Méo mặt vì các khoản thu trong năm học mới
(ANTĐ) - Chỉ còn ít ngày nữa là bước vào năm học mới với bao nhiêu khoản phải lo đều đổ lên vai phụ huynh khiến họ thực sự lo lắng. Nào tiền sách giáo khoa, đồ dùng học tập, đồng phục, các khoản đầu năm như học phí, tiền xây dựng, quỹ phụ huynh, quỹ khuyến học, quỹ đoàn quỹ đội, tiền tham quan, bảo hiểm y tế... tất cả cũng lên tới vài triệu. Với những gia đình có hai con cùng độ tuổi đến trường thì nỗi lo đó còn nhân lên gấp đôi.
Mọi thứ cùng... leo thang
Theo khảo sát của chúng tôi tại các nhà sách Tiền phong, Nguyễn Văn Cừ, Tràng Tiền, Lý Thường Kiệt... không chỉ sách giáo khoa mà mọi đồ dùng học tập thiết yếu đều tăng từ 10-30% so với năm trước.
Chị Nguyễn Ngọc Anh, có con học tại trường Tiểu học Kim Liên than thở: Năm nay, giá vở học sinh đã tăng 15-20%, vở 100 trang đã tăng lên 3.000-5.000 đồng/quyển, vở 200 trang lên đến 5.700-8.500 đồng/quyển, thậm chí có loại tăng gấp đôi năm trước.
Những năm trước có tăng cũng chỉ ở mức vài trăm đồng/quyển. Giá các mặt hàng khác cũng đều tăng chóng mặt. Tôi có hai cháu đi học. Mấy ngày qua sắm sửa cũng đi “đứt” gần 2 tháng lương của tôi. Giá sinh hoạt đã lạm phát trầm trọng, giờ để con đến trường cũng phải lo một khoản lớn.
Do giá giấy và chi phí nguyên liệu tăng cao nên không chỉ sách giáo khoa, tập vở tăng giá mà các loại bút viết do các doanh nghiệp trong nước sản xuất với các thương hiệu Thiên Long, Bến Nghé cũng tăng 5-10% những loại học cụ như: bảng, thước kẻ, hộp bút... tăng khoảng 10-20% so với năm trước. Thị trường cặp - balô cũng rơi vào tình trạng tăng giá từ 10-25%.
Đồng phục học sinh nếu năm trước là 100-120.000đ/bộ thì năm nay đã “leo” lên giá 150.000đ/bộ, đồ thể dục 120.000đ/bộ. Bộ đồng phục áo sơ mi quần tây của Công ty may Nhà Bè năm trước 170.000đ, năm nay lên 190.000đ. Bộ áo dài cùng chất liệu của Thái Tuấn năm trước 125.000đ, năm nay 155.000đ.
Không chỉ các đồ dùng thiết yếu mà những khoản đóng góp đầu năm như quỹ khuyến học, quỹ phụ huynh, quỹ đoàn quỹ đội, tiền đóng góp xây dựng nhà trường, tiền học phí, tiền tham quan... cũng làm các bậc phụ huynh đau đầu.
Chỉ cần thực hiện phép tính đơn giản, nếu hai vợ chồng có hai đứa con trong độ tuổi cắp sách đến trường thì việc đầu năm phải chi 5-7 triệu đồng là điều đương nhiên.
Và những khoản ngoài luồng
Mặc dù Sở GD-ĐT Hà Nội đã có chỉ thị đầu năm học các trường không nên gộp các khoản thu nhằm giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh, đồng thời số tiền thu thỏa thuận không nên vượt quá số tiền đóng theo quy định.
Thế nhưng thực tế hoàn toàn khác. Nhiều trường ngoài các khoản thu chính thống của ngành, trường còn tự ý đặt ra các khoản thu với tên gọi khác như tiền hỗ trợ đời sống, hỗ trợ chuyên môn. Bên cạnh đó là các khoản đóng “tự nguyện”. Nhưng phụ huynh không biết “tự nguyện” là bao nhiêu nên cuối cùng theo con số truyền tai nhau.
Chị Thu Hương, phụ huynh học sinh trường mầm non Tuổi Hoa (Giảng Võ, Hà Nội) kể: Hôm xin cho con vào học tôi cũng được phát tờ đơn tự nguyện đóng góp. Tôi điền 100.000đ nhưng thấy những người xung quanh điền 500.000đ. Sau này mới biết những người điền nhiều thì con được học lớp sạch đẹp hơn, kiểu như lớp chọn.
Trên thực tế, không ai biết số tiền “tự nguyện” đó sẽ được dùng vào việc gì. Chỉ hy vọng rằng đóng càng nhiều thì con mình sẽ càng được các cô yêu quý hơn. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần siết chặt hơn nữa các khoản đóng góp đầu năm học để chúng không trở thành gánh nặng quá lớn cho các bậc phụ huynh muốn con em mình được cắp sách tới trường.
K.Huyền- Hà Loan
Ông Nguyễn Kim Dũng, Hiệu trưởng trường THCS Ba Đình Đầu tư đúng thì không bao giờ thừa Có thể có những trường thu thêm khoản này, khoản nọ dưới những hình thức khác nhau, nhưng tôi nghĩ đều vì mục tiêu phục vụ cho học sinh. Tuy nhiên, mỗi người có một ý kiến riêng, người đồng tình, người phản đối cũng là chuyện bình thường. Bởi vậy, nhà trường nên quan tâm hơn đến hoàn cảnh của từng học sinh, những em nào có hoàn cảnh thực sự khó khăn thì nên giúp đỡ, còn phụ huynh nào chưa hiểu thì nên vận động. Những khoản thu vô lý thì tôi kịch liệt phản đối. Và theo tôi, Bộ Giáo dục Đào tạo hay một cơ quan nào đó phải có một cuộc điều tra chính thức về các khoản chi của phụ huynh cho học tập của con em, để chúng ta có hướng điều chỉnh hợp lý, cả về phía nhà trường, phía gia đình và xã hội. Cuối cùng, điều tôi muốn nói vẫn là đầu tư cho giáo dục, cho con em chúng ta nếu đúng hướng thì không bao giờ thừa. Chị Nguyễn Thu Hiền, Cửa hàng trưởng Cửa hàng sách Tiền phong 173 Ngọc Hà Hầu hết các mặt hàng đều tăng giá Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một điều là càng ngày chi phí cho việc học hành của con cái càng tăng cao, từ cái bút, quyển vở, cặp sách tới quần áo... Nếu như sách giáo khoa không năm nào cũng cải cách, đồng phục học sinh không cần in logo trường thì có lẽ anh em trong nhà vẫn có thể dùng chung được... Sẽ có rất nhiều cách tiết kiệm cho mỗi gia đình nếu nhà trường, xã hội cùng thực hành việc tiết kiệm, không lãng phí. Hệ thống nhà sách Tiền phong cũng đang khẩn trương tiến hành kế hoạch khuyến mại giảm giá để chào mừng các em học sinh nhân dịp bước vào năm học mới. Chị Nguyễn Phương Huế, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm Quan trọng nhất là chất lượng Đó là chưa kể đến sau ngày khai giảng, các khoản thu cứ gọi là chồng chất không nhớ hết. Mức sống cũng như thu nhập của các gia đình tại Hà Nội lại chênh lệch nên nhiều khi người nghèo phải “đu” theo người giàu để con cái bằng bạn bằng bè. Tuy nhiên, chất lượng học tập mới là vấn đề quan trọng nhất mà các bậc phụ huynh quan tâm, số tiền bỏ ra ấy có tương ứng với những gì con em họ được hưởng hay không? Đơn cử, cùng phải đóng 150.000 đồng tiền tham quan nhưng có trường chỉ tổ chức được một lần/năm, trường khác 2-3 lần/năm cũng trong khu vực Hà Nội. Ngoài ra còn nhiều khoản đóng góp khác mà phụ huynh muốn đặt dấu hỏi với nhà trường. |