Mang chăn ấm về “rốn rét” Quản Bạ

ANTĐ - Những đôi chân bé xíu không giày dép,  phong phanh trong chiếc áo mỏng sờn cũ giữa cái lạnh 2 độ C. Cái nghèo, cái khó của đồng bào, trẻ em người Mông vùng cao Hà Giang chưa bao giờ  gần chúng tôi đến thế. Có lẽ chỉ đến khi chạm mặt những hình ảnh này, mới thấy những món quà dù nhỏ, nhưng đến được đúng lúc với người nghèo thiết thực đến thế nào.

Niềm vui của các em nhỏ khi nhận được chăn, quần áo ấm

Chạm mặt cái rét vùng cao

Bộ phận thông tin điện tử báo An ninh Thủ đô cập nhật tình hình diễn biến thời tiết cho biết: Sẽ có một đợt rét đậm rét hại tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là những tỉnh vùng cao. Thông tin này nhanh chóng làm “nóng” lịch trình của đoàn công tác xã hội từ thiện. Ngay lập tức, chuyến hàng đầu tiên được lên kế hoạch. Điểm đến sẽ là xã Cán Tỷ và Bát Đại Sơn của “rốn rét” vùng cao Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Tờ mờ sáng  26-12, khi Hà Nội vẫn còn se se lạnh trước những cơn gió heo may thì những chuyến xe của đoàn công tác xã hội từ thiện Báo An ninh Thủ đô và Thẩm mỹ viện Hải Duyên lặng lẽ lên đường. Ra khỏi Hà Nội thì trời bỗng dưng đổi gió và đến khi chúng tôi tới Quản Bạ đối mặt với cái rét thấu xương. Dù được thông báo trước, nhưng ông Sùng Mý Lùng, Chủ tịch xã Cán Tỷ vẫn co ro, suýt xoa mừng rỡ: “Tôi không ngờ thời tiết chuyển biến nhanh đến thế này. Các anh, các chị đến với bà con chúng tôi lúc này thật quý hơn vàng”. Số hàng lần này chúng tôi mang tới cho Cán Tỷ là 310 suất quà với tổng trị giá gần 100 triệu đồng.

Mỗi suất bao gồm 1 chăn ấm, 5 kg gạo, 1 kg miến cùng với gia vị, muối, quần áo, tất, mũ dép trị giá 325 nghìn đồng cho các hộ nghèo và các em của trường dân tộc nội trú. Ông Lùng kể: Cán Tỷ là xã nghèo thuộc loại nhất nhì huyện Quản Bạ với số hộ nghèo thống kê được lên tới 73%. Đa số các hộ nghèo đều là đồng bào dân tộc Mông. Riêng các em học sinh nội trú ở đây thì cái khổ, có nói các anh cũng không tưởng tượng được. Chỉ tính riêng việc lo cho các em ngày 3 bữa cơm chắc dạ để lên lớp cũng đã chật vật lắm rồi, thế nên việc lo cái mặc lúc trời đông giá rét thì được đến đâu hay đến đấy.

Ông Lùng không nói quá. Nghe tin có đoàn công tác từ thiện của Hà Nội tới tặng quà, các em học sinh của trường tiểu học Cán Tỷ mừng lắm. Tờ mờ sáng 27, khi chúng tôi còn đang chuẩn bị, em Giàng Thị Ly học sinh lớp 4A2 đã có mặt. Nhận bộ quần áo từ tay bà Lê Hải Duyên – Giám đốc Thẩm mỹ viện Hải Duyên mà Ly cứ lóng ngóng mãi không dám mặc. Mẹ bé Ly mất từ sớm, nhà nghèo khó, dưới Ly còn 2 đưa em lít nhít nên việc có một bộ quần áo mới với cô bé như giấc mơ. Cô giáo chủ nhiệm La Thị Thúy kể, lúc chúng tôi tới nhà vận động gia đình cho Ly tới lớp, bố cô bé bảo: “Nhà không còn ngô đâu, bây giờ nó lớn, cắt cỏ, đi nương được rồi, cho nó đi học thì biết lấy cái gì nuôi hai đứa còn lại”. Phải dỗ ngon ngọt mãi, bé Ly mới được tới trường. Tài sản của cô bé chỉ duy nhất có bộ quần áo trên người. Thế nên với Ly món quà này của chúng tôi là thứ tài sản lớn nhất bây giờ em mới có.

Đại diện Báo ANTĐ và ni sư Thích Đàm Nhung - chùa Vân Hồ 

trao quà cho thầy trò trường Tiểu học Khau Vai - Mèo Vạc

Món quà ý nghĩa

Khi nhiệt độ của huyện Mèo Vạc bắt đầu xuống dưới 5 độ C cũng là lúc chuyến hàng thứ 2 của Báo An ninh Thủ đô cùng đoàn công tác của cán bộ chiến sỹ Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Phòng X. - Công an thành phố Hà Nội, UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) và ni sư các chùa Sở Thượng, Quan Hoa, Trung Kính Hạ, chùa Bộc, chùa Lủ và chùa Vân Hồ bắt đầu đến với đồng bào, học sinh xã Khau Vai. Những cơn gió của vùng núi đá tai mèo như hàng nghìn chiếc kim thi nhau quất vào mặt buốt thấu xương. Ấy vậy mà những học sinh, những gia đình nghèo ở đây vẫn phất phơ trong chiếc áo mỏng dính. Món quà mà chúng tôi mang tới Khau Vai lần này trị giá 90 triệu đồng bao gồm 50 suất quà (mỗi suất 1 chăn ấm, 1 thùng mỳ) cho các hộ nghèo. Đặc biệt trong số đó còn có 100 chiếc chăn ấm, 100 áo len, 100 thùng mỳ, 3 tạ gạo, 3 tạ mỳ cùng với đường, bánh kẹo, mỳ chính, bít tất để tặng riêng cho các em học sinh nội trú của xã. Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Quý nghe tin xã được nhận quà, mặt cứ hớn hở: Xã còn khó khăn lắm, các anh, các thầy giúp bà con, giúp các cháu được dù chỉ một đôi tất cũng là quý lắm rồi.

Chuyển quà cho trường Tiểu học Khau Vai

Mặc dù đây là lần thứ 3 đến với đồng bào người Mông vùng cao Hà Giang, nhưng thầy Thích Đàm Thu (chùa Vân Hồ) vẫn không khỏi bùi ngùi xót xa khi trao tận tay những món quà cho các em nhỏ. Dù đã rất ý tứ, nhưng các thầy cô giáo của trường tiểu học Khau Vai cũng không thể nào giấu được nhưng đôi chân bé tí xíu trần trụi trên mặt sân trường nứt nẻ vì lạnh. Ở góc sân trường, tôi gặp em Thào Mý Dông ở bản Xín Thầu tay cứ mân mê đôi bít tất và chiếc áo len mới được tặng. Hỏi: Sao không mặc vào cho đỡ lạnh. Dông cười bảo, cái áo này nhiều tiền lắm. Mặc vào thấy… tiếc. Năm ngoái Dông theo mẹ đi chợ huyện bán ngô, nằn nì mãi mà mẹ vẫn chưa có tiền để mua cho em chiếc áo. Thế mà “đùng” một cái, có người mang nó đến tặng,

Dông cứ ngỡ nằm mơ.

Cái “giấc mơ” của Dông còn hiện rõ khi đoàn công tác chúng tôi theo ông Quý đi “thị sát” khu ăn ở nội trú của thầy trò trường tiểu học Khau Vai. Ông Quý chỉ căn nhà 3 gian xây gạch giới thiệu: “Chỗ này mới được huyện đầu tư xây lại cho các em chứ vốn trước đây nó là nhà tạm toàn tranh tre nứa lá”. Gọi là mới, nhưng cũng chỉ được cái xác nhà chứ chưa hề có chăn màn tử tế. Tôi nhìn gian nhà thông thống vỏn vẹn mấy chiếc giường tầng. Giữa cái rét cắt thịt của núi đá, các em nhỏ chỉ có vẻn vẹn mấy manh chiếu kê trên giát gỗ. Thế này thì đến người lớn cũng không ngủ nổi, nói gì đến học sinh. Anh Giàng Mý Chứ, bí thư xã đoàn an ủi: “Mọi năm, các cô giáo phải đốt chảo than giữa nhà cho các em sưởi, nhưng lúc nào cũng phải cắt người thức coi vì sợ ngạt. Bây giờ, có chăn ấm, có quần áo rét, đêm nay các em sẽ không phải đốt chảo than đặt giữa phòng như mọi đêm nữa”. 

Báo ANTĐ và bà Hải Duyên - GĐ Trung tâm Mỹ viện Hải Duyên 

trao quà cho đồng bào và học sinh xã Cáu Tỷ, Quản Bạ

Cũng trong chuyến đi này, đoàn công tác quyết định sẽ tài trợ cho Khau Vai xây dựng một con đường bê tông dài 200m thay cho con đường đất dốc đứng, trơn nhẫy vào những ngày mưa. Đây là con đường để các em nhỏ trường tiểu học và trung học cơ sở Khau Vai có thể an toàn đi từ khu nội trú lên lớp học mà không bị ngã. Ni sư Thích Đàm Nhung bảo, thầy sẽ vận động thêm Ni trưởng Thích Đàm Đạt của chùa Sở Thượng và các thầy ở chùa Quan Hoa, Trung Kính Hạ, chùa Bộc, chùa Lủ chung tay giúp cho các cháu thêm 500 bộ đồng phục, 500 đôi dép, vài trăm thùng mỳ và xây mới toàn bộ khu vệ sinh cho các em. Lời hứa ấy đã gieo vào những ánh mắt trẻ thơ nơi đây biết bao hy vọng.