Ly tán, trắng tay vì sổ đỏ

ANTĐ - Luật Đất đai đã ghi rõ: Tất cả các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất đều phải gồm tên của cả vợ và chồng.  Tuy nhiên, văn hóa “xuất giá tòng phu”, khiến nhiều chị em vẫn không dám đòi quyền lợi của mình. Lại có ông chồng vì muốn khư khư giữ miếng bánh quyền lực ảo mà mất tình nghĩa vợ chồng, gia đình ly tán. 

Ly tán, trắng tay vì sổ đỏ ảnh 1Nhiều phụ nữ không có quyền trên mảnh đất mình đổ công sức

Không góp của, lại đòi quyền

Chị Nguyễn Thị Hồng (Ba Đình) lấy chồng được 12 năm, có đăng ký kết hôn đàng hoàng. Trước đây, vợ chồng chị ở quận Hai Bà Trưng, tuy đã tách hộ nhưng vẫn sống cùng bố mẹ chồng. Đến năm 2013, vợ chồng chị mua được căn nhà ở quận Ba Đình. Nói là mua nhưng nhà giá 3 tỷ đồng, vợ chồng chị chỉ có 900 triệu, còn bố mẹ đẻ chị và anh trai cho vay. Trong số 900 triệu “vốn”, chị góp 700 triệu, chồng chị góp 200 triệu. Nhưng chị chẳng tính toán gì vì xưa nay trong gia đình vẫn “mặc định”, chị có thu nhập cao hơn nên trả mọi sinh hoạt phí trong gia đình, chồng chị chỉ chi mấy khoản lặt vặt như điện thoại, phí vệ sinh. Nên lúc mua nhà, anh vay mượn, đóng góp được 200 triệu cũng là tốt lắm rồi. 

Mua xong nhà, chị Hồng còn mượn mảnh đất của bố mẹ thế chấp vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng để sửa nhà và mua sắm đồ nội thất. Thấy chồng nhàn rỗi nên chị giao giấy tờ nhà cho anh để làm sang tên sổ đỏ từ tên chủ nhà cũ sang tên vợ chồng chị. Ở yên ổn hàng năm, chị cũng không ngó ngàng đến giấy tờ. Nhưng một lần có việc, chị lấy giấy tờ nhà ra xem thì giật mình sửng sốt: sổ đỏ chỉ mang tên chồng chị. Tức giận, chị mang ra chất vấn thì chồng chị thản nhiên: Xưa nay trong gia đình, chồng làm chủ, đương nhiên giấy tờ nhà mang tên chồng, có gì phải thắc mắc. Bố mẹ chồng cũng ủng hộ quan điểm của con trai. Chị còn phát hiện, để làm được sổ đỏ, chồng chị còn lấy hộ khẩu cũ của gia đình, không có tên chị để đi làm giấy tờ. Tình cảm vợ chồng sứt mẻ, chị Hồng nhất quyết xin ly hôn. Trên giấy tờ vay mua nhà mà chồng chị đã ký nhận cùng anh trai và bố mẹ đẻ, chị cũng yêu cầu chồng sang tên ngôi nhà cho bố mẹ, trả 200 triệu đồng cho chồng cũ. Giữa hai vợ chồng không còn tài sản gì để tranh chấp. 

Còn chị Nguyễn Hồng Nhiên (Đông Anh) sau một thời gian chấp nhận sống cảnh chồng chung, đành phải ra đi trắng tay. Trước đó, vợ chồng chị mua lại của bố mẹ chồng 60m2 trị giá 300 triệu đồng trên diện tích mà đại gia đình đang sinh sống. Với số tiền chị buôn bán tiết kiệm được, cộng với của hồi môn mà bố mẹ chị cho, chị đã xây ngôi nhà 2 tầng trên mảnh đất đó, chồng chị cũng không đóng góp được đồng nào. Nhiều lần chị giục chồng đi tách sổ đỏ, sang tên nhưng chồng chị mắng chị quá sốt sắng, khiến bố mẹ phật ý vì cho rằng chị nghi ngờ “bố mẹ lừa”. Chị cũng không dám nói gì thêm. 

Bi kịch xảy ra khi chồng chị đi làm ăn xa, quyến luyến người đàn bà khác. Chị Nhiên đau khổ đòi ly hôn, chia nhà, chia đất. Nhưng lúc đó, chồng chị và gia đình chồng lật lọng, cho rằng chị xây nhà trên đất của bố mẹ, lấy quyền gì chia. Chị cũng không chứng minh được mình đã bỏ toàn bộ tiền của ra xây nhà. Chồng chị tuyên bố sẽ không bán nhà, cũng không đồng ý bồi thường, chị muốn ly hôn thì cứ dài cổ mà đợi thi hành án. 

Rào cản tâm lý

Bà Dương Thị Xuân - nguyên Trưởng ban Luật pháp chính sách - Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, theo khảo sát của hội, từ trước đến nay, sổ đỏ vẫn do chủ hộ (nam giới) đứng tên, phụ nữ không có quyền hoặc không dám đòi quyền đứng tên. Khi ly hôn, hoặc có tranh chấp phụ nữ thường rất thiệt thòi. Có đến 70% các vụ kiện tụng gửi đơn lên Trung ương Hội liên quan đến đất đai mà phần lớn nguyên nhân đều do chị em không được cùng đứng tên sổ đỏ với chồng. Có chị đổ mổ hôi nước mắt trên mảnh đất khai khẩn được nhưng sổ đỏ lại chung với anh chồng. Bỗng dưng chồng mất, anh chồng chiếm cả. Lại có chị cả đời cống hiến cho gia đình chồng vẫn mang tiếng “trắng tay”, bị chồng bạo hành đến mức thân tàn ma dại cũng không dám ly hôn vì sợ chẳng có tấc đất cắm dùi… Còn khi chị em muốn đòi quyền lợi cùng đứng tên sổ đỏ với chồng thì bị chồng đuổi đánh, gia đình chồng miệt thị cho rằng ăn ở hai lòng.

Theo phân tích của bà Trần Thị Minh Châu - Giám đốc Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA), định kiến giới và luật tục vẫn là một rào cản lớn đối với phụ nữ trong việc đảm bảo quyền sử dụng đất đai. Nhiều người, cả nam lẫn nữ đều cho rằng phụ nữ phải đảm nhận việc nhà và “kém quan trọng” trong khi nam giới có trách nhiệm quyết định các việc hệ trọng trong gia đình. Do đó, phụ nữ luôn nhường và buộc phải nhường nam giới đi làm các thủ tục giấy tờ và để nam giới đứng tên duy nhất trong sổ đỏ cũng như nhiều giấy tờ tài sản khác. Phụ nữ cũng cho rằng, khi lấy chồng là lệ thuộc nhà chồng nên không có quyền yêu cầu điều gì. Nhiều chị em cũng ngại va chạm, đấu tranh để đòi quyền lợi của mình. Biết mình không có tên trong sổ đỏ sẽ yếu thế hơn với chồng trong gia đình nhưng chị em cũng không dám đề nghị vì sợ chồng cho rằng mình “ăn ở hai lòng”, muốn ly hôn nên đòi chia nhà đất… 

Bà Châu cho biết, việc phụ nữ không có tên trong sổ đỏ cùng chồng không chỉ khiến vị thế trong gia đình của chị em giảm bớt mà còn khiến họ gặp nhiều rủi ro khi ly hôn, chồng mất, có tranh chấp đất đai. Ngoài ra, khi người chồng ích kỷ, muốn khư khư giữ quyền lợi cũng làm cho người vợ cảm thấy buồn khổ, tủi thân, không cam tâm tình nguyện gắn kết với gia đình. Tình cảm vợ chồng cũng vì thế mà sứt mẻ. Để đảm bảo quyền sử dụng đất đai cho phụ nữ, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và thay đổi nhận thức về việc phụ nữ cùng đứng tên trong sổ đỏ với chồng. 

Theo báo cáo khảo sát “Đảm bảo quyền có tên của vợ và chồng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” thực hiện tháng 8-2014 vừa qua tại một số xã của Hòa Bình, Quảng Trị, Vĩnh Long cho thấy, phụ nữ đang gặp nhiều khó khăn khi không đứng tên bất cứ tài sản nào trong gia đình, trong đó tài sản lớn nhất là đất và nhà. Ở cả 3 vùng khảo sát, nếu không có dự án thúc đẩy việc phụ nữ có tên trong sổ đỏ cùng với chồng hoặc chuyện tách đổi, chuyển nhượng, thừa kế thì sổ đỏ vẫn mang 1 tên, chủ yếu là người chồng. Cá biệt có địa phương tỉ lệ cấp đổi từ 1 tên thành 2 tên đối với những trường hợp sổ đỏ đã cấp trước năm 2004 là 0%.