Ly thân - con dao hai lưỡi

ANTĐ -  Không ít cặp vợ chồng coi ly thân như giải pháp để giải quyết xung đột, hy vọng khi bình tĩnh hơn sẽ suy nghĩ thấu đáo. Tuy nhiên, ly thân không khiến tình yêu quay trở lại, thậm chí còn khiến hôn nhân tan vỡ nhanh hơn.

Minh hoạ internet

Quá mù ra mưa

Chị Nguyễn Xuân Thủy và anh Hoàng Minh Quang (khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa)  lấy nhau được 7 năm, có con gái 5 tuổi. Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua nếu chị Thủy không bắt gặp những tin nhắn mùi mẫn của chồng cho cô sinh viên tập sự. Tuy anh Quang thề sống thề chết mình mới chỉ đưa đẩy, tán tỉnh cho vui chứ chưa hề có chuyện “trai trên gái dưới” nhưng chị Thủy vẫn tổn thương ghê gớm. Sau khi nhiếc móc chồng không tiếc lời, chị đùng đùng bỏ về nhà mẹ đẻ một thời gian để “suy nghĩ lại”. Trong thâm tâm chị Thủy không hề có suy nghĩ bỏ chồng, chỉ muốn có thời gian xa chồng để bình tĩnh lại và quên dần sự tổn thương mà chồng gây ra. Về nhà bố mẹ, cơm không phải nấu, con không phải chăm, chị Thủy tung tẩy đi chơi với bạn bè, quên bẵng việc phải giữ gìn ông chồng. Mấy lần chồng sang đón về, chị Thủy lần lữa vì cũng chẳng còn giận nhưng vẫn muốn rảnh rang thêm mấy bữa nữa, nên từ chối làm lành. “Thực ra, mình chỉ dọa ly thân cho chồng biết thế nào là giá trị của mình thôi, chứ mình vẫn yêu chồng, cũng không muốn con mình phải lớn lên mà không có bố bên cạnh. Cần phải thử thách chồng chút ít” – chị Thủy cho biết. 

Còn chị Thực và anh Quyết (quận Ba Đình) đã có với nhau hai mặt con. Hai vợ chồng chung sống với bố mẹ anh Quyết. Tuy nhiên, quan hệ giữa chị Thực và mẹ chồng không suôn sẻ. “Nhất cử nhất động” của chị đều ngứa mắt mẹ chồng. Điều chị không chịu nổi là mẹ chồng chị luôn tự tiện làm mọi chuyện theo ý mình, kể cả việc lục tủ quần áo của chị để bình phẩm từng bộ váy, từng cái áo lót. Đã thế, mỗi tháng 2-3 lần, mẹ chồng chị lại cùng người giúp việc vào phòng con trai, kê lại đồ đạc tứ tung, đến nỗi, chị không chịu nổi phải thay khóa cửa phòng. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, mẹ chồng lại tỉ tê với chồng “đưa chìa khóa cho mẹ, mẹ ở nhà dọn phòng cho”, chồng chị lại nghe theo.  Vậy là đồ đạc trong phòng chị lại “bay vèo vèo” từ góc nọ sang góc kia. Riêng chuyện nuôi con-chăm cháu cũng như cực hình. Chị Thực muốn nuôi con tự lập nên con khóc ăn vạ chị không dỗ dành, nhưng lập tức, bà nội lại ra ôm cháu xuýt xoa, mắng “con mẹ vô tình”. Chị yêu cầu con ngồi học, con nhăn nhó thì bà nội lại bảo “bố mày ngày xưa chả cần học nhiều mà cũng thành người, mẹ mày học đòi vẽ chuyện”, đến mức, chị ức phát khóc.  Vì vậy, chị bế con ra ngoài thuê nhà, yêu cầu chồng phải lựa chọn về sống chung với vợ con hay bám váy mẹ. Tuy nhiên, mẹ chồng chị cũng quyết liệt “nếu về với vợ con thì nên từ mặt mẹ”, nên chồng chị không dám đi. Vậy là anh chị giận nhau. Chị Thực tuyên bố ly thân, không cần chồng. Nhưng chị vẫn nghĩ, chỉ một thời gian, chồng mình sẽ thương vợ, nhớ con mà về sống với vợ con. 

Xa mặt cách lòng 

Tuy nhiên, không ít cặp vợ chồng phải trả giá cho việc ly thân tạm thời. Sống một mình, anh Quang cũng cảm thấy như chim sổ lồng. Cả tuần, anh Quang không ăn cơm nhà mà la cà hàng quán, bia bọt, nhậu nhẹt. Trong những lần vui thú ngoài đường, anh đã ngã vào vòng tay của một cô cắt tóc gội đầu. Ngay trong ngày chị Thủy dọn đồ về nhà, cô cắt tóc gội đầu đã tìm đến, với cái thai 3 tháng. Đau khổ, chị Thủy đã dứt tình ký đơn ly hôn, cấm anh Quang tìm đến thăm nom con. Còn anh Quang cũng không còn thanh minh được lời nào. Tuy nhiên, anh cũng không thể cưới cô cắt tóc gội đầu, mà chỉ hứa sau khi cô ta sinh con sẽ có trách nhiệm về kinh tế.  Hai năm sau ly hôn, chị Thủy và anh Quang vẫn sống một mình, trong nỗi hối hận dày vò. Chị Thủy tự trách mình đã vội vã ly thân, khiến anh Quang sa ngã. Anh Quang cũng dằn vặt đã không quyết liệt giữ vợ con ở nhà, làm cho cuộc đời mình lỡ dở. 

Còn anh Quyết cũng không vì xa cách mà thương vợ, nhớ con. Lúc đầu anh còn năng qua lại đưa đón con đi học, sau ngại xa, ngại phiền, anh thuê luôn một “xe ôm” đưa đón con. Anh cũng không thích sống trong gia đình mà vợ cứ sai lau nhà hay tắm cho con. Trong khi, sống ở nhà cùng mẹ, anh không phải động chân động tay làm việc nhà. Mẹ anh cũng suốt ngày nhồi nhét vào đầu anh tư tưởng “vợ không ra vợ, vô lễ, hỗn hào”. Vì thế, anh lại ra tối hậu thư với vợ “hoặc là về nhà, hoặc là tự động nuôi con một mình”. Chị Thực giận dữ, mệt mỏi, thất vọng, cũng ký xoẹt vào đơn ly hôn. 

Theo ông Trịnh Trung Hòa (Trung tâm tư vấn Linktam), ly thân là thời gian “thử lửa” của hôn nhân. Tuy nhiên, nếu hai vợ chồng chỉ ngồi ở hai “đầu cầu” và chờ đợi tình yêu quay lại, hôn nhân tốt đẹp sẽ đến thì phép màu sẽ không xảy ra. Do xa cách, nhiều ông chồng (bà vợ) sẽ thấy tự do, nhàn nhã như “trai tân” nên cho phép mình tham gia các cuộc bia bọt, rượu chè, đi tán gái. Họ sẽ dễ bị cuốn vào các mối quan hệ mới, say mê mới. Lúc đó, họ khó có thể quay về yêu bạn đời của mình. Ngoài ra, hai vợ chồng ly thân hoàn toàn, đóng kín cánh cửa giao tiếp thì mâu thuẫn chỉ chìm xuống chứ không biến mất. Ly thân làm cho vợ (chồng) cảm thấy cô đơn và uất ức hơn, nhất là người phải đối mặt với gánh nặng trong việc nuôi con hay kinh tế. 

“Ly thân là một quyết định quan trọng đối với sự tồn tại của hôn nhân. Muốn ly thân phải có kế hoạch, phải suy nghĩ thấu đáo. Đừng vì giận dữ, tự ái mà vội vã bế con về nhà mẹ đẻ. Hoặc chỉ vì muốn trừng phạt vợ (chồng) mà dọn khỏi nhà “cho biết tay”. Nếu chỉ đơn phương ly thân mà không bàn bạc với vợ (chồng) sẽ chỉ khiến bạn đời càng giận dữ và tự ái hơn. Lúc đó, tình cảm sẽ như bát nước hất xuống đất, khó vun lại cho đầy” – Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa.