Ma túy "tem giấy" nguy hiểm như thế nào đối với học sinh?

ANTD.VN -Thời gian gần đây, một bộ phận học sinh đua đòi rỉ tai nhau về trò chơi gây ảo giác rất “thú vị”, đó là “tem giấy” hoặc còn có tên gọi khác là “bùa lưỡi”. Sau khi thông tin lan truyền, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xác minh và khẳng định “tem giấy” là một loại ma túy mới, có tên đầy đủ là Lysergic Acid Diethylamide (LSD).

Những diễn biến khó lường

Theo tìm hiểu của phóng viên, “tem giấy” là những miếng giấy nhỏ như con tem, kích thước khoảng 1,5 x 1,5 cm, in hình ngộ nghĩnh hoặc các nhân vật nổi tiếng. Những “tem giấy” này đã được tẩm LSD, và bán ở các cổng trường học, với giá chỉ khoảng 20 nghìn đồng/miếng.

Cách sử dụng cũng hết sức đơn giản, chỉ cần liếm miếng tem hoặc ngậm ở đầu lưỡi trong vài phút sẽ đem lại cảm giác ảo ngây ngất cho người dùng. Cảm giác này sẽ kéo dài khoảng 12 tiếng đồng hồ, có tác dụng mạnh nhất trong khoảng từ 2 đến 6 tiếng.

Các chuyên gia nhận định, đây là loại ma túy không mới, tái xuất hiện thời gian gần đây sau một thời gian dài (từ cuối thập niên 1970) bị ngưng sản xuất. Là chất bán tổng hợp được chiết xuất từ nấm cựa gà.

"Tem giấy" là một loại ma túy gây ảo giác giống ma túy đá.

Theo phản ánh thì tại một số địa bàn thuộc TP.HCM xuất hiện tình trạng học sinh ở tuổi cấp 2, cấp 3 tìm mua loại chất kích thích này để sử dụng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 - Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện tâm thần TP.HCM, chia sẻ, ông đã từng điều trị cho một bệnh nhân 15 tuổi bị nghiện tem giấy. Em này là học sinh cấp 3 tại TP.HCM, có triệu chứng ảo thị và rối loạn giấc ngủ sau một thời gian chơi “tem giấy".

Bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng thuốc và áp dụng các liệu pháp cai nghiện ma túy. Sau 2 lần điều trị, chất gây nghiện LSD được đào thải dần khỏi cơ thể em, triệu chứng ảo giác và rối loạn giấc ngủ đã thuyên giảm. Tuy nhiên, bác sĩ Hiển phải dặn dò người nhà hết sức chú ý, bởi nếu như bệnh nhân tái nghiện sẽ rất khó điều trị.

Chuyên gia nhận định: ma túy “đá” và “tem giấy” nguy hiểm như nhau

Tại Hà Nội, qua khảo sát tại các bệnh viện (bv): BV Tâm Thần Trung ương, BV Tâm thần Hà Nội, BV Tâm thần Mai Hương, các bác sĩ cho biết chưa ghi nhận ca bệnh nào nhập viện vì loại ma túy mới này.

Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất (khoa H), BV Tâm thần Hà Nội nhận định, nếu TP.HCM xuất hiện tem giấy thì không loại trừ khả năng Hà Nội cũng có, vấn đề là chưa phát hiện đối tượng sử bán hoặc sử dụng, chưa xảy ra hậu quả khiến người dùng phải vào viện điều trị.

Tuy nhiên theo TS.BS Nguyễn Văn Tuấn đây là loại ma túy nguy hiểm không nên coi nhẹ tác hại của nó. Các miếng tem giấy được tẩm chất LSD, đây là chất gây ảo giác mạnh nhất từ trước đến nay mà con người biết đến, thuộc nhóm kích thích. Chỉ cần vài chục microgam đã có thể ảo giác, hoang tưởng gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Vào thập niên 1970 khi LSD ra đời, người ta nghĩ nó là thuốc, là thần dược nhưng sau đó mới rõ tác hại của nó.

Tác dụng của "tem giấy" gây ảo giác và hưng phấn kéo dài nhiều giờ đồng hồ, tùy theo lượng sử dụng.

Còn bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương, cho biết, ma túy “đá” và “tem giấy” có mức độ nguy hiểm như nhau. Với “tem giấy” do giá rẻ nên giới trẻ, đặc biệt là học sinh rất dễ tiếp cận và dễ sử dụng.

Những đối tượng buôn bán “tem giấy” nhắm vào đối tượng học sinh, lứa tuổi này các em chưa ý thức được nguy hiểm mà chỉ đơn giản nghĩ là một trò chơi. Giống như các loại ma túy khác, “tem giấy” đem lại cảm giác “phê” nên người dùng thích thú và dễ bị phụ thuộc.

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tập trung điều tra, xử lý, ngăn chặn ma túy “tem giấy” hay còn gọi là “bùa lưỡi”.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên và phụ huynh về tác hại và cách nhận biết các loại ma túy, đặc biệt là chất LSD; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất gây nghiện, chất hướng thần trong trường học.

Bên cạnh đó, Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường quản lý địa bàn, đặc biệt khu vực xung quanh trường học, xử lý nghiêm các trường hợp quảng bá, mua bán, dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng ma túy.