Lương tối thiểu và mức sống tối thiểu: Tính mãi không ra

ANTĐ - Câu chuyện lương tối thiểu, một câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” lại một lần nữa được xới lên. Tính chung lương tối thiểu chỉ đáp ứng được 50% mức sống tối thiểu, với khu vực lao động Nhà nước, con số này là 30%. Đã 20 năm qua, kỳ họp Quốc hội nào, vấn đề lương tối thiểu không đủ sống cũng được nhắc đến. Tuy nhiên đến hôm nay, câu chuyện này xem ra vẫn hết sức nan giải.

Lương tối thiểu chỉ đáp ứng được 50% mức sống tối thiểu

Viện Công nhân - công đoàn, thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vừa đưa ra con số khẳng định mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được hơn 50% mức sống tối thiểu. Theo khảo sát của cơ quan này tại các loại hình doanh nghiệp ở 10 tỉnh, thành phố trên cả nước về tiền lương thì, mức sống tối thiểu của một lao động thuộc vùng I khoảng 3,7 triệu đồng/tháng (bao gồm nhu cầu lương thực, thực phẩm là 888.000 đồng/tháng; nhu cầu phi lương thực, thực phẩm như chỗ ở, đi lại, hưởng thụ văn hóa… khoảng 1,3 triệu đồng/tháng; nhu cầu nuôi 1 con là 1,55 triệu đồng/ tháng). Trong khi đó, mức lương tối thiểu tại vùng này hiện là 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng được 53,2% mức sống tối thiểu. Viện Công nhân và Công đoàn cũng cho biết, nếu đem cách tính toán trên áp vào tiền lương tối thiểu chung (1.050.000 đồng/tháng), thì chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu sống tối thiểu cho lao động vùng I.

Từ ngày 1-5-2013, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, sẽ thay đổi một loạt chính sách liên quan trực tiếp tới người lao động, trong đó, đáng quan tâm hơn cả là chính sách lương tối thiểu. Theo quy định của Bộ Luật Lao động (sửa đổi), mức lương tối thiểu sẽ phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu lộ trình tăng lương để bảo đảm đến năm 2015, mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ. Tuy nhiên trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” trên VTV mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết việc đảm bảo mức sống tối thiểu khó thực hiện được trong điều kiện kinh tế đang khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp hiện cũng đang chật vật trong việc chi trả theo mức lương tối thiểu như hiện nay. 

Bộ LĐ-TB&XH nhận định nếu điều chỉnh theo đúng lộ trình của đề án cải cách tiền lương là đến năm 2015, mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu trong bối cảnh hiện nay thì doanh nghiệp sẽ khó trụ được, có thể sẽ phải phá sản hàng loạt. 

Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra 2 phương án điều chỉnh lộ trình tăng lương. Phương án 1 là lương tối thiểu sẽ bảo đảm nhu cầu tối thiểu vào năm 2017, với mức tăng bình quân chung trong các năm từ năm 2013 đến 2017 khoảng 16,5-20%/ năm. Phương án 2 là lương tối thiểu sẽ bảo đảm nhu cầu tối thiểu vào năm 2016, với mức tăng bình quân chung  khoảng 18- 23% mỗi năm. Điều đáng nói là Bộ LĐ-TB&XH chọn phương án 1. Tại buổi đối thoại trực tuyến, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, cũng đã nói rõ bộ này đang xây dựng lộ trình, với tinh thần tích cực nhất, phấn đấu chậm nhất đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu. Nhưng phương án 1 có khả thi hay không còn chịu sự chi phối bởi khả năng phát triển kinh tế của đất nước, nếu vẫn khó khăn như hiện nay thì mục tiêu này cũng không dễ thực hiện. Như vậy, nếu tình hình kinh tế còn khó khăn thì lộ trình tăng lương tối thiểu có thể đến năm 2017 sẽ không thực hiện được.

Không thể giãn tăng lương tối thiểu

Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, lý do doanh nghiệp khó khăn để giãn lộ trình tăng lương tối thiểu là không hợp lý. Khó khăn thì các cơ quan chức năng có liên quan cần vào cuộc để tháo gỡ và giải quyết chứ không thể cứ đề nghị dãn lộ trình tăng lương. Nếu nay mai vẫn tiếp tục khó khăn và lại tiếp tục đề nghị dãn nữa thì không biết đến bao giờ lương tối thiểu mới đuổi kịp mức sống tối thiểu. Lộ trình tăng lương tối thiểu càng rút ngắn càng tốt. Đến năm 2015, lương tối thiểu phải đuổi kịp mức sống tối thiểu để đáp ứng được yêu cầu đời sống tối thiểu của người lao động, có như vậy người lao động mới có thể toàn tâm toàn ý cho công việc được. Ông Điều cũng cho rằng có rất nhiều giải pháp để bảo đảm việc tăng lương tối thiểu nhưng chưa được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt. Đó là hạn chế thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản của Nhà nước; triệt để chống thất thu thuế; sắp xếp, tinh giản bộ máy biên chế Nhà nước là sẽ có nguồn để tăng lương.

Theo Tổ chức Oxfam Việt Nam, lương tối thiểu của Việt Nam đã rơi xuống mức quá thấp nên có điều chỉnh, có tăng lên đến mấy vẫn không thể cân đối được với mức sống người dân. Khi mức lương không đủ sống, người lao động bắt buộc phải làm thêm giờ để có thể nuôi sống được gia đình, cắt giảm những chi tiêu được xem là tối thiểu nhất và thậm chí không có tiền tiết kiệm để chi tiêu đột xuất như ốm đau, hiếu, hỷ… Bên cạnh đó, lương tối thiểu thấp sẽ tác động đến không chỉ cuộc sống hiện tại mà cả cuộc sống trong tương lai của người lao động. Đó là việc nhiều người đang hưởng lương hưu phải sống một cuộc sống nghèo khổ. Và sẽ có ít nhất 9,4 triệu người đang đóng BHXH - chiếm 18% lực lượng lao động năm 2009 sẽ tham gia vào một lớp người nghèo mới khi họ nghỉ hưu. Trong số họ, những lao động nghèo sẽ trở thành nhóm người về hưu cực nghèo, sẽ tham gia vào các nhóm bảo trợ xã hội trong tương lai.

Tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu dường như không bao giờ đuổi kịp nhau. Mỗi năm tiền lương tăng nhỏ giọt, tốc độ tăng lương không thể chạy kịp với tốc độ lạm phát và tăng giá của các mặt hàng thiết yếu. Suy cho cùng dù tăng lương, chất lượng sống của người lao động vẫn không được cải thiện vì lương tăng một, giá đã tăng 5-7 lần.

Đối với khu vực hưởng lương ngân sách, mức điều chỉnh lương tối thiểu sẽ là 1,15 triệu đồng/tháng từ 1-7-2013 thay vì điều chỉnh lên 1,3 triệu đồng từ 1-5-2013 như đã trình.

Lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp cũng chỉ tăng 17%, thay vì 35-37% như dự kiến ban đầu.