Mắc ‘bẫy’ lừa đảo qua app tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chỉ cần cài một ứng dụng vay tiền trên điện thoại, sẽ có nhân viên của hàng loạt ứng dụng vay tiền khác liên hệ mời vay tiền và giăng ‘bẫy’ sẵn chờ người vay mắc vào.

Chỉ cần tìm kiếm thông tin về vay tiền qua app, người sử dụng Internet sẽ “ngập” trong những thông tin hỗn loạn về hàng trăm ứng dụng vay tiền. Hoạt động cho vay theo hình thức này chủ yếu được áp dụng theo kiểu tín chấp, người đi vay không cần tài sản đảm bảo, thế chấp, thủ tục lại nhanh gọn nên ngày càng có nhiều người mắc vào.

Nở rộ ứng dụng vay tiền qua mạng

Bên cạnh những ứng dụng cho vay tiền chính thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính hoạt động công khai, minh bạch, cũng không thiếu ứng dụng hoạt động dưới hình thức “tín dụng đen”. Các ứng dụng này thường thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin, nhằm tránh sự theo theo dõi của các cơ quan chức năng.

Chỉ cần tìm kiếm thông tin về vay tiền qua app, người dùng sẽ ngập trong ma trận của hàng trăm ứng dụng vay tiền khác nhau

Chỉ cần tìm kiếm thông tin về vay tiền qua app, người dùng sẽ ngập trong ma trận của hàng trăm ứng dụng vay tiền khác nhau

Theo thống kê, hiện có đến hàng trăm ứng dụng cho vay theo kiểu “tín dụng đen” như vậy (thông qua website, qua các ứng dụng điện thoại di động, chủ yếu trên GooglePlay, AppStore như: Tamo, Vdong, Movay, Ucash…). Khi khách hàng cài đặt một hoặc một vài ứng dụng vay, sẽ có nhân viên của nhiều ứng dụng khác liên hệ, liên lạc để giới thiệu, mời chào khách hàng cài đặt và vay trên ứng dụng của họ.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) vừa phát đi cảnh báo và cung cấp thông tin nhận diện các hình thức lừa đảo qua ứng dụng (app) trên điện thoại. Theo cảnh báo, đã và đang xuất hiện nhiều app cho vay tiền kiểu “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ”, đang ngày càng nở rộ và diễn ra công khai.

Theo ghi nhận của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, từ đầu năm 2022 đến nay, có gần 3.000 người báo cáo hiện tượng lừa đảo qua trang web của trung tâm tại địa chỉ: canhbao.ncsc.gov.vn.

Trong đó, số người phản ánh về các ứng dụng liên quan tới hoạt động tín dụng đen chiếm 30% số lượng cảnh báo về lừa đảo trực tuyến được gửi về. Để “giăng bẫy”, các đối tượng, tổ chức tín dụng cho vay tiền không rõ nguồn gốc tạo các ứng dụng vay tiền.

Đồng thời, sử dụng tờ rơi, thông qua các trang mạng xã hội, nhắn tin, gọi điện, chạy video quảng cáo... nhằm lôi kéo nhiều người tham gia với những lời chào mời hấp dẫn như thủ tục vay tiền đơn giản, nhanh gọn, miễn phí lãi suất lần đầu vay, vay không cần chứng minh thu nhập, vay không cần thế chấp, lương càng cao lãi suất càng thấp...

Sau khi dụ dỗ được người có nhu cầu, các đối tượng chủ động liên hệ qua trang mạng xã hội như: Zalo, Telegram, Messenger, Viber... và tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Để tạo sự tin tưởng, các đối tượng còn cung cấp hình ảnh bản thân, căn cước công dân, địa chỉ cơ quan, nơi làm việc, số điện thoại liên hệ...

Cẩn thận với các chiêu trò lừa đảo

Tuy nhiên, trên thực tế, những hình ảnh, thông tin này đều là mạo danh người khác hoặc giả mạo bằng thủ đoạn cắt ghép, chỉnh sửa. Khi đã tạo được lòng tin đối với người vay, các đối tượng cung cấp đường link tải ứng dụng vay tiền trên điện thoại di động.

Sau khi cài đặt ứng dụng, các đối tượng hướng dẫn người dùng điền các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, ứng dụng yêu cầu được phép truy cập vào danh bạ của điện thoại để thu thập các thông tin liên quan phục vụ mục đích đòi nợ.

Các đối tượng sau khi hoàn thành xong thủ tục sẽ cho vay khoản tiền theo yêu cầu với lãi suất 10-15%/năm. Nếu đến hạn, người vay trả chậm sẽ bị phạt tiền vi phạm hợp đồng từ 3-8% tiền vay, một ngày trả chậm sẽ bị phạt thêm từ 2-5% tiền vay. Như vậy, khoản tiền phải trả có thể gấp 5, gấp 10 lần khoản tiền vay ban đầu trong chỉ trong một vài tháng ngắn ngủi.

Đáng nói, ứng dụng được cài trên điện thoại nên khi đến hạn mà người vay chưa trả nợ hoặc không trả đầy đủ, các đối tượng sẵn sàng sử dụng nhiều biện pháp đe dọa, khủng bố tinh thần để đòi nợ như sử dụng sim rác gọi điện, nhắn tin để chửi bới, đe dọa; liên lạc với người thân.

Các đối tượng này còn sử dụng hình ảnh cá nhân, cắt, ghép phát tán trên mạng xã hội, gửi email, gọi điện cho cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý người vay để vu khống, tố cáo, gây sức ép đòi nợ, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nhiều tổ chức, cá nhân…