"Lực lượng cứu hộ sẵn lòng quả cảm nhưng cần phương tiện hiện đại"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Lực lượng cứu hộ cứu nạn của chúng ta có bản lĩnh, sẵn tinh thần quả cảm, không ngại hiểm nguy nhưng cần trang bị cho họ trang thiết bị hiện đại để thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao nhất, hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất", Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa kiến nghị.

Ngày 20-10, trao đổi bên hành lang Quốc hội về công tác cứu hộ cứu nạn trong đợt mưa lụt lịch sử đang diễn ra tại một số tỉnh miền Trung, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa - Đại biểu Quốc hội đoàn Thừa Thiên Huế, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - cho rằng, vừa qua nhân dân cùng hệ thống chính trị, đặc biệt là quân đội, công an, dân quân tự vệ… đã vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt.

Các tỉnh miền Trung và lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã tập trung nhân lực, nguồn lực nhanh chóng, quyết liệt, tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn những người mất tích do mưa lũ gây ra.

Thiếu tướng, Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa trao đổi với báo chí chiều 20-10

Thiếu tướng, Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa trao đổi với báo chí chiều 20-10

"Tuy nhiên thời gian qua đã xảy ra một số tình huống bất khả kháng, sự cố đáng tiếc như tại Thuỷ điện Rào Trăng 3 hay tại Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337", ông Đặng Ngọc Nghĩa nói.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đưa ra 3 kiến nghị để giảm thiểu rủi ro trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Thứ nhất, cần đánh giá lại toàn bộ khu vực miền núi để xem xét về nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống dựa trên cơ sở khoa học, đặc biệt là khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế và vùng Tây Bắc.

"Về lâu dài, Chính phủ nên chủ động đánh giá lại toàn bộ các khoản đầu tư, không những vào thủy điện mà kể cả phủ xanh về rừng, đặc biệt là các khu vực sạt lở", ông Đặng Ngọc Nghĩa nói.

Thứ hai, chú trọng "tại chỗ cho người dân", để khi có dự báo thời tiết rồi thì phải sử dụng phương tiện để cơ động tránh chú ngay.

Thứ ba, cần phải trang bị các phương tiện hiện đại cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Ví dụ như khi xảy ra tình huống, cần phải có định vị, phương tiện để phát hiện con người nhằm đưa ra các phương án cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, cần chú trọng vào các phương tiện cơ động trong đêm.

Phương tiện đường thủy của chúng ta cũng còn khiêm tốn. Ví dụ như sông Bồ, ngược lên là vùng Rào Trăng 4 rất nguy hiểm, các chiến sỹ công an phải chèo xuồng cứu hộ. Đã có những vụ chìm xuồng do dòng nước xoáy, phương tiện chưa được hiện đại.

Ngoài ra cũng nên tính tới vấn đề phủ sóng điện thoại, như trường hợp Rào Trăng vừa rồi không có sóng, người dân phải trèo lên đồi.

" Lực lượng cứu hộ cứu nạn của chúng ta có bản lĩnh, sẵn tinh thần quả cảm, không ngại hiểm nguy nhưng cần trang bị cho họ trang thiết bị hiện đại để thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao nhất, hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất", vị đại biểu Quốc hội đoàn Thừa Thiên Huế nhấn mạnh và kiến nghị trong điều kiện ngân sách hiện nay, Chính phủ cần cân đối, ưu tiên đầu tư, trang bị cho các lực lượng xung kích như cấp quân khu, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, cấp công an tỉnh...