Lúng túng?

(ANTĐ) - Sự kiện một phụ nữ được “cải giới” thành đàn ông tại TP.HCM gây nhiều sự chú ý. Bởi lẽ, vấn đề giới tính luôn được coi là vấn đề... nhạy cảm, nhất là với các trường hợp “lưỡng thể”, chưa xác định được rõ ràng giới tính.

Lúng túng?

(ANTĐ) - Sự kiện một phụ nữ được “cải giới” thành đàn ông tại TP.HCM gây nhiều sự chú ý. Bởi lẽ, vấn đề giới tính luôn được coi là vấn đề... nhạy cảm, nhất là với các trường hợp “lưỡng thể”, chưa xác định được rõ ràng giới tính.

Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề dư luận quan tâm nhất, điều đáng nói là, cơ quan chức năng, cụ thể hơn là Phòng Tư pháp ở địa phương đó, khi thụ lý vụ việc “xin cải giới” của công dân đã tỏ ra lúng túng khi không thể xác định chính xác cần làm những thủ tục gì để công dân đó được thay đổi giới tính.

Phải chăng, sự lúng túng trên xuất phát từ những cuộc chuyển giao thẩm quyền về các vấn đề tư pháp vừa diễn ra một cách ồ ạt mà thiếu sự chuẩn bị đầy đủ từ con người, sự hiểu biết về pháp luật, kinh nghiệm, nghiệp vụ xử lý các vụ việc... đều không đáp ứng yêu cầu.

Tiếp nữa, những  quy định thiếu chặt chẽ, nhất quán của pháp luật cũng có thể là một trong những nguyên nhân căn bản gây ra tình trạng lúng túng từ phía các cơ quan công quyền.

Còn nhớ, cách đây không lâu, cũng tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã triệt phá một đường dây “gái gọi” khá lớn. Điều gây bất ngờ chính là sự kiện phát hiện ra một “chân dài nam” là thành viên của nhóm “gái gọi” này, và sự lúng túng lại xuất hiện khi không biết phải xử lý “chân dài rởm” này như thế nào? Đưa vào trại phục hồi nhân phẩm nào?...

Đã có những bài học kinh nghiệm, đã có những sự kiện thực tế để các cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung các chế định của pháp luật, nhưng sao vẫn có sự lúng túng không đáng có này? Pháp luật phải song hành cùng thực tiễn, thậm chí còn đi trước một bước so với thực tiễn để sao cho không xảy ra những lúng túng đáng tiếc trên. Đó là điều cần nhìn lại ở các nhà “làm luật”.

Hoàng Linh