Mất gần 3 tỷ đồng vì sập bẫy vàng giả

ANTĐ - Tại TP Đà Nẵng xuất hiện nhóm đối tượng dùng vàng giả để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng.

Đây là loại tội phạm mới, sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi, cần được mọi người dân cảnh giác, đề phòng.

Theo đơn trình báo của nạn nhân N., khoảng tháng 7-2011, có một người đàn ông xưng danh là Thái Tiểu Bình, người Sùng Chính (Trung Quốc) gọi điện thoại di động tới cho ông N. nhờ phiên dịch tiếng Hoa. Qua điện thoại, Bình tự giới thiệu bản thân làm nghề xây dựng tại Huế, trong lúc thi công có đào được một số thỏi vàng và một tờ di chúc viết bằng tiếng Trung. Nghe ông N. biết tiếng Trung, Bình nhờ dịch di chúc và ngỏ ý bán số vàng đào được.

Vài ngày sau, Bình lại gọi điện thoại, giới thiệu một người mang họ Vương đến Đà Nẵng gặp ông N., đưa cho ông xem các thỏi vàng và tờ di chúc. Sau đó, người đàn ông họ Vương cùng ông N. mang một thỏi vàng tới tiệm kinh doanh vàng bạc đá quý thử thì đúng là vàng thật nên ông N. đồng ý mua để bán kiếm lời. Ông N. cầm cố tài sản và vay mượn của người quen được 2,9 tỷ đồng. Ngày 19-8, theo lời hẹn, ông N. cùng người thân ra Hà Nội, thuê khách sạn nghỉ ngơi. Tại đây, người xưng danh là Thái Tiểu Bình xuất hiện, đưa cho ông N. 65 thỏi vàng nén, 6 tượng Phật màu vàng và nhận 2,9 tỷ đồng. Sau khi về Đà Nẵng, ông N. mang đi thử thì toàn bộ là vàng giả. Ông N. gọi vào máy di động cho Bình thì không liên lạc được.

Vàng giả do các đối tượng sử dụng để lừa đảo.
Vàng giả do các đối tượng sử dụng để lừa đảo.

 Vàng giả do các đối tượng sử dụng để lừa đảo.

Cùng cảnh ngộ như ông N., trước đó (9-2010) một nạn nhân khác tên L. cũng mắc mưu kẻ xấu với số tiền thiệt hại là 200 triệu đồng. Cụ thể, khi ông L. đang ở nhà thì có điện thoại của một người đàn ông nói tiếng Trung Quốc, tự xưng tên là Ngô Kiến Quân. Người này nói có người quen giới thiệu ông L. giỏi tiếng Trung, nhờ dịch một bản di chúc cổ tìm được khi đào móng công trình xây dựng tại Huế cho một ông chủ người Đài Loan. Theo tiết lộ, ngoài bản di chúc còn tìm thấy một hũ tiền cổ, một số vàng nén, 3 tượng Phật bằng tách trà. Đúng 3 ngày sau, Quân điện thoại cho ông L. nói ra Bến xe Đà Nẵng đón.

Tại đây, Quân giới thiệu người đi cùng với mình tên là Trần Tiểu Minh khoảng 40 tuổi. Ông L. đưa cả hai về nhà và Quân cho gia chủ xem một tờ di chúc viết bằng chữ Hán trên lụa vàng, 40 thỏi kim loại màu vàng hình chiếc xuồng và 3 tượng Phật nhỏ. Trong khi ngồi chơi, Quân bảo ông L. cho mượn cưa để cưa thỏi vàng ra một mảnh nhỏ và nhờ chở tới tiệm kinh doanh vàng bạc đá quý để thử. Kết quả, mảnh kim loại này đúng là vàng thật.

Vài ngày sau, qua điện thoại, Quân và Minh gọi cho ông L. nói là phải về Trung Quốc, muốn bán số vàng đào được nhưng không cho người thứ 3 biết. Cả hai ra giá 20 thỏi vàng là 20.000USD, tương đương 400 triệu đồng. Ông L. thấy giá rẻ nên huy động được 200 triệu đồng, mang ra Hà Nội giao dịch mua 20 thỏi và 1 tượng Phật màu vàng của Quân và Minh. Khi đưa về Đà Nẵng, ông L. mang tới 3 điểm kinh doanh vàng bạc, đá quý thử đều cho kết quả là vàng giả.

Theo Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng, cả hai vụ lừa đảo đều có cùng phương thức và thủ đoạn. Các đối tượng đều tự xưng là người Trung Quốc, tìm những người biết tiếng Trung làm quen qua điện thoại, rồi nói là đào được báu vật ở Huế, nhờ dịch di chúc, văn bản bằng chữ Trung Quốc cổ. Bọn chúng đều nói là báu vật đào được, yêu cầu bị hại giữ bí mật, sau đó gạ bán với giá rẻ.

Để tạo lòng tin, chúng dùng vàng thật cùng bị hại đến thử ở các điểm kinh doanh vàng. Khi giao dịch, bọn lừa đảo hẹn ra Hà Nội để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Và khi bị hại phát hiện bị lừa, kẻ gian đã kịp cao chạy xa bay.