“Mất ý chí là mất tất cả”

ANTĐ - Là nạn nhân ảnh hưởng của chất độc da cam, tay chân bị teo liệt không đi lại được phải nhờ đến xe lăn, nhưng nhờ nghị lực phi thường và ý chí dám nghĩ dám làm, anh Chu Đình Kế ở thôn Trung, xã Đồng Than (Yên Mỹ - Hưng Yên) đã vượt lên nỗi đau tật nguyền để trở thành triệu phú. 

Dù tật nguyền nhưng anh Kế rất hăng say lao động

“Vầng trăng khuyết”

Con đường bê tông khúc khuỷu dẫn về xã Đồng Than rợp bóng nhãn lồng, một vùng quê yên ả với những cánh đồng thẳng cánh cò bay như vùng thảo nguyên xanh giữa đồng bằng. Ở nơi đây, một ngôi làng cổ kính vẫn còn dấu vết thời gian với những ngôi nhà làm bằng đá ong với cây đa giếng nước sân đình. Và vùng quê yên ả ấy cũng chứa đựng bao nhiêu nỗi đau của chiến tranh. Những di hoạ chiến tranh vẫn còn hằn rõ ở đâu đó nơi đầu làng cuối xóm.

Ghé quán nước nhỏ đầu làng, hỏi thăm anh Kế “triệu phú gà” ai cũng biết. Họ biết đến anh bằng niềm cảm phục, một tấm gương vượt lên tật nguyền làm kinh tế giỏi. Bà chủ quán nước  không giấu được vẻ tự hào: “Anh Kế là người “mở đường” làm giàu cho người dân nơi đây đấy. Tuy tật nguyền nhưng ý chí nghị lực của anh khó ai sánh kịp. Người làng tôi vẫn gọi những người chẳng may bị tật nguyền là những “vầng trăng khuyết”, anh Kế bị chất độc da cam mà làm giàu được như vậy thì quả là hiếm”.

Chiến tranh và chất độc da cam đã lấy đi bao ước mơ hoài bão của chàng thanh niên Chu Đình Kế. Khi mới lọt lòng, Kế đã bị dị tật bẩm sinh, chân tay cứ co quắp và dần dần teo liệt. Số tiền ít ỏi trong nhà mà cha anh – một cựu binh già sau nhiều năm tích cóp nhờ làm thuê cũng không cứu được đôi chân, đôi tay của con. Chất độc da cam đã vĩnh viễn trao cho Kế số phận của một “vầng trăng khuyết”. 

Cũng từ đó, chiếc xe lăn trở thành người bạn “bất ly thân” của Kế cho đến tận bây giờ. Nhưng Kế là người có hoài bão và tính tự lập, anh không muốn nhận những ánh mắt thương hại của mọi người xung quanh, càng không muốn là gánh nặng cho gia đình và người thân. Dù bị liệt, nhưng bù lại anh có đôi mắt sáng tinh tường cùng trí óc thông minh. Ngay từ nhỏ, Kế đã ấp ủ ước mơ làm giàu bằng chính nghị lực của mình.

Có duyên với gà chân to

Không tự mình đi lại được, Kế đã nhờ người thân, bạn bè chở đi tham quan những mô hình chăn nuôi các vùng lân cận. Anh thấy rằng con gà Đông Tảo cũng như gà Hồ vừa dễ nuôi lại đem lại giá trị kinh tế cao. Tích lũy được ít kinh nghiệm, anh quyết tâm dựng một trang trại chăn nuôi của riêng mình.

“Lúc đầu, mọi người trong gia đình đều kịch liệt phản đối. Mọi người bảo, người khỏe mạnh chăn nuôi đã khó, nói gì đến một người tàn tật. Phải mất hàng tháng trời nài nỉ, thuyết phục, trước sự quyết tâm của tôi, gia đình cũng dần ủng hộ”, anh Kế chia sẻ.

Năm 2000, nhờ sự giúp đỡ của mọi người, anh Kế đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi giống gà Đông Tảo và gà Hồ – một loại gà có chân to và đem lại năng suất, giá trị kinh tế cũng như thương phẩm cao. Từ quy mô vài chục con đến vài trăm, có thời điểm anh nuôi tới hàng nghìn con. Mọi công việc từ lấy cám cho gà ăn, lấy nước cho gà uống, vệ sinh chuồng trại đều tự tay anh làm.

Do chưa có nhiều kinh nghiệm, năm 2003, trang trại của anh Kế bị dịch bệnh, gần như không còn bóng dáng con gà nào. Tưởng gục ngã, nhưng anh Kế không nản chí, anh lại bàn với gia đình thế chấp “sổ đỏ” vay mượn vốn, tiếp tục mua con giống, mở rộng chăn nuôi. Như một lẽ ở đời “trời không phụ người có chí”, lứa gà sau anh Kế “trúng” đậm. Trừ tiền vốn, anh lãi hàng trăm triệu đồng. 

Hiện tại, trang trại chăn nuôi gà Đông Tảo và gà Hồ của anh Kế có tới hàng nghìn con gà thịt, cho thu nhập từ 300 - 550 triệu đồng/năm. Nhờ chăn nuôi giỏi, cuộc sống của gia đình anh ngày một khấm khá. Ngôi nhà cao tầng cũng được anh xây mới thay thế cho ngôi nhà cấp 4 lụp xụp trước kia. Bên cạnh đó, anh đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng lò ấp trứng và mở đại lý bán cám, vừa để chăn nuôi vừa để phục vụ bà con trong thôn. 

“Mất ý chí là mất tất cả” ảnh 2
Giống gà Hồ mà anh Kế đem về làng nhân giống

Sống là để giúp mọi người

Người dân thôn Trung thấy gương anh Kế tật nguyền mà làm kinh tế giỏi ai nấy đều nể phục và học hỏi theo. Từ mô hình chăn nuôi của anh Kế, giờ đây thôn Trung đã có hàng trăm hộ dân cũng chăn nuôi gà. 

Là một người được anh Kế dìu dắt, giờ đây trang trại của gia đình anh Chu Đình Thiên nuôi tới 2 nghìn con gà, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Thiên cho biết: “Khi biết tôi muốn học cách làm giàu, anh Kế vui vẻ ủng hộ ngay. Không quản nắng hay mưa, cứ hễ tôi cần là anh Kế lại lăn xe đến giúp. Nếu không có sự nhiệt tình của anh thì gia đình tôi chẳng được như hôm nay”.   

Thôn Trung có 141 hộ thì có trên 100 hộ gia đình mở rộng mô hình chăn nuôi gà theo hình thức trang trại. Trong đó, có 40 hộ mở rộng chăn nuôi quy mô trang trại trên 2.000 con gà. Thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình đạt trên 100 triệu đồng/năm. 

Ông Đỗ Thành Đoàn, trưởng thôn Trung cho biết: “Anh Kế là một tấm gương vượt lên tật nguyền làm kinh tế giỏi. Anh là người đi đầu trong việc đưa con gà Đông Tảo và gà Hồ về với địa phương để người dân làm giàu. Nhờ vậy, hiện địa phương chúng tôi có khoảng 50 hộ trở thành “triệu phú” có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.

Tuy gặp khó khăn trong đi lại nhưng ai gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ trong chăn nuôi là anh Kế lại vui vẻ lăn xe đến tận nhà giúp đỡ. Bởi theo anh: Điều hạnh phúc nhất của bản thân là được giúp đỡ mọi người xung quanh. Anh Kế chia sẻ: “Số phận đã không cho mình đôi tay, đôi chân lành lặn, nhưng không được đánh mất ý chí và niềm tin. Bởi khi mất ý chí là mất tất cả”.