Máy trợ thính cho người nghèo

ANTĐ - Nam sinh 16 tuổi người Mỹ gốc Ấn Mukund Venkatariksnan (ảnh) của trường Trung học DuPont Manual, thành phố Luisville, bang Kentucky (Mỹ), đã chế tạo thành công chiếc máy trợ thính chi phí thấp, có giá khoảng 50 USD. Thiết bị này sẽ giúp đỡ người dân nghèo không chỉ ở Ấn Độ mà ở khắp nơi trên thế giới cải thiện cuộc sống.

Máy trợ thính cho người nghèo ảnh 1

Sau lần về thăm ông nội

Mùa hè 2 năm trước, khi 14 tuổi, Mukund về Ấn Độ thăm ông nội ở Bangalore và được giao nhiệm vụ đưa ông đi khám tai cũng như lắp máy trợ thính. Mukund tìm hiểu và được biết, ở Ấn Độ người khiếm thính sẽ phải chi số tiền từ 400-500 USD để có 1 cuộc hẹn với bác sĩ và khoảng 1.900 USD để mua 1 chiếc máy trợ thính. Đó là một món đồ quá đắt tiền so với những người dân đang sống ở quốc gia đang phát triển như Ấn Độ với mức thu nhập bình quân của cả hộ gia đình  khoảng 616 USD/năm.

Như vậy, nếu cả năm không chi tiêu một đồng nào thì nhiều người Ấn Độ cũng vẫn không có đủ tiền để mua 1 chiếc máy trợ thính. Mukund nảy ra ý tưởng về một giải pháp thay thế nào đó nhằm giúp đỡ đa số người khiếm thính nghèo ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.

Ngoài việc học hỏi và cần sự giúp đỡ từ các bác sĩ, chuyên gia thính học, Mukund cũng đã trực tiếp thử nghiệm với những bệnh nhân mất thính lực để quá trình hoàn thiện thiết bị của mình được tốt hơn. Bên cạnh đó, Mukund cũng mong muốn giảm sự mặc cảm của người bệnh khi đeo máy trợ thính. “Việc thuyết phục ông tôi đeo máy trợ thính rất khó khăn”, Munkund chia sẻ.

Tuy nhiên, mùa hè này Mukund dự định sẽ quay trở về Ấn Độ thăm người ông 81 tuổi của mình, và chắc chắn ông sẽ rất vui mừng và hạnh phúc khi được sử dụng chính thiết bị mà cháu nội đã phát minh ra không chỉ phục vụ ông mà còn cho rất nhiều người dân nghèo, người già đang gặp phải căn bệnh như ông.

Thiết bị trợ thính giá 50 USD

Trong suốt 2 năm qua, ngoài giờ học ở trường, Mukund đã dành hầu hết thời gian của mình cho việc học mã hóa, xây dựng chương trình âm thanh và phát triển thiết bị của mình. Trong quá trình hoàn thiện thiết bị trợ thính, Mukund đã được chính cha mình, một kỹ sư và các chuyên gia thính học giúp đỡ. Thiết bị trợ thính của Mukund có mô hình rất đơn giản và tiện dụng, nó giống như một chiếc tai nghe nên người dùng có thể đeo nó vào tai còn phần kia có thể bỏ túi như một máy nghe nhạc thông thường.

Theo tính toán của Mukund, “đầu vào” của  chiếc máy trợ thính này chỉ hơn 50 USD, rẻ hơn 38 lần so với những chiếc máy trợ thính thông thường. Thậm chí, không giống những chiếc máy trợ thính đang bán trên thị trường, nếu một phần tai nghe bị hỏng, người dùng chỉ cần mua bộ tai nghe mới thay thế. 

Chiều dài thiết bị trợ thính của Mukund khoảng gần 5cm, thoạt nhìn nó giống như một bộ vi xử lý máy tính và nam sinh này đang lên kế hoạch thu nhỏ kích thước chỉ còn khoảng 2cm và bọc toàn bộ hệ điều hành của thiết bị lại. Ngoài ra, với cổng cắm tai nghe, người dùng có thể bỏ túi không gây phiền hà, mặc cảm và có thể tự điều chỉnh âm tần cho phù hợp với mình. Theo Mukund, thiết bị của em chỉ dành cho những người mất thính lực nhẹ và trung bình, chính là nhóm người mặc cảm nhiều nhất về việc sử dụng máy trợ thính. 

Mukund Venkatakrisnan theo gia đình tới Mỹ năm 3 tuổi. Đam mê khoa học, yêu thích kinh doanh, tuy nhiên Mukund lại muốn học sâu hơn nữa về mã hóa để mang lại những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống của những người nghèo, bệnh tật.

Mukund cũng hy vọng một tổ chức nào đó hay những dự án dân sinh dành cho các quốc gia đang phát triển hợp tác với em trong dự án này để có thể sản xuất thiết bị này đại trà và phân phối ra toàn thế giới. “Tôi đã có cuộc nói chuyện với đại diện của Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation”, Mukund Venkatakrisnan chia sẻ, hy vọng ý nguyện vì người nghèo của em sẽ sớm trở thành hiện thực.