Mặt trái của dịch vụ cho thuê người yêu

ANTĐ - Chuyện tưởng đùa mà thật 100%. Và cái chuyện tường chừng chỉ có trong những câu chuyện phiếm cũng dần trở thành một nhu cầu tất yếu trong xã hội hiện đại. Cầu xuất hiện ắt sẽ có cung đáp ứng - cần tuyển người yêu thì cũng sẽ có dịch vụ cho thuê, nó âm thầm phát triển, nở rộ trong cộng đồng mạng từ nhiều năm nay. Nhưng ẩn họa phía sau thứ dịch vụ này cũng còn nhiều điều đáng để  lưu tâm… 


Nhu cầu xã hội

Có lẽ con người ta quen tai hơn với dịch vụ thuê xe, thuê áo cưới, thuê nhà… chứ mấy ai đi thuê… người yêu. Nhưng vì 1001 lý do tế nhị lẫn kỳ quặc nào đó mà con người ta: Trẻ có, già có, giám đốc, công chức, sinh viên cũng sẵn sàng đi thuê… người yêu. Mỗi mùa tình yêu (Valentine) về, hay Giáng sinh (Noel) đến, rồi cả ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), Tết Nguyên đán, ngày Quốc khánh, Rằm Trung thu… nhu cầu tuyển - cho “thuê” người yêu, đối tác thật sự sôi động hẳn lên. “Noel sắp đến, tình yêu thì tan vỡ, cần “tuyển” người đi chơi cùng; Tuyển bạn trai đi chơi Valentine, tiêu chuẩn cao 1m75 trở lên, đẹp trai, biết chiều chuộng, bạn nào thích, đủ tiêu chuẩn vào đăng ký ứng viên, chốt danh sách trước 13-2; Cần tuyển người yêu đi chơi Valentine, yêu cầu là nữ không phân biệt tuổi tác, địa vị, tiền bạc, miễn xinh là okie; Cần tuyển người yêu, chỉ cần chung thủy, hiền lành, là đàn ông 100% đi chơi Tết; Tuyển người yêu cấp tốc đi chơi ngày 30-4”… xuất hiện nhan nhản trên các diễn đàn, website, trang mạng xã hội; đôi khi có những “lời rao” nêu rõ cả mục đích tuyển.

Với xã hội hiện đại, Internet phát triển mạnh khiến khả năng kết nối cộng đồng nhanh hơn bao giờ hết, và những “lời rao” tuyển… người yêu đã trở nên hết sức bình thường, sự xuất hiện của chúng không gây sự tò mò cho nhiều người bởi nó cũng chẳng khác nào một thông tin tìm gia sư, dạy ngoại ngữ… Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi không đi tìm hiểu nguyên do của cái nhu cầu xã hội dần trở nên phổ biến bởi bao nhiêu người tìm đến loại hình dịch vụ này thì cũng sẽ có bấy nhiêu lý do: Mới chia tay người yêu, thất tình, cần tìm người để chia sẻ, tham gia party, du lịch ngắn ngày… Nhưng điều đáng quan tâm đó là “online” và “click” chuột, khách hàng sẽ được đáp ứng “nhu cầu” (?!)

Nhu cầu thật

Người Á Đông nói chung, đặc biệt là Việt Nam vốn coi trọng những giá trị truyền thống, rất ngại đụng chạm đến chuyện thuê mướn, đặc biệt trong chuyện tình cảm. Nhưng cùng với đà phát triển của xã hội, nhịp sống ngày càng gấp gáp, khiến nhiều người không còn thời gian để quen biết, gặp gỡ, hẹn hò... tìm cho mình một người yêu, hay một người bạn cùng đi chơi trong những dịp đặc biệt. Chính vì thế mà hiện giờ khái niệm và tâm lý “Sợ yêu; Ngại yêu, Cô đơn thành thị, Hội chứng ngại yêu: Căn bệnh thế kỷ”… xuất hiện ngày một nhiều. Bắt được tâm lý đó, nhiều công ty quyết định tung ra thị trường dịch vụ cho thuê mướn tình cảm dưới tên gọi dịch vụ “đóng thế”. Khách hàng có thể kiếm cho mình một đối tác trong vai người yêu, chồng, vợ chưa cưới trong những bữa tiệc hoặc chỉ là trong giây phút tán chuyện ở quán café. Với phí dịch vụ khoảng vài trăm nghìn đồng/giờ cho tới hàng chục triệu đồng cho một hợp đồng “đóng thế” bài bản. Nhiều người còn trở thành khách hàng quen thuộc của loại hình dịch vụ này. Khách hàng tìm đến dịch vụ rất đa dạng, có khi là một cô gái khóc nức nở khi bị người yêu bỏ và cần người an ủi; một doanh nhân trẻ bù đầu với công việc bị bố mẹ ép lấy vợ dù chưa tìm được ý trung nhân, hay một người bị căng thẳng muốn tìm người để đi uống café sau mỗi buổi chiều...

Nhắc đến dịch vụ “cho thuê người yêu”, không ai có thể quên sự xuất hiện của Công ty CP Vinamost cách đây chừng hơn 3 năm, đặt nền móng cho một loại hình dịch vụ mới lạ có nhiều lời tán thành, phản đối khác nhau. Vinamost đã được cấp giấy phép kinh doanh; dịch vụ “cho thuê người yêu” chỉ là một gói nhỏ trong chuỗi dự án mà Vinamost cung cấp. Giám đốc Nguyễn Xuân Thiện khi ấy cho biết công ty sẽ cho thuê người “đóng thế” các “vai” như trợ lý, thư ký để cùng khách tham gia các buổi ký kết hợp đồng, dự hội thảo; làm người yêu, vợ sắp cưới đi bên cạnh khách hàng trong buổi ra mắt gia đình, gặp gỡ, bạn bè, người thân. Ngoài ra, khách hàng có thể thuê nhân viên theo giờ để đi uống café, trò chuyện sau một ngày làm việc vất vả hoặc tham gia một chuyến du lịch ngắn ngày, chăm sóc lúc ốm đau hay an ủi khi thất tình...

Nhưng chính vì sự “nhạy cảm” của dịch vụ “cho thuê người yêu” nên công ty buộc phải đưa ra các quy định khá ngặt nghèo từ khâu tuyển dụng, đào tạo đến triển khai hợp đồng với khách hàng. Các nhân viên thực hiện hợp đồng đều được cấp một điện thoại riêng, số máy này phải được hoạt động trong suốt thời gian hợp đồng. Bất cứ lúc nào công ty kiểm tra mà thấy tắt máy hoặc phát hiện có vấn đề gì xảy ra, đội giám sát sẽ thực hiện các phản ứng nhanh để “cứu người”. Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm, công ty sẽ nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Khách hàng đặt thuê dịch vụ phải xuất trình giấy tờ tùy thân, chứng minh thư hoặc giấy đăng ký kinh doanh nếu là tổ chức, kèm theo ảnh. Bản hợp đồng chi tiết ký kết giữa khách hàng và công ty nêu rõ nội dung các phần việc mà nhân viên sẽ phải làm.

Ý tưởng của dịch vụ “cho thuê người yêu” đã gặp những luồng dư luận phản đối khi cho rằng việc tình cảm không phải là thứ đưa ra buôn bán, trao đổi hay thuê mua. Nhưng trong xã hội hiện đại con người phải đối mặt với quá nhiều áp lực, dịch vụ “cho thuê người yêu” cứ thế tồn tại như là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra giữa khách hàng và nhân viên phát sinh “nhu cầu” nằm ngoài hợp đồng thì những công ty và dịch vụ “cho thuê người yêu” cũng không thể kiểm soát; khó ở chỗ các hợp đồng ký kết, mức quản lý nhân viên chỉ thực hiện trong thời gian ký kết hợp đồng. Sau khi chấm dứt hợp đồng mà khách hàng và đối tác phát sinh “nhu cầu” thì chẳng ai quản lý (?). Đem tình cảm ra để buôn bán, trao đổi hoặc thuê mua, với một số người đó chỉ là sự trao đổi, thuận mua vừa bán, nhưng đó cũng chính là kẽ hở cho những tệ nạn xã hội núp bóng, trá hình để hoạt động.

“Nhu cầu”… “ảo”

Đến nay chẳng có mấy ai có thể khẳng định bên cạnh nhu cầu thật, lành mạnh thì mặt trái của nó hoàn toàn không có chuyện “mua bán xác thịt”. Và ý kiến tranh luận trên các diễn đàn bắt đầu nổ ra khi cho rằng nếu một cô gái/chàng trai làm nhân viên của dịch vụ này nếu đã có người yêu thì họ sẽ nghĩ gì? Phái nữ làm nghề này dễ sa ngã nhất. Ai không thích hào nhoáng, sang trọng?... Xã hội hiện nay với cơ chế thị trường và đồng tiền làm mờ mắt nhiều người, âu đó cũng là hệ quả tất yếu. Có ý kiến lại cho rằng dịch vụ “cho thuê người yêu” sẽ mang đến nhiều vấn đề tiêu cực hơn là tích cực. Chỉ cần hậu… hợp đồng, hay những vấn đề phát sinh khi đang “thực hiện” hợp đồng, khách hàng đưa ra yêu cầu mà nhân viên đáp ứng thì diễn biến của dịch vụ đã hoàn toàn thay đổi. Nếu kiểm soát không tốt, các nhân viên có thể lợi dụng để hoạt động các “dịch vụ” vi phạm pháp luật.

 Giờ đây chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “cần thuê người yêu”, ngay lập tức hiện lên dài dằng dặc danh sách các công ty từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh. Với những lời quảng cáo khá hoa mỹ, ăn khách, dịch vụ này đang hút hồn nhiều thực khách với tiêu chí “không tiến tới hôn nhân - không buôn bán xác thịt”. Nhưng tiêu chí này chỉ có giới hạn trong thời gian thực hiện hợp đồng. Như vậy, nếu những nhân viên của dịch vụ có nảy sinh những tiêu cực thì sao? Ai quản lý? Và đó chính là kẽ hở, vô hình trung lại trở thành “trạm trung chuyển” môi giới cho chính những người đẹp này (?!) Chưa kể đến việc rất nhiều tay chơi nhiều tiền có thú chuyên “săn lùng” gái đẹp nghiễm nhiên có cơ sở tuyển, lựa…

Đề phòng ẩn họa

Một chuyên viên tâm lý tại Trung tâm Tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nhận định, dù không vi phạm đạo đức nhưng việc các cô gái tham gia dịch vụ “cho thuê người yêu” để đi yêu thuê không dễ được chấp nhận trong xã hội xưa và nay. Bản chất của nó là sử dụng tình cảm làm phương tiện kiếm tiền, nó thể hiện sự phiêu lưu tình cảm và rất thiệt thòi cho các cô gái. Về mặt tình cảm, cảm xúc của người làm nghề này sẽ dần trở nên chai lỳ, đó chính là rào cản lớn khi họ đón nhận tình yêu thật sự. Về mặt thể xác, phái nữ làm việc này rất dễ gặp nguy hiểm, bản thân họ cũng không thể lường hết sự “đàng hoàng” của các vị khách. Về dư luận, mọi người sẽ đánh giá không tốt khi nhìn một cô gái đi lại với nhiều chàng trai. Về mặt xã hội, việc giả làm người yêu, làm vợ sắp cưới của người khác để ra mắt gia đình vô tình chính các cô gái là tác nhân trở thành kẻ lừa dối người khác.

Thực tế đến nay, có tiền đã thuê được “người yêu”, “vợ sắp cưới”…; nhưng không ai dám chắc không thể “mua tình” được thông qua dịch vụ này. Thân liễu mong manh, trong khi xã hội xô bồ, muôn vẻ, đồng tiền vẫn được đề cao, ai dám tự tin khẳng định trong số những người đi thuê “người yêu” không cố mọi cách để có được “tình” từ những cô gái đó và người lại. Có lẽ khi đã trở thành một loại hình dịch vụ thực sự thì sự lo ngại của số đông cũng đáng để lưu tâm, bởi sự kinh doanh dựa trên lĩnh vực tình cảm rất nhạy cảm, rất có thể biến thành dịch vụ mua bán dâm trá hình. Các chuyên viên tâm lý chia sẻ, trước khi quyết định theo nghề… yêu thuê, các bạn gái nên suy nghĩ và cân nhắc trước những cái được và mất. Những đồng tiền kiếm được từ công việc này liệu có đáng để đánh đổi cảm xúc và cơ hội tìm kiếm tình yêu thực sự. Đặc biệt, đã đến lúc các cơ quan chức năng cũng cần quản lý chặt chẽ và có những quy định rõ ràng hơn với loại hình dịch vụ nhạy cảm - “cho thuê người yêu” này.