Mất 100 triệu đồng vì tin nhắn 'lệnh truy nã' giả mạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhận được tin nhắn thông báo rằng đang bị truy nã vì có liên quan đến một vụ tai nạn giao thông tại TP Hà Nội rồi bỏ trốn, anh Nguyễn Văn B (Bắc Giang) quá lo sợ đã làm theo lời đối tượng chuyển khoản 100 triệu đồng để mọi việc “êm đẹp”.

Anh Nguyễn Văn B (SN 1977, ở thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, Bắc Giang) sở hữu một chiếc xe bán tải chuyên cung cấp hàng hóa tươi sống cho các chợ đầu mối tại Hà Nội và thuê lái xe chở hàng. Đầu năm 2022, anh bất ngờ nhận được tin nhắn qua điện thoại với nội dung thông báo rằng anh bị truy nã vì có liên quan đến một vụ tai nạn giao thông tại TP Hà Nội rồi bỏ trốn. Đối tượng yêu cầu anh B nhanh chóng đến trình diện.

Chưa kịp suy xét, anh B đã cung cấp số chứng minh thư nhân dân và thông tin cá nhân để đối tượng kiểm tra. Lát sau, đối tượng gọi lại cho biết cuối tháng 12/2021, chiếc xe tải thuộc sở hữu của anh đã gây tai nạn của quận Bắc Từ Liêm, rồi bỏ trốn.­­­­­

Anh Nguyễn Văn B (Bắc Giang) mất 100 triệu đồng vì nhận được tin nhắn "lệnh truy nã"

Anh Nguyễn Văn B (Bắc Giang) mất 100 triệu đồng vì nhận được tin nhắn "lệnh truy nã"

Để giải quyết vụ việc, đối tượng yêu cầu anh đến trình diện cơ quan công an và gợi ý phương án giải quyết “êm đẹp” bằng cách chuyển 100 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng để đền bù cho người bị hại. Lo sợ bị đi tù, anh B làm theo lời đối tượng đến ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng cung cấp. Xong việc, anh tâm sự với người thân mới vỡ lẽ là mình bị lừa.

Trước thông tin về việc người dân phản ánh nhận được các tin nhắn với nội dung "Lệnh truy nã". Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn để người dân không bị kẻ xấu lợi dụng.

Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an khẳng định, cơ quan Công an không gửi quyết định truy nã (QĐTN) bằng tin nhắn điện thoại. Các tin nhắn với nội dung như vậy là giả mạo, người dân cần cảnh giác, tránh bị lợi dụng lừa đảo.

Quyết định truy nã phải có một số các nội dung chính như: Thời gian, địa điểm ra quyết định truy nã; cơ quan, họ tên, chức vụ người ra quyết định truy nã; căn cứ truy nã; thông tin lý do, nhận dạng, ảnh đối tượng bị truy nã; tội danh bị khởi tố, truy tố; địa chỉ, số điện thoại của cơ quan ra QĐTN.

Thẩm quyền ra QĐTN trong CAND gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT, ANĐT Công an các cấp ra QĐTN đối với bị can, bị cáo trong các vụ án đang điều tra hoặc theo yêu cầu của Viện KSND, TAND; thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh; giám thị, phó giám thị trại giam; giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an.

Hình ảnh một Quyết định truy nã của cơ quan Công an cho thấy có nhiều thông tin rõ ràng, theo đúng quy định. Những thông tin gửi truy nã qua tin nhắn là lừa đảo.

Hình ảnh một Quyết định truy nã của cơ quan Công an cho thấy có nhiều thông tin rõ ràng, theo đúng quy định. Những thông tin gửi truy nã qua tin nhắn là lừa đảo.

Quyết định truy nã theo quy định được gửi đến: Công an địa phương nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã. Công an cấp tỉnh nơi đối tượng truy nã lẩn trốn hoặc tất cả Công an cấp tỉnh; VKSND cùng cấp với cơ quan ra QĐTN.

Quyết định truy nã được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt người bị truy nã.

Cục Cảnh sát hình sự cho biết, công tác truy nã tội phạm được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, liên quan đến danh dự, nhân phẩm, quyền con người, nên phải rất thận trọng, khách quan, thực hiện đúng quy trình pháp luật quy định. Cục Cảnh sát hình sự khẳng định, không có việc Bộ Công an gửi tin nhắn truy nã tội phạm, mọi người dân cần tỉnh táo, có hiểu biết để không bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo.