Mạo danh người nước ngoài, thủ đoạn lừa đảo cũ vẫn nhiều người sập bẫy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Mạo danh người nước ngoài, kết bạn qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gửi quà về Việt Nam dù không phải cách thức mới nhưng vẫn có nạn nhân sập bẫy.

Cảnh báo từ cơ quan đại diện ngoại giao

Mới đây, Bộ phận Dịch vụ Công dân Mỹ (ACS) của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán tại TP. HCM đã đưa ra cảnh báo về việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển quà. Theo thông tin cảnh báo, các hình thức phổ biến nhất gồm có lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn, hoặc qua mạng xã hội từ các cá nhân tự xưng là công dân Mỹ đang đóng quân tại nước ngoài mạo danh là thành viên Quân đội Mỹ, nhà thầu quân đội hoặc nhân viên công ty/ tổ chức quốc tế có văn phòng tại Việt Nam.

Nhan nhản lời mời kết bạn mạo danh người nước ngoài trên các trang mạng xã hội

Nhan nhản lời mời kết bạn mạo danh người nước ngoài trên các trang mạng xã hội

Các đối tượng sẽ thuyết phục các nạn nhân chuyển tiền cho chúng bằng cách tạo dựng mối quan hệ bạn bè, tình cảm hoặc hợp tác kinh doanh qua mạng để rồi sau đó lợi dụng mối quan hệ đó để lừa tiền. “Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo quý vị không chuyển tiền cho bất cứ cá nhân nào mà quý vị chưa từng gặp mặt trực tiếp", cảnh báo của cơ quan trên nêu rõ.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, hình thức lừa đảo giả mạo là người nước ngoài rồi lên mạng xã hội làm quen và gửi quà về Việt Nam dù không phải cách thức mới nhưng vẫn có nạn nhân sập bẫy.

Những lời đường mật khiến các nạn nhân sập bẫy

Những lời đường mật khiến các nạn nhân sập bẫy

Gần đây, Công an cả nước liên tục nhận trình báo về các trường hợp nghi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua việc đóng phí để nhận quà có giá trị gửi từ nước ngoài.

Qua mô tả của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo thường tạo cho mình vỏ bọc là người có ngoại hình đẹp, có công việc đàng hoàng tử tế, cuộc sống giàu sang. Sau một thời gian quen biết, trò chuyện, các đối tượng lừa đảo sẽ ngỏ ý gửi các món quà đắt tiền, có giá trị lớn về Việt Nam.

Đáng chú ý, mặc dù chưa từng gặp ngoài đời nhưng nhiều nạn nhân lại dễ dàng đánh mất cả trăm triệu với hy vọng được nhận quà có giá trị do bạn ở nước ngoài gửi về.

Từ các vụ việc được nạn nhân trình báo, bị công an phát hiện, xử lý, có thể nhận thấy quy trình đặc trưng trong hình thức lừa đảo này. Đầu tiên, các đối tượng lừa đảo tự xưng là người nước ngoài hoặc Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài kết bạn qua mạng xã hội. Sau khi đồng ý kết bạn, những người này sẽ chủ động làm quen rồi thường xuyên nhắn tin, trò chuyện để dụ dỗ và chiếm cảm tình của nạn nhân.

Khi nạn nhân nảy sinh tình cảm, các đối tượng ngỏ ý gửi quà có giá trị hoặc nhờ làm trung gian để gửi quà từ nước ngoài gửi về Việt Nam. Những món quà này thường là các vật có giá trị như tiền, vàng, đồ trang sức… Nếu suy nghĩ kỹ, rất dễ nhận ra dấu hiệu bất thường ở đây là hai người lạ chưa từng gặp mặt không thể tin tưởng để gửi quà có giá trị. Tuy nhiên, do đã bị dụ dỗ với những lời hứa hẹn ngon ngọt, nạn nhân vẫn bất chấp nghe theo.

"Quy trình" của những kẻ lừa đảo

"Quy trình" của những kẻ lừa đảo

Cú lừa ngoạn mục sẽ đến khi các đối tượng thông tin đang gặp rắc rối về thủ tục nhận quà, phải nộp tiền để chuộc. Sau khi khai thác được thông tin về số điện, địa chỉ… của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ lấy danh nghĩa của công ty giao hàng, nhân viên hải quan hoặc ngân hàng gọi điện yêu cầu nộp phí vận chuyển, thuế hải quan, nộp phạt vì một lý do nào đó.

Sau khi nạn nhân sập bẫy và chuyển khoản tiền vào số tài khoản lạ. các đối tượng lừa đảo sẽ lập tức bốc hơi khỏi mạng xã hội. Nạn nhân hoảng loạn vì quà không thấy đâu mà cả người gửi quà cũng như người nhận tiền đều không thể liên lạc được. Lúc này nạn nhân mới nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn, nạn nhân không chỉ mất tiền mà còn nhận thêm cú shock về tình cảm vì đã tin tưởng mù quáng.

Khuyến cáo của cơ quan công an

Theo luật sư Hoàng Văn Dũng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc tự mình lấy lại số tiền bị lừa đảo là rất khó thực hiện bởi người bị hại chỉ được cung cấp thông tin giả mạo và không hề biết kẻ lừa đảo phía sau màn hình là ai, sinh sống ở đâu.

Cách duy nhất để có thể xử lý được kẻ lừa đảo cũng như lấy lại số tiền bị lừa là lên trình báo lừa đảo với cơ quan Công an có thẩm quyền.

“Người dân cần cảnh giác, không nên tin vào những người bạn nước ngoài trên mạng xã hội khi chưa xác minh đầy đủ thông tin về họ; không chuyển tiền vào các tài khoản do những người bạn này yêu cầu và trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết” - chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội khuyến cáo.

Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội cũng cho rằng, khi biết mình bị lừa, để giúp cho việc điều tra được thuận lợi, nạn nhân cần thu thập tất cả các thông tin có liên quan như tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản… cung cấp đầy đủ cho cơ quan công an.