Mầm họa từ tính “ruột để ngoài da”

ANTĐ - Sau đám cưới ít lâu, với tâm lý “người nhà”, nhiều thói xấu, tật hư đã bộc lộ khiến các ông chồng bà vợ đi từ bất ngờ này đến sững sờ khác. 

Ảnh minh họa: PHÚ KHÁNH

Lấy về mới thấy hồn nhiên

Lúc giới thiệu người yêu với gia đình, bạn bè để chuẩn bị cưới, ai cũng khen anh Hiếu (chung cư Mỹ Đình) khéo chọn vợ. Không chỉ xinh xắn, chị Nguyệt vợ anh còn rất thật thà, xởi lởi. Người già, trẻ con đều quý cái tính hay nói, hay cười của chị. Sau khi cưới, tính thật thà như đếm của chị càng được phát huy khiến nhiều phen bố mẹ chồng méo mặt, chồng xấu hổ. Biết bố chồng thích ăn cánh ngan, tới bữa, chị cố ý sắp sẵn cho bố chồng đĩa cánh ngan để ông nhắm rượu. Bố chồng có vẻ ưng ý ra mặt, nhưng khi ông đang vui vẻ khề khà chén rượu thì chị lại sốt ruột kêu: “Sao bố gặm xương kỹ thế, để phần con Kiki với, nó đang nhìn mồm bố kìa”. Ông bố chồng bỏ cả bát cánh để khỏi mang tiếng “tranh phần chó”. Lại có phen, trời nóng, thấy mẹ chồng “thả rông” cho mát, chị Nguyệt bô bô: “Mẹ 60 mà hàng họ còn mẩy thế”, khiến mẹ chồng lập tức quay vào đóng cho đủ bộ.  Sau khi sinh con, chị Nguyệt càng xuề xòa. Lúc nào cũng ăn mặc như mẹ mướp, quần áo, đầu tóc luôn vương mùi nước đái của con. Mẹ chồng góp ý thì chị cười hề hề: “Thay ra đằng nào nó chẳng đái nữa hả mẹ”. Khách đến nhà thấy con chị Nguyệt bụ bẫm, kháu khỉnh ai cũng muốn trêu đùa. Khi đồng nghiệp đến thăm nhà, mấy cô nhìn cu con rồi nịnh: “Chim cong veo thế kia thì chuyên tưới lên mặt mất thôi”. Chị Nguyệt chêm luôn: “Giống y bố cháu”, khiến mấy cô đồng nghiệp đỏ bầm mặt vì nhịn cười. Còn anh Hiếu chỉ ước có cái lỗ nẻ để chui xuống. 

Còn chị Trần Thanh Thu (Đống Đa) thì méo mặt vì tính phiên phiến, luộm thuộm của chồng. Ra đường thì áo phông, buông ngoài quần, đi dép lê cho thoải mái. Về nhà đánh độc cái quần đùi, nhiều phen còn co lên ghế, hở thông thống. Chị Thu lườm nguýt thì anh lại bảo: “Người nhà, cần gì phải khách sáo”. Chị Thu ngại nhất là khi về thăm bố mẹ đẻ. Thực thà, chất phác, đến thăm bố mẹ vợ anh mua chục trứng vịt lộn, cân thịt để bố mẹ bồi bổ. Ở nhà đã đành, sang nhà bố mẹ vợ ăn cơm, anh cũng co hết chân lên ghế, húp canh xoàn xoạt, rồi ngồi rung đùi tít mù xỉa răng. Bố mẹ chị đều là nhà giáo nên nhìn cảnh con rể vô tư như thế đều “kinh ngạc đến nghẹn lời”. 

Chuyên gia Trịnh Trung Hoà cho biết, không ít cặp vợ chồng sau khi lấy nhau đã quan niệm: “Đã là người một nhà thì cần gì màu mè, khách sáo” nên bộc lộ hết các thói xấu, tật hư của mình. Cũng có người ruột để ngoài da nên nói không cân nhắc hay dở, lợi – hại. 

Xa cách

Các cụ xưa đã dạy “Vợ chồng tương kính như tân”, là muốn nhấn mạnh vợ chồng phải luôn đối xử với nhau lịch sự, giữ được ấn tượng tốt đẹp về nhau, tôn trọng và tin yêu nhau. Ai cũng biết hôn nhân thường làm “lộ sáng” những tật xấu, những điểm yếu của vợ hoặc chồng. Không chấp nhặt chuyện vụn vặt hay những khiếm khuyết nhỏ trong sinh hoạt là điều cần thiết để có cuộc hôn nhân hoà hợp. Tuy nhiên, nếu ai đó buông thả, tự cho rằng những hành vi chưa đẹp của mình là chuyện vụn vặt, không quan trọng, không cần điều chỉnh là đã không coi trọng bạn đời, làm cho mâu thuẫn nhỏ rạn vỡ thành vết nứt lớn.

Câu chuyện “Cong như bố” của anh Hiếu trở thành giai thoại của cả cơ quan. Từ đó, anh Hiếu không dẫn vợ đi chơi với đồng nghiệp, bạn bè nữa. Cơ quan có tổ chức các hoạt động nghỉ mát cho gia đình anh cũng thoái thác ở nhà. Chị Nguyệt có rủ đi chơi anh cũng từ chối. Về nhà anh cũng mặt mày ủ ê, ít tâm sự, trò chuyện với vợ. Chị nào hiểu được sự “cấm khẩu” của anh mỗi lần chị hồn nhiên “bóc mẽ” chồng. Anh bắt đầu ghét cả tiếng cười nói ồn ào, bô lô ba la của vợ. Không còn thấy sự thật thà, hồn nhiên của vợ là điểm tốt mà anh Hiếu chỉ thấy một bạn đời quá vô duyên và luộm thuộm. Khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng xa. Chị Thu cũng ngày càng thấy xấu hổ trước bộ dạng lôi thôi của chồng. Có lần, đi xem phim với vợ nhưng chồng chị Thu chỉ mặc độc cái quần soóc lò xo và áo sát nách cũ rích. Trong khi chị Thu lại điệu đà mặc váy, đi giày cao gót. Chẳng may, chị Thu lại đụng hai vợ chồng người bạn cũng đi xem phim. Họ tròn mắt nhìn sự cọc cạch của hai vợ chồng. Người bạn gái ghé tai chị nói đùa: “Bóc lột chồng ghê thế”. Chị chỉ muốn độn thổ cho đỡ xấu hổ. Sau vài lần chấn chỉnh anh chẳng nghe, chị cũng bỏ luôn ý định sánh vai đi dạo với chồng. Tự nhiên, trong mọi việc hàng ngày, chị đều thấy khó chịu với mọi cử chỉ, lời nói của chồng. Tuy nhiên, chồng chị không hiểu tâm tư của vợ, cho rằng chị kênh kiệu, chê chồng. Sự căng thẳng kéo dài khiến hai vợ chồng đều chán ngán, mệt mỏi.