Lực lượng cứu hộ, cứu nạn: Bó tay vì thiếu thốn

ANTĐ - Trong cuộc “chạy đua” nước rút, giành giật sự sống cho các nạn nhân vụ tai nạn sập nhà ở ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội), thật khó tin khi lực lượng cứu hộ cứu nạn (CHCN), lãng phí gần 3 giờ đồng hồ mới tìm được vị trí 2 cháu nhỏ gặp nạn, cho thấy nhiều bất cập trong công tác của lực lượng này.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn: Bó tay vì thiếu thốn ảnh 1
Xe thang không phải phương tiện chuyên dùng cứu người trên cao

Những phương tiện đơn giản “Kho” phương tiện, thiết bị phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn ở Thủ đô đơn giản đến bất ngờ. Đó là 4 chiếc xe thang chữa cháy cao 32 mét, 1 chiếc 53 mét. Ba xe cứu hộ cứu nạn, trong đó có 2 chiếc hoạt động tốt, 1 chiếc thường xuyên “dở chứng”. Tiếng là xe CHCN nhưng các thiết bị trên xe khá đơn giản như: máy cẩu, cưa, khoan bê tông, banh thủy lực và đệm kích. Để phục vụ công tác CHCN trong hỏa hoạn, nên máy móc theo xe đều nhỏ gọn. Trung tá Lê Phi Hùng, cán bộ Phòng Tham mưu, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội ví dụ. Một vụ cháy xưởng khiến tường, trần nhà đổ sập, cản đường xe chứa cháy tiếp cận hiện trường. Lúc đó, xe cứu nạn sẽ được huy động dùng cần cẩu, đẩy tường, dọn đường cho xe cứu hỏa. Banh thủy lực dùng để banh các ô cửa sắt, giúp cứu người mắc kẹt trong đám cháy thoát ra ngoài... Xe thang chữa cháy, vốn là phương tiện đặc chủng để đưa Cảnh sát PCCC lên cao, cứu chữa hỏa hoạn nhà cao tầng. Nhưng tại Việt Nam, do hầu hết nhà cao tầng, chung cư hiện không đảm bảo các yêu cầu thoát nạn, không đầu tư phương tiện cứu người trên cao như: ống tụt, dây thả chậm… nên xe thang chữa cháy còn được Cảnh sát PCCC “linh hoạt” sử dụng để cứu người. Được chế tạo để đưa lính cứu hỏa lên cao, nên chiếc giỏ sắt ở đỉnh xe thang chỉ chịu được trọng lượng của 2 người. Trường hợp thang vươn cao 40-50 mét, gặp gió to có thể dao động cả mét, lính chữa cháy chuyên nghiệp đứng trên đỉnh còn hoa mày chóng mặt, chưa nói đến người được cứu ở độ cao đó. Có lẽ vì vậy, phương án diễn tập chữa cháy, cứu người hiện nay, xe thang dù được điều động nhưng chỉ cho đẹp đội hình. Các tình huống diễn tập cứu người trên cao, nạn nhân mắc kẹt đều do lực lượng chuyên nghiệp đóng thế, bởi thoát nạn trên những phương tiện không phải chuyên dùng này, rất dễ xảy ra rủi ro. Thiếu phương tiện, máy móc hiện đại, các thiết bị bảo hộ tưởng như dễ mua như quần áo, giày ủng chống cháy, mặt nạ dưỡng khí cũng thiếu trầm trọng.“Ra trận” khi chưa một lần luyện tập
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn: Bó tay vì thiếu thốn ảnh 2
Thiết bị cứu hộ cứu nạn đơn giản, không hiệu quả trong
cứu nạn sập nhà


Lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô hiện có biên chế khoảng 1.200 CBCS. 40% trong đó được đào tạo chuyên nghiệp, đa phần đã lớn tuổi; 60% còn lại là công dân nghĩa vụ, phục vụ có thời hạn trong lực lượng CAND cùng số cán bộ mới chuyển đến từ các đơn vị Công an Hà Nội, khi thành lập Sở Cảnh sát PCCC cách đây hơn 3 tháng. CBCS cả mới lẫn cũ chưa ai được huấn luyện, diễn tập phương án CHCN trong thảm họa, thiên tai hay tai nạn sập nhà. Họ cũng chưa được tiếp cận với những giáo trình nghiệp vụ hướng dẫn thao tác, cách thức xử lý trong những tình huống CHCN cụ thể. Quan trọng hơn, do không có phương tiện, thiết bị CHCN đặc chủng nên khi đối mặt với nhiệm vụ, đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao nhiều người tỏ ra lúng túng, non nớt. Trở lại với công tác ứng cứu 2 cháu nhỏ vụ nổ gas, sập nhà, trong ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 3-11. Dư luận cho rằng, với lực lượng tham gia hùng hậu như vậy mà mất gần 6 giờ, mới đưa 2 cháu nhỏ ra khỏi đống đổ nát là quá chậm trễ. Trong cuộc “chạy đua” nước rút, giành giật sự sống cho các nạn nhân, thật khó tin khi lực lượng tham gia lãng phí gần 3 giờ đồng hồ mới tìm kiếm được vị trí 2 cháu nhỏ gặp nạn, trên trần tầng 1  ngôi nhà sập vỏn vẹn chưa đầy 15m2. Lý giải về điều này, một cán bộ tham gia chỉ huy CHCN giải thích: Bố mẹ cháu bé, những người có mặt ở hiện trường, biết vị trí nạn nhân mắc kẹt ở đâu đều đang nguy kịch. Hàng xóm xung quanh chỉ nghe thấy tiếng kêu khóc, nhận định các em nằm ở tầng 2. Trong khi đó, bê tông đổ dày 2, 3 lớp, cốt thép nặng cả chục tấn đổ sập kết dính chặt với nhau khó quan sát. Chỉ đến khi ông nội cháu đến hiện trường, chúng tôi mới xác định chính xác nạn nhân gặp nạn - cán bộ này cho biết. Không có camera dò tìm nạn nhân trong công trình sập đổ, nhưng nếu ngay từ phút đầu, giờ đầu tiên, lực lượng tham gia ứng cứu nghĩ đến việc huy động chó nghiệp vụ trong tìm kiếm cứu nạn, chắc chắc thời gian cứu hộ sẽ rút ngắn một nửa. Cũng bởi những chiến sĩ cứu hỏa đồng thời đảm nhận nhiệm vụ cứu nạn. Trong khi đáng ra, lực lượng này phải trải qua quá trình đạo tạo riêng, khắc nghiệt, với những thiết bị chuyên dùng đa dạng, nhiều chủng loại để thực hiện nhiệm vụ trong bất cứ trường hợp nào.
(Còn nữa)