Vụ án lừa đảo hơn 1.000 người dân nghèo và kết cục đắng của kẻ chủ mưu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tin vào những lời hứa hẹn hão huyền, hàng nghìn người dân nghèo ở nhiều tỉnh, thành phố đã cóp nhặt từng đồng xu lẻ để đưa vào cái gọi là Trái tim Việt Nam, do Trần Đức Trung tạo ra và tất cả đều phải "chết điếng" khi vụ án dần đi vào hồi kết...

Tan nát mộng làm giàu ở tuổi "xế chiều"

Trong các ngày từ 2 đến 9-8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Trần Đức Trung (SN 1961) - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Liên quan, Bùi Thị Oanh (SN 1956); Phạm Văn Lực (SN 1978); Nhâm Sỹ Phúc (SN 1967) và Phan Thị Thoa (SN 1989) đều là cựu nhân viên Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới cũng bị đưa ra xét xét về tội danh trên.

Trần Đức Trung được xác định là giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, tổ chức và điều hành chương trình Trái tim Việt Nam, liên kết ba bên trái pháp luật, gian dối trong việc đưa ra chính sách hỗ trợ người nghèo để lừa đảo những người tham gia với số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn.

Hàng trăm bị hại đến dự phiên tòa vụ lừa đảo hơn 1.000 người dân nghèo.

Hàng trăm bị hại đến dự phiên tòa vụ lừa đảo hơn 1.000 người dân nghèo.

Xen lẫn trong số hàng trăm bị hại đến tòa dự thính là ông lão gầy gò, mảnh khảnh tên Nguyễn Đình Dũng, đến từ tỉnh Thanh Hóa. Ông Dũng kể, 7 năm trước, thời kỳ "nở rộ" phong trào đa cấp và góp vốn lãi khủng, ở miền quê Đông Sơn, Thanh Hóa, ngày nào cũng nườm nượp "cán bộ" quần là áo lượt, xách cặp đi tuyên truyền về những chương trình "làm giàu không khó", hưởng lãi trọn đời.

Khi chia sẻ sự không tin tưởng vào việc "làm giàu gì mà dễ thế" với một người ở địa phương, ông Dũng bị chê "đi sau thời đại". "Cả làng mình chơi Trái tim Việt Nam, tôi cũng được nhận lãi mấy tháng nay. Giờ ông mới hỏi" - ông Dũng thuật lại lời người hàng xóm của ông này.

Cũng theo lời ông lão quê Thanh Hóa, ngay hôm sau, một người tự xưng cán bộ Trung tâm hỗ trợ người nghèo, phụ trách địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến gõ cửa nhà ông với chồng tài liệu tuyên truyền.

Người này cho biết, Trung tâm hiện có chương trình Trái tim Việt Nam, được "đỡ đầu" bởi nhiều người có địa vị với mục đích giúp nông dân nghèo làm giàu trên chính quê hương và thay đổi vận mệnh.

"Cán bộ này đưa ra với nhiều lựa chọn như đóng 1,2 triệu đồng để mở mã, bắt đầu từ tháng sau chỉ phải đóng 700.000 đồng và nhận khoản hỗ trợ 5,7 triệu đồng", ông Dũng kể. Ngoài ra, theo cam kết, đây sẽ là khoản hỗ trợ trọn đời. Khi nào người tham gia chết, người thừa kế có quyền hưởng tiếp trong 10 năm.

Như nhiều nạn nhân khác của vụ án, ông Dũng không có nhiều nguồn thu nhập. Sau hơn 13 năm chiến đấu chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc, cựu binh trở về với thương tật 21%. Thời điểm biết đến Trái tim Việt Nam, ông Dũng đang hưởng trợ cấp bệnh binh, mỗi tháng một triệu đồng.

Sợ vợ lo lắng, nhận tiền "lãi" được 2 tháng liền, ông Dũng mới dám kể. Vợ ông, một y tá về hưu, sau đó cũng dành dụm lương hưu để cùng tham gia.

Đúng ngày 15 hàng tháng, "cán bộ" Trung tâm sẽ đi từng nhà chi trả lãi và ký hợp đồng với hội viên mới. Thấy phía trung tâm tận tình, lại trả tiền đúng hẹn, ngày càng nhiều người quanh xã mang tiền tích cóp ra nộp với hy vọng có một khoản tiền "trông cậy tuổi già".

Quá trình điều tra và xét xử, Trần Đức Trung luôn quanh co, phủ nhận hành vi phạm tội.

Quá trình điều tra và xét xử, Trần Đức Trung luôn quanh co, phủ nhận hành vi phạm tội.

Ngoài ra, nếu rủ thêm được một người tham gia mới, hội viên cũ sẽ được trung tâm "thưởng nóng" 500.000 đồng, khiến "mạng lưới" ngày càng lan rộng.

Cuối năm 2015, Trái tim Việt Nam chi nhánh tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo. Ông Dũng là một trong những hội viên tiêu biểu được nhận giấy mời dự và ăn tiệc tại một khách sạn hạng sang ở thành phố. Trung tâm "ưu tiên" tặng thêm 5 giấy mời để ông Dũng có thể rủ thêm ai tùy thích.

Lần đầu trong đời thấy tên mình in trang trọng trên tấm thiệp bìa cứng cầu kỳ, ông Dũng vừa hồi hộp, vừa tự hào. Sáng sớm ấy, ông cùng hai ông bạn già, đều là cựu chiến binh, bí thư thôn, đóng bộ quần áo xanh bộ đội, đèo nhau lên thành phố.

Ông kể, Chủ tịch Trần Đức Trung cùng Tổng giám đốc Lê Thị Hằng (đồng phạm với bị cáo Trung nhưng đã chết) xuất hiện trước hàng trăm hội viên, bày tỏ sự thương xót với người nông dân nghèo trên toàn quốc. "Mấy trăm con người ngồi dưới, ai nấy vỗ tay rào rào, thấy chương trình này nhân văn và sáng sủa lắm", ông Dũng nhớ lại.

Để chứng minh không phải là đường dây lừa đảo, bà Hằng cũng tự giới thiệu là Giám đốc tài chính khu vực châu Á, được tổ chức từ thiện quốc tế tài trợ 100 triệu USD, kèm tài sản thừa kế là một ngôi nhà có giá trị rất lớn tại TP. HCM.

"Nếu lừa dối bà con, tôi sẽ lấy tất cả những tài sản này ra đền cho từng người không thiếu một đồng", ông Dũng kể lại lời nữ Tổng giám đốc trong hội thảo.

Thực tế, tất cả thông tin bà Hằng nêu đều là giả mạo. Ông Dũng cùng hàng nghìn "hội viên" khác của Trái tim Việt Nam tại Thanh Hóa cũng không mất quá nhiều thời gian để nhận ra điều này.

Sau nửa năm nhận lãi đều đặn, tháng 1-2016, quá ngày chi trả tiền lãi cả tuần không thấy "cán bộ " trung tâm xuống, cũng không thể liên lạc, ông Dũng bắt đầu thấy sốt ruột. Được gần 100 hội viên quanh xã nhờ cậy, ông cùng hai người bạn đèo nhau tới văn phòng ở thành phố Thanh Hóa để hỏi thăm nhưng địa điểm này đã khóa cửa.

Họ về huyện Thiệu Hoá, tìm đến tận nhà riêng của bà trưởng chi nhánh, khi này đã bị vây kín bởi hàng trăm nạn nhân khác. "Người nhẹ nhàng thì hỏi han, người nóng nảy thì chửi bới dọa nạt, đòi trả tiền", ông Dũng kể. Nhưng câu trả lời chung cho tất cả là: "Em cũng không biết làm sao. Đến em cũng bị lừa mấy tỷ đồng".

Đám đông bất bình rủ nhau ra về. Ông Dũng được 95 người cùng làng cử làm đại diện viết đơn tố giác. 7 năm trôi qua, ông bảo mọi người cũng ngày càng ít hy vọng lấy lại được số tiền mà đến giờ chính ông cũng không nhớ chính xác là mấy chục triệu đồng.

Một số tài liệu liên quan tố cáo hành vi phạm tội của Trần Đức Trung và đồng phạm.

Một số tài liệu liên quan tố cáo hành vi phạm tội của Trần Đức Trung và đồng phạm.

Rời phòng xử án khi Trần Đức Trung và đồng phạm phải nhận những mức án đích đáng, ông Dũng cùng hàng trăm bị hại như được an ủi phần nào. Từ sâu thẳm trong lòng, ông lão này thực sự ngộ ra một điều rằng "trăm cái dại cũng chỉ tại cái tham".

Vụ án phức tạp và nhiều lần phải trả hồ sơ

Quá trình Tòa thẩm vấn Trần Đức Trung và đồng phạm cho thấy, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn thành lập. Trung làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, còn bà Lê Thị Hằng (chết năm 2021) làm Tổng giám đốc.

Từ tháng 4-2015, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo chưa được cấp phép hoạt động nhưng bị cáo Trung và đồng phạm vẫn lấy danh nghĩa đơn vị này tổ chức chương trình Trái tim Việt Nam và nhiều hội thảo thu hút, lôi kéo người dân nộp tiền để hưởng lãi suất cao.

Bị cáo Trung cùng bà Hằng soạn tâm thư, kêu gọi ủng hộ rồi đi xin chữ ký bày tỏ sự đồng tình của nhiều người. Các bị cáo đưa thông tin gian dối rằng, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo có nguồn vốn vì có tổ chức ở nước ngoài "chống lưng". Do đó, ai tham gia đóng góp sẽ được nhận tiền theo chính sách với lãi suất lên đến 814%.

Tuy nhiên trên thực tế, nguồn tiền chi trả hầu hết là lấy của người tham gia sau, trả cho người trước theo mô hình đa cấp như rất nhiều các vụ án đa cấp đã bị đánh sập trong thời gian vừa qua.

Năm 2015, các bị cáo Phạm Văn Lực, Nhâm Sỹ Phúc và Bùi Thị Oanh được giao điều hành Câu lạc bộ triệu phú tích lũy làm giàu, hoạt động theo mô hình đa cấp nhưng chưa được cấp phép.

Sau đó, Trung và Hằng sáp nhập câu lạc bộ trên vào trung tâm. Bị cáo Lực được phân công khai thác, thu hút các hội viên mua một hộp thực phẩm chức năng với giá 1,2 triệu đồng.

Đến tháng 4-2015, câu lạc bộ hoạt động kém hiệu quả nên bị cáo Trung ký văn bản hủy bỏ Câu lạc bộ triệu phú tích lũy làm giàu và triển khai chương trình Trái tim Việt Nam.

Bức Tâm thư là một trong những công cụ, phương thức để Trần Đức Trung lừa đảo.

Bức Tâm thư là một trong những công cụ, phương thức để Trần Đức Trung lừa đảo.

Các bị cáo đã lập 26 điểm tư vấn và phân công 6 nhóm đi thu tiền của người tham gia chương trình tại 16 tỉnh, thành phố. Tiền được chuyển về văn phòng trung tâm ở Hà Nội. Các bị cáo thu về 148 tỉ đồng từ các địa phương và hơn 42 tỉ đồng tại văn phòng trung tâm. Các bị cáo đã lấy một phần tiền của người nộp sau trả cho người nộp trước.

Thông qua chương trình Trái tim Việt Nam, Trung và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 49 tỉ đồng của 1.008 bị hại. Trong đó, bị cáo Trung chiếm hưởng 26,3 tỉ đồng. Các bị cáo khác chiếm hưởng từ vài trăm triệu đồng đến hơn 8 tỉ đồng.

Hành vi phạm tội của Trần Đức Trung và đồng phạm tóm tắt đơn giản chỉ có vậy nhưng thực tế đây lại là vụ án khá phức tạp. Bởi những người nhẹ dạ cả tin "sập bẫy" cựu Chủ tịch Trung tâm Hỗ trợ người nghèo lên đến hơn 1.000 người và nằm rải rác ở hàng chục tỉnh, thành phố trên cả nước.

Để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, bên cạnh việc chứng minh thủ đoạn gian dối thì cơ quan tố tụng bắt buộc phải xác định chính xác từng người bị hại cùng số tiền họ bị lừa gạt. Các số liệu về tiền bạc, lời khai và tài liệu liên quan phải phù hợp với nhau. Chỉ cần "vênh váo" một chút cũng đáp ứng yêu cầu.

Quá trình điều tra, đánh sập vụ án lừa đảo theo mô hình đa cấp này, bị cáo Trung luôn giữ thái độ quanh co và chối bỏ hành vi phạm tội của bản thân... Thế nên từ khi kết thúc điều tra lần đầu đến khi Tòa đưa ra phán quyết mới đây, vụ án đã rất nhiều lần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Và ngay cả khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Trung vẫn chối bỏ mọi tội trạng đến cùng. Theo đó, các bị cáo Bùi Thị Oanh, Phạm Văn Lực, Nhâm Sỹ Phúc, Phan Thị Thoa đều thành khẩn khai báo, đồng thời mong được bị hại tha thứ thì Trung lại phản bác toàn bộ cáo trạng và cho rằng bị oan.

Bị cáo Trung cho rằng các đồng phạm khai gian dối. Theo lời khai của Trung, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo được thành lập vào năm 2013 nhưng có 2 năm liền hoạt động không hiệu quả. Đến năm 2015, dựa trên những lá thư của “lãnh đạo nhà nước”, bị cáo ký quyết định triển khai chương trình Trái tim Việt Nam.

Bị cáo Trung nói: “Khi triển khai chương trình, tôi có nói với Phạm Văn Lực dựa trên tinh thần thư chỉ đạo là tất cả những người tham gia Trái tim Việt Nam phải đóng góp tiền tự nguyện”.

Chủ tọa hỏi: “Trung tâm Hỗ trợ người nghèo của bị cáo có vai trò gì? Nguồn vốn đóng góp từ đâu? Đã hỗ trợ gì cho người nghèo?” Bị cáo Trung đáp, trung tâm có vai trò hỗ trợ người nghèo nông thôn Việt Nam phát triển kinh tế; nguồn vốn đóng góp chủ yếu từ các nhà tài trợ và đơn vị tài trợ riêng; trung tâm đã hỗ trợ cho Hội chữ thập đỏ, ủng hộ người nghèo trên 200.000 hộp sữa và phân vi sinh, thực phẩm chức năng.

Khi bị cáo Trung vừa dứt lời, một số bị hại ngồi phía dưới nói vọng lên "việc ủng hộ đấy là dùng tiền của chúng tôi".

Tại tòa, các bị hại cho biết họ chỉ đóng tiền và mất tiền chứ chưa được hỗ trợ gì. “Bị cáo phụ trách trung tâm, chịu mọi trách nhiệm hoạt động, bây giờ gây thiệt hại hàng trăm tỷ của người ta như thế ai chịu trách nhiệm?”, chủ tọa hỏi tiếp.

Bị cáo Trung nói, ai làm sai thì chịu trách nhiệm, các bị cáo ở đây đã khai nhận thì họ phải chịu. “Thế bị cáo có sai không?” - Tòa hỏi. Đáp lời cựu Chủ tịch Trung tâm Hỗ trợ người nghèo quả quyết: “tôi không sai, tôi làm đúng”.

Dù vậy, sau nhiều phiên tòa được mở đi mở lại và đặc biệt tại phiên xử mới đây, tội trạng của Trần Đức Trung đã thực sự được phơi bày. Tòa xác định bị cáo này phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với số tiền đặc biệt lớn và tuyên phạt tù chung thân. Các bị cáo còn lại lần lượt bị áp dụng từ 6 năm tù đến 9 năm tù, cùng tội danh.

Vụ án đã cơ bản khép lại và sẽ lại là một bài học cảnh tỉnh cho những ai có mong ước "làm giàu không khó" theo cái cách chỉ đóng tiền để ngồi hưởng lãi suất cao. Ở chiều ngược lại, bất kể ai nếu cứ ưa dùng những chiêu trò như Trần Đức Trung để "một bước lên tiên" thì chắc chắn cũng nhận một kết cục đắng ngắt.