Marou không ngại mua nguyên liệu cacao của Việt Nam với giá cao hơn thị trường

ANTD.VN -Đại diện Công ty Marou, Faiseurs de chocolat cho rằng, để có được nguyên liệu chất lượng tốt nhất, Marou không ngại mua nguyên liệu ở Việt Nam với giá cao hơn thị trường.

Chiều 30-3, Diễn đàn Đối thoại chính sách cao cấp do Bộ Ngoại giao chủ trì đã diễn ra phiên thảo luận "Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực GMS", đây là một trong những sự kiện thuộc Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS đang diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, vai trò của nông nghiệp trong Tiểu vùng sông Mekong đặc biệt quan trọng. Đây là khu vực có gần 334 triệu dân, có vị trí giao thương chủ chốt giữa các nước láng giềng, đóng vai trò trung tâm tăng trưởng mới trong thời kỳ hội nhập ngày càng năng động.

Với lợi thế về điều kiện khí hậu và tự nhiên, ngành nông nghiệp của các nước GMS có tỷ lệ đóng góp không nhỏ vào GDP, kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia, đặc biệt như Việt Nam, Campuchia và Lào. Các sản phẩm nông nghiệp của các nước GMS đều được thị trường quốc tế biết đến. Chính vì vậy, nông nghiệp sẽ tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng, là bệ đỡ cho các ngành kinh tế khác và có nhiều tiềm năng mở rộng do dư địa về thị trường vẫn còn rộng lớn.

Đại biểu tham dự phiên thảo luận chuyên đề “Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực GMS”

Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nêu ra những thách thức của nông nghiệp GMS. Cụ thể, khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xử lý tranh chấp thương mại còn gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu dùng chuyển hướng ưa chuộng tiêu thụ các sản phẩm chế biến tinh.

Bên cạnh đó còn tồn tại thách thức do giá cả mặt hàng nông sản biến động trên thị trường quốc tế và nguồn tài nguyên môi trường ngày càng bị thu hẹp bởi tốc độ phát triển đô thị...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi các đại diện nước GMS, các doanh nghiệp, đối tác phát triển sẽ tích cực chia sẻ, đóng góp ý kiến để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, hướng tới công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Ousmane Dione - Giám đốc World Bank Việt Nam cho biết, nông nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và động cơ của phát triển bền vững ở các quốc gia GMS.

Theo ông, cần chú trọng tới các giải pháp giúp các nước phát triển ngành nông nghiệp có tính cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập tốt vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Đồng thời, các quốc gia GMS cần chú trọng vào giải pháp tăng cường liên kết chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp và sự đóng góp của công nghệ 4.0 trong việc giải phóng giá trị và nâng cao năng suốt ngành nông nghiệp.

Ông Samuel Maruta, người sáng lập và Chủ tịch Công ty Marou, Faiseurs de chocolat 

Thuyết trình tại phiên khai mạc, ông Samuel Maruta - đồng sáng lập Công ty Marou, Faiseurs de chocolat đã có bài trình bày về tiềm năng phát triển cacao tại Việt Nam. Ông chia sẻ rằng, cacao do Việt Nam sản xuất hiện chỉ chiếm 0,8% sản lượng của thế giới. Tuy nhiên, Marou hiện đã gây dựng được thương hiệu rất tốt ở thị trường Việt Nam và là một trong những hãng chocolate ngon nhất thế giới, sử dụng 100% nguyên liệu từ Việt Nam.

Đại diện Công ty Marou, Faiseurs de chocolat cho rằng, để có được nguyên liệu chất lượng tốt nhất, Marou không ngại mua nguyên liệu với giá cao hơn thị trường và điều này không chỉ có lợi cho chính Marou mà còn tạo động lực cho nông dân tiếp tục trồng cacao chất lượng tốt. Ông khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nữa để khích lệ nông dân trồng cacao, nâng cao nhu cầu sản xuất để hướng tới chinh phục thị trường rộng lớn hơn.