Miền Bắc khẩn trương sơ tán dân tránh bão

ANTĐ - Trong đó, Hà Nội đã xây dựng 12 tình huống xảy ra trong bão; Hải Phòng cũng lên phương án sơ tán gần 80.000 người dân; Thanh Hóa, địa phương ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 14 cũng sẽ di dời gần 45.000 người dân vùng ven biển.
Tại Hà Nội, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Hà Nội, thành phố sẽ phải đối mặt với lượng mưa lớn 200-300mm, do vậy, nhiều khu vực nội thành sẽ xảy ra úng ngập cục bộ. Ngoài ra, các huyện như Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Trì, Thanh Oai, Mê Linh sẽ bị ngập nặng, xảy ra sạt lở đất, vỡ đê...
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP. Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tổ chức chống úng ngập, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm có khả năng xảy ra sạt lở, lũ quét. Công ty cây xanh, công ty thoát nước chống úng ngập. 

Tại cuộc họp khẩn diễn ra sáng 10-11, Hà Nội đã xây dựng 12 tình huống, từ ngập úng nội ngoại thành với khoảng 70.000 hộ dân bị ảnh hưởng cho đến vỡ đê Hữu Hồng, Tả Hồng từng khu vực, vỡ đê khu vực ngoại thành như Tả Bùi, Tả Tích, Hữu Cầu, Mỹ Hà... để các đơn vị liên quan có phương án xử lý.


Miền Bắc khẩn trương sơ tán dân tránh bão  ảnh 1
Người dân các huyện đảo nhanh chóng di dời vào đất liền
(Ảnh minh họa)


Trưa ngày 10-11, UBND TP Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp bàn khẩn cấp lên phương án, kiểm tra công tác phòng chống cơn bão Hải Yến. Tại cuộc họp, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, cho biết đã lên phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ trực tiếp với tổng số gần 80.000 người. Trong đó sơ tán tại chỗ khoảng gần 34.000 người và di dời đến nơi khác khoảng hơn 46.000 người. Hiện tại các quận huyện ven biển như Đồ Sơn, Cát Hải, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Hải An… đã bắt đầu di dân tại chỗ.
Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh cũng đang gấp rút chỉ đạo các địa phương lên phương án công tác phòng chống cơn bão số 14. Lệnh cấm biển đã được tỉnh Quảng Ninh ban hành từ 7h sáng hôm nay. Công tác di dời tàu bè về nơi trú ẩn an toàn đang được triển khai khẩn trương. Hiện, 466 tàu du lịch đã rời đến nơi trú tránh an toàn, không còn chiếc nào ở trên bến; 185 tàu xa bờ đã về đến nơi trú tránh trên địa bàn tỉnh hoặc khu vực Hải Phòng; 10.407 tàu nhỏ đã nhận được thông tin về cơn bão số 14 và đến nơi trú tránh tại các bến cá hoặc khu neo đậu trên địa bàn của tỉnh.

Lệnh cấm biển cũng được tỉnh Nam Định ban hành từ 3h sáng nay. Hơn 2.000 tàu thuyền của tỉnh này đã vào nơi trú tránh. Lệnh sơ tán dân ở 3 huyện ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy cũng được đưa ra. Theo đó, chậm nhất đến 17h chiều nay, khoảng 7.000 dân và khách du lịch phải sơ tán tới nơi an toàn.

Miền Bắc khẩn trương sơ tán dân tránh bão  ảnh 2
Đưa tàu thuyền lên bờ, tránh bão 


Tại Ninh Bình, từ 7h ngày 10-11, tỉnh đã thực hiện cấm biển, các tuyến đò trên sông tạm ngừng hoạt động vận tải. Tỉnh Ninh Bình dự kiến phải di chuyển hơn 10.000 hộ dân với trên 44.600 nhân khẩu sống trong phạm vi cách bờ biển 200 mét.
Tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo 2 địa phương ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy tổ chức di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính vào nơi an toàn trước chiều nay, ngày 10-11. Trước đó, chiều ngày 9-11, tỉnh Thái Bình đã thực hiện lệnh cấm biển và hiện 1.202 tàu thuyền, với 3.061 lao động của tỉnh đã vào nơi neo đậu. 
Tại Thanh Hóa, sáng 10-11, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định sơ tán dân ở vùng ven biển với 10.023 hộ và khoảng 44.600 nhân khẩu phải di dời. Việc sơ tán dân phải xong trước 18h ngày hôm nay. Trước đó, đêm 9-11, tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các huyện miền núi, tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống với số dân dự kiến phải di dời là 5.000 hộ với 22.000 nhân khẩu. 
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, tính đến 6h ngày 10-11 toàn bộ 7.501 phương tiện nghề cá/24.733 lao động đang hoạt động trên biển đã về nơi tránh trú bão an toàn.