Mất tiền oan vì tin quảng cáo
(ANTĐ) - Mặc dù đã được cảnh báo về việc một số tổng đài tin nhắn “moi” tiền của khách hàng mà không cung cấp dịch vụ như quảng cáo, nhưng nhiều thuê bao điện thoại di động vẫn bị mất tiền oan. Điều đáng chú ý là khách hàng mất tiền oan vì tin tưởng vào quảng cáo.
“Lòng vòng” tổng đài 8701 và 8501
Bức xúc vì không tải được bài hát yêu thích mà còn bị mất tiền oan, anh H. chủ nhân số điện thoại 0916.3xx xxx phản ánh: “Tôi đang ngồi xem chương trình quảng cáo trên VCTV2 thì thấy có clip giới thiệu cách tải nhạc chờ cho thuê bao di động. Tin tưởng quảng cáo trên truyền hình đã được kiểm chứng, tôi nhắn tin theo mẫu thì thấy bị trừ tiền mà bài hát thì không tải được”. Theo anh H., đoạn quảng cáo hướng dẫn người xem truyền hình: Nhắn tin NCT gửi 8701 để tải bài hát yêu thích.
Thấy có clip bài hát “Đừng nói xa nhau” cùng lời giới thiệu “Các bạn có thể tải bài hát này ngay bây giờ”, anh đã nhắn tin theo cú pháp trên. Lập tức anh nhận được tin nhắn từ tổng đài 8701 gửi lại với nội dung: “Rất tiếc bài hát bạn chọn chưa có hoặc tên bài hát chưa đúng. Vui lòng nhắn tin theo cú pháp: NC tên bài hát gửi 8501 để chọn bài hát làm nhạc chờ”. Kiểm tra lại xem nội dung tin nhắn đã đúng hướng dẫn chưa, chủ thuê bao trên thấy chính xác hoàn toàn. Cùng lúc đó, tổng đài 8701 lại gửi 3 tin nhắn liên tiếp: “Nếu bạn chưa đăng ký dịch vụ nhạc chờ của Vinaphone, soạn DK gửi 994 để đăng ký sử dụng dịch vụ”; “Một số nhạc chờ khác: Hãy gọi cho tôi: 305360; Chim trắng mồ côi: 600116, soạn Tune mã số gửi 9194 để cài bài hát làm nhạc chờ”; “Game cực hot: Tải game Sát thủ máu lạnh, soạn GAJ 487 gửi 8701; tải game Sát thủ sexy, soạn GAJ 203 gửi 8701; tải game Kim cương phiên bản mới, soạn GAJ 559 gửi 8701”.
“Biết là mình đã bị lừa, mất 15.000 đồng/tin nhắn cho tổng đài 8701 nhưng ngày hôm sau, tôi vẫn thử làm lại theo hướng dẫn của tin nhắn đầu tiên, nhắn tin tới tổng đài 8501. Tôi đã nhận được ¾ tin nhắn có nội dung y hệt như tin nhắn hôm trước. Duy chỉ có tin nhắn “dụ dỗ” tôi tải game là có các trò mới như: Mario; Pikachu; kim cương cao cấp nhất… với mã số trò chơi giống như của tổng đài 8701”- chủ thuê bao 0916.3xx xxx kể lại. Mất thêm 5.000 đồng cho tin nhắn “kiểm chứng”, chủ thuê bao này khẳng định: “Tổng đài 8x01 lừa đảo. Truyền hình cũng không kiểm chứng đối tác quảng cáo, để nhiều khách hàng mất tiền oan”- anh H. nói.
Mạnh Thái, chủ một thuê bao Vinaphone khác cho biết thêm, anh đã nhắn tin tới tổng đài 8x01 để cài đặt GPRS, cước phí 15.000 đồng/tin nhắn. Sau khi được thông báo thao tác cài đặt thành công, anh tiếp tục thực hiện tải game theo hướng dẫn từ tổng đài này, cước phí 10.000 đồng/tin nhắn nhưng tải game thất bại. Theo tổng đài tin nhắn thì máy điện thoại của anh Thái chưa có GPRS!
Người dùng cuối cần tỉnh táo
Đầu năm nay, khi tình trạng tin nhắn lừa đảo diễn ra phổ biến, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đã có khuyến cáo đến người dùng cuối: “Nâng cao nhận thức của người dùng cuối là yếu tố then chốt và cần được ưu tiên tiến hành sâu rộng để ngăn ngừa các thiệt hại có thể xảy ra cho người dùng di động tại Việt Nam”, kèm theo bảng giá cước tin nhắn tới các tổng đài tương ứng.
Tuy nhiên, điều đáng nói sau những vụ việc nhắn tin bị lừa đảo gần đây người tiêu dùng đã biết được họ rất dễ bị lừa đảo khi nhắn tin tải nhạc chuông, hình nền, game… theo quảng cáo nhưng nhiều người lại tin vào quảng cáo trên truyền hình. Anh Thái giải thích: “Mọi người vẫn bảo không nên tin hoàn toàn vào quảng cáo, nhưng tôi nghĩ, giả sử quảng cáo sản phẩm này tốt 10 phần, tôi tin nó tốt chỉ 6-7 phần. Tôi không nghĩ việc tải nhạc, tải game lại không đáng tin cả 10 phần”.
Trên các diễn đàn mạng, rất nhiều khách hàng sử dụng điện thoại di động là nạn nhân của trò lừa đảo trên đã lên tiếng phản đối sự vô trách nhiệm của các đài truyền hình. Một nạn nhân có nick name anquang cho rằng: “Một số hãng truyền hình vì lợi ích kinh tế bất chấp tất cả, cùng tổng đài tin nhắn moi tiền khách hàng. Truyền hình quảng cáo rộng rãi, người dân vẫn tin tưởng vào thông tin trên truyền hình mà lại để xảy ra tình trạng trên, không biết còn bao nhiêu người tiếp theo cả tin và bị lừa?”.
Hiện nay, trên các website có nhiều trang cho phép người dùng tải ứng dụng cho máy điện thoại di động miễn phí. Khách hàng có nhu cầu có thể thực hiện theo hướng dẫn tạị các website này hoặc đến các cửa hàng điện thoại di động để được hỗ trợ cài đặt. Người dùng di động cần tỉnh táo hơn nữa, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước, các mạng di động, các đài truyền hình cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn để bảo vệ khách hàng.
Vân Hằng