm miến, mì không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì “đương nhiên bị tịch thu, xử lý” - ông Cường nhấn mạnh.

Duy Tiến