Mê mẩn gốm Bàu Trúc

ANTĐ - Không mượt mà như màu men của gốm Bát Tràng, không có những nét vẽ mềm mại như gốm Chu Đậu, gốm Bàu Trúc cho người ta cảm nhận về một sự thô kệch, thô kệch trong từng hoạ tiết, trong màu lửa rơm nung đôi chỗ không đều... Nhưng chính cái thô kệch bề ngoài kia ẩn chứa bên trong là nét duyên thầm, khiến ai đó đã trót phải lòng gốm Bàu Trúc thì cứ yêu mãi…

“Vuốt bằng tay, xoay bằng mông”

Làng gốm Bàu Trúc nằm ven quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cách thành phố Phan Rang - Ninh Thuận chưa đầy 10km. Ngôi làng nhỏ giờ mang dáng dấp của một vùng nông thôn đã được đô thị hóa. Đường bê tông thẳng tắp. Những ngôi nhà gạch nhỏ, quét ve xanh, trước cửa là bụi xương rồng gai nở hoa đỏ chói. Làng Bàu Trúc có 400 hộ gia đình, đa phần là đồng bào dân tộc Chăm. Có đến 80% các hộ dân ở nơi đây có nghề làm gốm. Bàu Trúc xưa có tên là Paley HamuTrok, có nghĩa là “vùng trũng”. Sở dĩ có tên gọi này do làng nằm cuối triền con sông Quao. Ở Ninh Thuận có rất nhiều ngôi làng của đồng bào dân tộc Chăm, nhưng lạ cái chỉ có đất ở Bàu Trúc, phía triền sông Quao là làm được nên những sản phẩm gốm nức tiếng gần xa.

Người Chăm xưa theo mẫu hệ, trẻ con sinh ra lấy họ mẹ, 12-13 tuổi, con gái trong nhà bắt đầu học nghề gốm từ mẹ, đến khi đi lấy chồng, sinh con thì phải quán xuyến hết thảy việc gia đình. Họ phải biết và làm được những đồ dùng cho gia đình như chum vại, ấm, niêu…

Cứ đời nọ nối tiếp đời kia, kỹ thuật làm gốm thô sơ và thủ công vì thế mà tồn tại. “Vuốt bằng tay, xoay bằng mông” đó là cách gọi hài hước mà người Bàu Trúc mô tả về nghề của mình. Gốm Bàu Trúc không dùng bàn xoay, thay vì xoay, người làm vừa đi giật lùi vừa vuốt để định hình sản phẩm. Nghệ nhân Đàng Thị Lực cho biết, để làm được một sản phẩm, công đoạn đầu tiên là lấy đất sét từ sông Quao về, phơi đất độ 2-3 ngày, trước khi mang đất ra nhào phải ngâm nước độ một đêm rồi nhồi với cát lấy từ sông Lu theo tỷ lệ 1-1. Khi đất nhào đã đủ độ mịn, độ dẻo mới là lúc tạo hình sản phẩm. Sau khi sản phẩm hoàn thành lại tiếp tục được phơi cho se mặt, rồi dùng vòng tre cạo, chà bóng rồi mới lại phơi khô trước khi mang đi nung. Khi nung phải xem thời tiết, chọn những ngày nắng ráo. 

Người se duyên cho đất và lửa

Nghệ nhân Đàng Thị Phan

Ngôi nhà nghệ nhân Đàng Thị Phan nằm giữa nơi sầm uất nhất của làng gốm. Diện tích nhà bà không rộng, nhưng xinh xắn và cái chính chủ nhân đã biết cách sắp đặt gọn gàng để vừa có không gian cho du khách chiêm ngưỡng các sản phẩm, vừa có nơi để phơi gốm, lại cũng đủ chỗ kê dăm bộ bàn ghế cho du khách nghỉ chân, uống chén nước trò chuyện cùng chủ nhà… Các sản phẩm do gia đình bà làm ra đủ từ nồi gốm, ang đựng nước cho đến lọ hoa, chân đèn tượng vũ nữ Apsara, mô hình tháp Chăm, hay thậm chí là vật liệu trang trí kiến trúc. 66 tuổi, gương mặt bà Phan dù có sạm đi vì nắng gió, vì những nét nhăn xếp với nhau theo hình rẻ quạt phía cuối đuôi mắt, nhưng ngồi đối diện với bà, nghe cái cách bà kể chuyện và đặc biệt là nụ cười rạng rỡ, hẳn thời thiếu nữ bà phải là người có nhan sắc mặn mòi. 

Tôi hỏi bà, sao Bàu Trúc kiên quyết không dùng bàn xoay, bà cười và kể, bà đã nhiều lần được mời ra Bảo tàng Dân tộc học ngoài Hà Nội trình diễn nghề gốm, rồi còn sang cả Nhật, trong một chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam. Thấy những làng gốm khác như Bát Tràng, Phù Lãng người ta dùng bàn xoay, bà cũng thử, vì nghĩ, nếu dùng bàn xoay, thì năng suất tăng lên gấp đôi, gấp ba. Trong suốt nửa tháng, ngày nào bà cũng mày mò học cách nặn gốm từ bàn xoay. Nhưng cứ hoàn thành sản phẩm thì đất dính chặt vào bàn xoay, không gỡ ra được, hoặc là không dựng được thành hình. Qua Nhật, bà cũng thử nặn đất sông Quao trên bàn xoay của Nhật, nhưng không thành. Rồi bà nhận ra rằng, đất sông Quao không ưng bàn xoay. Nó chính là bí quyết khiến phụ nữ Chăm bao đời nghiêm cẩn, giữ gìn nét độc đáo của nghề gốm. Nó cũng khiến cho những người làm nghề không thể chạy theo số lượng. Và bước chân vì thế cứ phải miệt mài xoay. 

Đang trò chuyện với tôi thì có vài người khách tới tham quan. Bà cáo lỗi, rồi nhanh nhảu bước ra lấy đất,  vừa nhào vừa giới thiệu tới khách những công đoạn làm gốm cơ bản. Trên chân đế cao chừng 80cm, qua bàn tay tài tình cùng những vòng xoay ngược chiều kim đồng hồ của đôi chân, một chiếc bình gốm nhỏ được bà hoàn thành trong phút chốc, trước sự ngỡ ngàng của du khách. Khách phương xa ngạc nhiên hỏi: “Sao cứ phải khom lưng giật lùi thế này, có chóng mặt không dì ơi?”. Bà bảo: “Lúc mới học nghề, quay vài vòng đã muốn ngã, nhưng giờ thì quen”. Rồi bà cười hiền hậu: “Không giật lùi không phải gốm Chăm” và giải thích thêm “Đi giật lùi, con mắt quan sát bao quát hơn”. 

Trò chuyện cùng bà, tôi đã tự trả lời được câu hỏi vì sao gốm Bàu Trúc lại khiến nhiều người mê mẩn đến thế. Đơn giản là bởi, ngoài cái sự độc đáo, trăm sản phẩm làm ra không cái nào giống cái nào bởi đó còn chứa đựng cả ân tình qua cái vuốt tay của người làm ra nó.