May mà Bộ GTVT bác thẳng thừng "tối kiến" nhập xe túc túc

ANTĐ - Sau khi An ninh Thủ đô đăng các bài viết về đề xuất nhập xe túc túc, rất nhiều bạn đọc đã phản hồi, bày tỏ sự bất bình với sáng kiến, thực chất là “tối kiến” này. May mắn là cuối cùng, Bộ GTVT đã cương quyết bác đề xuất này.

“Túc túc nghe như gọi gà ra ăn thóc vậy. Xe đó quê em mấy ông làm cửa sắt cũng gióng được. Mua động cơ về, hàn khung, gò mui, 1 tuần gióng được 1 con. Mẫu mã đa dạng, loại đầu kéo, loại đầu đẩy (người lái ngồi sau, thùng phía trước là loại đầu đẩy). Công dụng của nó thì tuyệt vời. Vận chuyển các thứ linh tinh thì không nói làm gì, chứ chở phân ra đồng bón lúa thì tuyệt cú mèo (nếu chở phân mà bằng loại xe đẩy thì hết chỗ nói), bạn đọc tên Hanh hài hước!

Đặt câu hỏi: “Tại sao lại có ý kiến đưa xe túc túc vào sử dụng làm phương tiện giao thông nhỉ?”, bạn đọc Hoang Nguyen tự trả lời: “Đa số những người bạn tôi đều cho rằng đây có lẽ là tối kiến kéo lùi sự phát triển của xã hội”.

Xe Túc túc thực chất không khác gì xe lam ba bánh đã từng bị cấm lưu hành

“Tôi đọc bài báo thấy xin ý kiến nhập loại xe này về Việt Nam để thay thế xe máy. Nói thật tôi không hiểu ai đã nghĩ ra ý tưởng điên rồ nhất hành tinh này. Muốn làm gì thì cũng phải tìm hiểu xem văn hóa người Việt Nam ta như thế nào chứ. Tôi hỏi ông nào nêu đề xuất thế này nhé, ông ở nhà, khi ông cần đi mua kg thịt hay mớ rau, ông đi bằng xe máy hay ông chạy bộ ra đường chờ để đi xe của nợ mà ông đề xuất nhập về? Khi nào văn hóa người Việt Nam biết cách đi bộ và dùng phương tiện cộng cộng, thì Hà Nội mới hết tắc đường được” – Bạn đọc tên Thành viết.

“Đề xuất bừa bãi, vớ vẩn. Xe bus còn chẳng ăn ai lại đòi nhập cái loại xe này về Thủ đô. Lúc đó bộ mặt thủ đô biến dạng nghiêm trọng” – bạn đọc Trần Khánh lo ngại.

“Hay thật. Hà Nội giờ lại có các quan nghĩ ra nhiều trò: Cấm xe lam (túc túc có khác gì). Sao quan bác không đề nghị phục hồi xe ngựa cho nó thân thiện với môi trường vì không tốn xăng - gây ô nhiễm khí thải. Lại còn tận dụng được phế thải để xây hầm biogas lấy khí thay thế việc nhập khí gas vừa giảm chi ngoại tệ nhập khí gas và cả nhập túc túc nữa. Ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con ngoại thành do trồng và cung cấp cỏ để nuôi ngựa. Thế mới thật là một công nhiều việc lợi” – bạn đọc Nguyễn Khánh châm biếm.

“Hết chuyện để bàn, để làm rồi à? Chẳng sáng tạo được cái mới tiện ích, hiệu quả, giờ lôi đề tài xe lam ngày xưa ra. Một thời kêu không an toàn, kêu mất mỹ quan, kêu đủ kiểu, giờ chế xe lam cũ cho nhanh, việc gì phải nhập, thừa ngoại hối của chính phủ lắm sao? Hay bên đối tác nước ngoài đang có dàn xe thanh lý? Các ông luôn kêu lợi ích của dân là hàng đầu, y như Tây, nhưng thực tế khiến mọi người thiếu lòng tin vào lợi ích cộng đồng... Dừng ngay trước khi quá muộn” – bạn đọc Vu Anh bức xúc.

“Lại một kiểu ném tiền qua cửa sổ để mua những đống rác. Nếu muốn phát triển loại xe này chẳng lẽ Việt Nam lại không tự sản xuất và kiểm định được hay sao mà lại đi nhập khẩu? Trình độ của Việt Nam kém đến thế sao? Cũng chỉ hơn chiếc xe máy một chút mà những 60-150 triệu đồng, thật không thể tưởng tượng nổi. Muốn mua ở nước ngoài để cấu kết với nhà sản xuất nâng giá để tư lợi cá nhân sao?”. Bạn đọc Dinh Trong bức xúc nêu quan điểm như vậy và “mong nhân dân cả nước hãy sáng suốt, không thể để những đồng thuế của mình đóng góp đem ra đổi những thứ lạc hậu”.

“Không hiểu ông nào đề xuất cái ý kiến này. Dạo trước vừa mới ra quy định không lưu hành xe tự chế bây giờ lại đưa ra cái ý kiến đề xuất này. Chả khác gì tự vả vào mặt mình. Tốn tiền nhà nước vô ích” – bạn đọc Nguyen Huy Bach thẳng thắn.

“Thật là vớ vẩn. Chưa lo sao cho hết tắc đường đã lo nhập loại xe "tắc tắc" này về! Bình thường 5h30 tan sở, về đến nhà 6h; đến khi thay đổi giờ làm và giờ học + làm cầu vượt cuối cùng lại thành ra 6h15 mới về đến nhà! Ảo thật” – bạn đọc tên Hùng nêu hiện tượng.

“Đề xuất không sát thực, xe này như xe lam cũ thôi mà, tại sao không phát triển taxi nội đô?” – một bạn đọc đề nghị. “Ý tưởng sáng tạo thật” - một bạn đọc ký tên Hai “xe ôm” hài hước rồi đặt vấn đề: “Sao không để xe lam hoạt động mà lại cấm mấy năm rồi lại túc túc?”

“Một ý kiến điên rồ, đi lùi với sự phát triển. Trước đây mình mới ra Hà Nội nhìn mấy chiếc xe chở hàng của thương binh gì đấy thấy lạ lắm. Mình nghĩ Thủ đô gì mà có cái loại xe gớm ghiếc thế. Ở Thái Lan, Campuchia họ dùng vì đó là thói quen lâu rồi, đã ăn sâu vào sinh hoạt của họ. Còn nếu cứ muốn sử dụng xe đó thì mình làm lấy chứ đến cái xe máy kéo đó mà cũng nhập thì họ cười cho đấy. Nhà nước mình cứ đặt hàng mấy bác kỹ sư chân đất ấy, máy cày họ đang còn làm được, huống hồ cái xe “tắc túc” ấy” – Xuân Dũng

“Loại xe này thực chất như xe lam mà thôi, nhập về chỉ thêm tắc đường. Những người này đang kéo lùi lịch sử” – bạn đọc Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Bạn đọc Bùi Anh Tuấn “nóng mắt” viết: “Bó tay với mấy ông đưa ra đề xuất này. Không hiểu các ông nghĩ gì. Các ông muốn đưa thủ đô trở lại những năm 90 sao???”

“Việt Nam có xe ngựa, xe bò, xe trâu, xe công nông sao không dùng mà lại đi nhập cái loại xe sập xệ của nước bạn? Có lẽ nào nước muốn loại bỏ xe túc túc nên thanh lý rẻ cho ta?” – bạn đọc Phạm Hoàng đặt nghi vấn.

“Thật không hiểu nổi mấy bác làm ăn như thế nào? Có khi mấy bác rảnh rỗi quá, ăn ngồi bàn giấy, đề xuất không xác thực với thực tế rồi. Trước đây xe lam ba bánh, rồi xe ba bánh, mấy bác cấm tiệt, ai dám đi, giờ mấy bác lại làm như thế, rồi sẽ gây ra lãng phí thôi. Xe túc túc, mai mốt thành xe “túc tắc”” – bạn đọc Trịnh Minh Khánh.

Cũng may, cuối cùng cơ quan chức năng đã quyết định không đồng ý triển khai "tối kiến" này.

Ngày 14/9, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản trả lời Hiệp hội Vận tải Hà Nội về đề xuất lưu hành xe tuk tuk trên một số trục đường. Theo đó, ở Việt Nam, loại phương tiện như xe tuk tuk từng được lưu hành (xe lambro) và cho thấy nhiều hạn chế lớn, không phù hợp với sự phát triển giao thông đô thị nên đã bị Chính phủ quy định dừng hoạt động từ năm 2008. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương cũng mới loại bỏ được xe lam, còn xe tự chế 3-4 bánh vẫn chưa loại bỏ được.

Sự tồn tại của xe tuk tuk ở Thái Lan, Ấn Độ… được hình thành từ lâu đời và có những điểm khác biệt không giống với giao thông ở Việt Nam, hiện nay các nước này cũng dần xóa bỏ xe tuk tuk vì lý do an toàn, môi trường và mỹ quan đô thị. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải không đồng tình với đề xuất nhập khẩu và lưu hành xe tuk tuk của Hiệp hội Vận tải Hà Nội.