Mạnh chưa đủ, phải bền!

ANTĐ - Gần 800 trường hợp vi phạm các quy định về TTATGT đã bị các tổ công tác liên lực lượng CSHS - CSCĐ - CSGT kiểm tra, xử lý trong 15 ngày đầu tiên thực hiện Kế hoạch 141 của CATP Hà Nội. Con số này phản ánh hiệu quả, sức mạnh và tính cần thiết của một chủ trương mà người đứng đầu lực lượng Công an Thủ đô đưa ra, nhằm thiết lập lại TTATGT trên địa bàn thành phố.

Ở góc độ khác, mô hình liên kết tuần tra cơ động này bước đầu đã tạo được tâm lý, nhận thức chấp hành pháp luật giao thông tốt hơn đối với nhiều người dân. Một biểu hiện của sức mạnh và tính hiệu quả ở mô hình liên kết này, là trong gần 800 trường hợp bị xử lý, nhiều đối tượng bị phát hiện mang theo ma túy, hung khí và “hàng nóng”.

Con số những trường hợp vi phạm pháp luật giao thông bị xử lý trong 15 ngày vừa qua chắc chắn sẽ được nâng lên nhiều, nếu mô hình tuần tra liên lực lượng được cùng tổ chức ở nhiều địa bàn. Với 10 tổ công tác liên lực lượng như hiện nay, độ “phủ sóng” chưa được kín. 29 quận, huyện của thành phố, gần như địa bàn nào cũng đã có đủ 3 lực lượng cơ động, hình sự và giao thông. Vì sao chỉ huy các quận, huyện chưa chủ động lĩnh hội và bám sát “tinh thần” Kế hoạch 141 của CATP, từ đó triển khai các tổ tuần tra cơ động ngay tại địa bàn mình? Sức mạnh chắc chắn sẽ nhân đôi, độ khép kín địa bàn sẽ chặt chẽ hơn, nếu có được các tổ cơ động tuần tra nhịp nhàng, ăn ý giữa thành phố và quận, huyện. 

Vấn đề có quan hệ chặt chẽ với yếu tố sức mạnh của các tổ tuần tra liên lực lượng, đó là sức bền. Đánh giá tính hiệu quả của một chủ trương, kế hoạch không thể chỉ căn cứ vào kết quả bước đầu. “141” muốn phát huy sức mạnh hơn nữa nhất định phải tính toán đến bài toán duy trì, mà ở đây, chính là sức “bền” của mô hình liên kết 3 lực lượng. Sức “bền” có được từ đâu? Chính từ sự tham gia của các tổ tuần tra liên lực lượng cấp quận, huyện. Nó vừa tạo được sức mạnh đồng bộ, vừa khép kín các địa bàn và cũng “nâng’” được trách nhiệm của chỉ huy các đơn vị trong công tác giữ gìn ANTT.