Lương hưu trí sẽ thấp hơn nhưng công bằng hơn

ANTĐ - Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sửa đổi đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội vì nó liên quan đến quyền lợi của hầu hết lao động. Dư luận quan tâm chủ yếu tới 2 vấn đề chính: số tiền phải đóng bảo hiểm và quyền lợi được hưởng khi nghỉ hưu. Đã có nhiều ý kiến cảnh báo về sự giảm mạnh lương của những người đang hưởng chế độ hưu trí cũng như sự giảm bớt quyền lợi của những người đóng bảo hiểm, trong khi số tiền đóng BHXH sẽ phải tăng lên. Thực chất sự thay đổi Luật BHXH sửa đổi sẽ diễn ra như thế nào và quyền lợi cũng như nghĩa vụ của những người tham gia BHXH sẽ ra sao?

Ảnh: Internet

Nếu không sửa đổi luật sẽ có thể không còn quỹ hưu trí

Trước hết, cần hiểu rõ những quyền lợi của người tham gia BHXH không chỉ có hưu trí. Các Quỹ BHXH bao gồm: Quỹ BHXH bắt buộc, Quỹ ốm đau thai sản, Quỹ tai nạn và bệnh nghề nghiệp và Quỹ hưu trí, tử tuất. Đó cũng chính là những quyền lợi người tham gia BHXH được hưởng. Cón nghĩa vụ? Người tham gia BHXH chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là đóng BHXH. Nguyên tắc của BHXH, một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Nhà nước ta là chi trả theo mức đóng. Nghĩa là người đóng nhiều sẽ hưởng nhiều, người đóng ít sẽ hưởng ít và BHXH là một đơn vị công ích, không lợi nhuận. Cho đến nay, cơ chế hoạt động tài chính của BHXH vẫn áp dụng theo cơ chế PAYG (trả theo mức đóng, những khoản thu hiện tại sẽ dùng chi trả cho những chi phí cho người lao động hiện tại). Cơ chế này đang dẫn đến những bất cập, thậm chí là nguy hiểm, có thể dẫn đến sự vỡ quỹ, nghĩa là sẽ không còn tiền chi trả lương hưu cho người hưu trí nữa. 

Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 16 triệu người, trên thực tế đối tượng tham gia BHXH là gần 11 triệu người, chiếm 68,8% số người phải tham gia, nghĩa là còn trên 5 triệu người chưa tham gia BHXH. Trong khi đó, số người đóng cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm, nếu như năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu, con số này giảm xuống còn 34 người vào năm 2000, 19 người vào năm 2004 và đến năm 2012 chỉ có 9,3 người đóng BHXH cho 1 người hưởng. Điều này cho thấy rõ sự mất cân bằng giữa mức đóng và mức hưởng, thu - chi BHXH trong giai đoạn hiện nay và nếu tiếp tục tình trạng dự báo đến năm 2034 sẽ mất cân đối quỹ. Đây là một tình trạng xấu trong khi chúng ta đang có một tỷ lệ vàng về dân số, với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao bậc nhất trên thế giới. Nếu tính giá trị tuyệt đối, tính đến hết 2010, các Quỹ BHXH kết dư gần 135.500 tỷ đồng, trong đó Quỹ BHXH bắt buộc kết dư 127.294,8 tỷ đồng, trong đó Quỹ ốm đau, thai sản là 7.620 tỷ đồng; Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 7.415 tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất là 112.259,8 tỷ đồng. Qua số liệu thống kê, tỷ lệ thu chi các Quỹ ốm đau và thai sản, Quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đều theo hướng kết dư tăng. Riêng Quỹ hưu trí và tử tuất mặc dù số thu 2010 tăng 35,8% trong khi số chi chỉ tăng 29,3%, nhưng nguyên nhân là do tỷ lệ đóng BHXH năm 2010 tăng thêm 2%, còn so sánh thực tế số chi vẫn chiếm tỷ trọng 77,6%.

Như vậy, mục tiêu của việc sửa đổi Luật BHXH đã rõ. Cần phải có cân đối thu chi, chuyển đổi cơ chế tài chính hiện hành sang cơ chế tài chính đóng hưởng với mức đóng xác định nhằm khắc phục cơ bản sự mất cân đối trong chi trả các chế độ BHXH dài hạn. Dĩ nhiên, việc sửa đổi phải đảm bảo công bằng và quan trọng không gây xáo trộn, bức xúc xã hội.

Sửa đổi theo hướng công bằng hơn

Theo Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH Trần Thị Thúy Nga, dự thảo Luật BHXH có nhiều nội dung cải cách, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, tăng cường khả năng bền vững cho hệ thống BHXH. Những điểm quan trọng trong dự thảo này sẽ bao gồm những chính sách: tăng lượng người tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện, tăng quyền lợi người lao động đang đóng BHXH và tính lại lương hưu theo một lộ trình hợp lý cũng như tính lại mức đóng BHXH theo một lộ trình hợp lý. 

Dẫu theo lộ trình, chúng ta cũng sẽ kết thúc cách tính lương hưu dựa trên mức đóng trung bình của 10 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, để tăng dần số năm tính trung bình để đạt từ 15 năm lên 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu bắt đầu từ năm 2016. Tuổi nghỉ hưu cũng sẽ tăng dần theo lộ trình định lộ trình từ năm 2016 đối với cán bộ, công chức, viên chức và từ năm 2020 đối với các nhóm đối tượng còn lại, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như quy định hiện hành. Đối với chế độ tử tuất, dự thảo đã bổ sung quy định cho phép thân nhân người lao động được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần. Đồng thời, tăng mức trợ cấp tuất một lần đối với trường hợp người lao động đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng chết, từ 1,5 tháng lên 2 tháng cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.

Như vậy có thể khẳng định, những người tham gia BHXH từ 1-1-2015, khi dự thảo này được Quốc hội thông qua, sẽ có mức hưởng lương hưu trí thấp hơn những người tham gia BHXH trước đây, nhưng hợp lý hơn và công bằng hơn. Những người này sẽ được hưởng đúng với những gì họ đóng góp. Vì vậy không thể nói họ thiệt thòi hơn. Dĩ nhiên những người đang hưởng lương hưu sẽ không bị ảnh hưởng do thực thi những chính sách mới, thậm chí lương hưu của những người hưu trí vẫn tiếp tục tăng do mức lương cơ bản sẽ được tăng thêm 15% kể từ 1-1-2015, nếu đề nghị ngày 6-8-2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ, ngành được Chính phủ chấp thuận.

Cùng với sửa đổi các chính sách đối với Quỹ hưu trí và tử tuất, các chế độ đối với người đang đóng BHXH cũng sẽ được tăng lên với có nhiều nội dung cải cách, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, tăng cường khả năng bền vững cho hệ thống BHXH, ví dụ đã bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày hoặc 7 ngày tùy thuộc sinh thường hoặc sinh con phải phẫu thuật.

Để thu hút người tham gia BHXH, dự thảo Luật BHXH đã bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng và đối tượng người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, Luật BHXH cũng mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia, có chính sách hỗ trợ tiền đóng nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Rõ ràng, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã được soản thảo theo hướng hợp lý hơn, công bằng hơn và quan trọng nhất, bền vững hơn.