Mất việc làm do dịch Covid-19: Người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH hay nhận trợ cấp một lần?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng triệu lao động phải ngừng việc hoặc mất việc làm. Không ít người băn khoăn về việc làm thế nào để đảm bảo tốt nhất quyền lợi bảo hiểm xã hội (BHXH), nên bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội hay nhận trợ cấp “một cục”?

Người lao động làm thủ tục nhận kết quả hưởng bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp

Người lao động làm thủ tục nhận kết quả hưởng bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp

Giảm số người tham gia BHXH bắt buộc

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn, từ đầu năm đến nay, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH đã bị ảnh hưởng lớn vì dịch bệnh Covid-19. Các đơn vị, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do không mở rộng được sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản, người lao động phải ngừng việc (chấm dứt hợp đồng lao động, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động). Từ đó dẫn đến số thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cũng bị ảnh hưởng lớn. Các doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp tục nợ thêm tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10-2020, cả nước có trên 15,67 triệu người tham gia BHXH (đạt 31,8% lực lượng lao động trong độ tuổi). Trong đó, có hơn 14,78 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 891.494 người tham gia BHXH tự nguyện; trên 13,03 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt 26,5% lực lượng lao động trong độ tuổi); trên 86,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số). Như vậy, so với cuối năm 2019, mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện và bảo hiểm y tế có tăng, nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp lại giảm mạnh.

Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã tích cực chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cân nhắc khi rời khỏi lưới an sinh

Chia sẻ những băn khoăn về thủ tục nhận BHXH một lần của người lao động, bà Bùi Thị Kim Loan - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, người lao động sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần. Nếu sau 1 năm nghỉ việc, người lao động không tiếp tục đóng BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện mà có yêu cầu nhận BHXH một lần thì liên hệ với cơ quan BHXH nơi người lao động cư trú để được giải quyết.

Theo các nhà nghiên cứu chính sách, BHXH là chính sách khác hoàn toàn với loại hình Bảo hiểm nhân thọ. Việc so sánh chi tiết giữa 2 loại hình bảo hiểm là rất khó, tuy nhiên BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận còn bảo hiểm thương mại nhằm mục đích sinh lời. Khoản lời từ bảo hiểm thất nghiệp được lấy từ chính tiền của người tham gia. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, không có chuyện vỡ quỹ hoặc phá sản như doanh nghiệp.

Theo bà Bùi Thị Kim Loan, trong 9 tháng đầu năm 2020, ngành BHXH đã giải quyết cho khoảng 647.000 người hưởng trợ cấp BHXH một lần. So với cùng kỳ năm 2019, tình trạng nhận trợ cấp “một cục” có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, người lao động cần biết rằng, khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn so với hưởng lương hưu. Nếu người lao động nhận BHXH một lần, khi tiếp tục tham gia BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH, mà chỉ tính thời gian đóng BHXH sau này.

“Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước, hoặc nếu chẳng may qua đời thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí; thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần. Trong khi đó, nếu người lao động tiếp tục tham gia BHXH thì sau này ngoài hưởng lương hưu còn được quỹ chi trả toàn bộ tiền mua thẻ BHYT, được Nhà nước điều chỉnh tăng lương hưu tương ứng chỉ số giá tiêu dùng…” - bà Bùi Thị Kim Loan phân tích.

Hướng dẫn thêm về việc tiếp tục đóng BHXH tự nguyện sau khi dừng đóng BHXH bắt buộc, ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý thu - sổ - thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, người dân có thể lựa chọn các phương thức: đóng hàng tháng, 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, 12 tháng/lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/lần. Hoặc khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và đóng BHXH từ đủ 10 năm, các cá nhân có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (hiện nay là 700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (hiện nay là 29.800.000 đồng). Người tham gia có thể đóng BHXH tự nguyện tại cơ quan BHXH; đại lý thu (bưu điện và UBND xã) hoặc đóng qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đóng BHXH lợi hơn gửi tiết kiệm

Phân tích tính ưu việt của chính sách BHXH so với các hình thức tiết kiệm khác, bà Bùi Thị Kim Loan khẳng định, BHXH là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm mọi công dân đều có quyền được hưởng an sinh xã hội, trong đó có quyền lợi hưởng lương hưu khi về già. Có người cho rằng cứ có tiền mang đi gửi tiết kiệm thì sau này sẽ được hưởng lãi suốt đời. Tuy nhiên, nếu có tiền mà tham gia BHXH tự nguyện để tuổi già hưởng lương hưu thì có lợi hơn nhiều.

Theo các nhà nghiên cứu chính sách, BHXH là chính sách khác hoàn toàn với loại hình Bảo hiểm nhân thọ. Việc so sánh chi tiết giữa 2 loại hình bảo hiểm là rất khó, tuy nhiên BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận còn bảo hiểm thương mại nhằm mục đích sinh lời. Khoản lời từ bảo hiểm thất nghiệp được lấy từ chính tiền của người tham gia. Hơn nữa, Bảo hiểm nhân thọ cũng đặt ra điều kiện khá ngặt nghèo về tuổi đời, sức khỏe tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, không có chuyện vỡ quỹ hoặc phá sản như doanh nghiệp.

Tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, để tạo điều kiện cho người lao động tham gia, BHXH Việt Nam đang kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn. Trong đó, đề xuất sửa đổi quy định về điều kiện, về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; Quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng người nông dân, người lao động phi chính thức không thuộc hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện; quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.

Ông Trần Đình Liệu