Cấp lại giấy phép lái xe:

Luật vẫn còn quá thoáng

ANTĐ - Chỉ trong hơn 2 tháng áp dụng Thông tư 15/2011/TT-BGTVT, lượng cá nhân đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) tăng đột biến. Nhiều người cho rằng, rút ngắn thủ tục hành chính là tốt song không có nghĩa luật quá thoáng, tạo kẽ hở cho đối tượng gian dối.

Việc cấp lại GPLX do mất nên được siết chặt hơn

Tăng đột biến lượng người xin cấp lại GPLX

Để rút ngắn thủ tục hành chính trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 15/2011/TT-BGTVT, chính thức có hiệu lực từ 15-5-2011. Nhiều thủ tục theo đó được rút gọn, cụ thể như, đơn đề nghị học, đổi GPLX không phải xin xác nhận của cơ quan công tác hoặc chính quyền địa phương như trước. Trường hợp học nâng hạng cũng không phải xin xác nhận của cơ quan công tác hoặc chính quyền địa phương mà tự chịu trách nhiệm về nội dung khai.

Đặc biệt, khi đổi GPLX, thành phần hồ sơ được giảm bớt, không phải nộp thêm bộ hồ sơ gốc. Khi đề nghị cấp lại vì lý do mất, người đề nghị không phải trình bản xác nhận của cơ quan công an...

Ngoài ra, Thông tư còn điều chỉnh nới rộng thời gian cho phép đổi GPLX, như sẽ được xét đổi nếu GPLX quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng (trước là dưới 1 tháng), được dự sát hạch lý thuyết để cấp lại GPLX nếu quá thời hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm (trước là từ 1 đến 6 tháng); được dự sát hạch cả lý thuyết và thực hành lái xe để được cấp lại GPLX nếu quá thời hạn từ 1 năm trở lên (trước là từ 6 tháng trở lên). Thông tư mới cho phép người lái xe có thể được cấp, đổi GPLX tại bất cứ địa phương nào trên toàn quốc mà không phải đổi tại nơi trực tiếp quản lý như trước đây.

Với cơ chế thông thoáng này, Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, số GPLX được cấp lại đã tăng lên 2.657 trường hợp, trong khi, cả năm 2010 chỉ chưa đầy 2.000 trường hợp. Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý phương tiện - Sở GTVT Hà Nội cho biết, số GPLX bị báo mất tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010, trong đó, GPLX hạng A1, B2, C, D tăng mạnh nhất. “Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm, Sở GTVT chỉ nhận được 1.260 thông báo về việc tước quyền sử dụng, thu hồi GPLX, xử lý đối với trường hợp vi phạm, tăng gấp 2 lần. Như vậy, chúng ta cần đặt nghi vấn ở điểm chênh lệch này”, ông Nghĩa đặt vấn đề.

Vô tình tạo ra kẽ hở

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, Thông tư 15 quy định cấp lại GPLX bị mất “quá thoáng”. Cụ thể, người bị mất GPLX còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng và còn hồ sơ gốc, sau 1 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, được xét cấp lại GPLX. Trường hợp GPLX bị mất nhưng không còn hồ sơ gốc mà có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch thì cũng cấp lại sau 1 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định...

Trong khi, luật cũ quy định, muốn cấp lại GPLX do mất phải nộp hồ sơ đến bộ phận một cửa, trong vòng 2 tháng để chờ đợi và xác minh không có biên bản vi phạm nào chuyển đến, thì cá nhân đó được dự sát hạch để cấp lại. Tuy nhiên, luật mới quy định, công dân sẽ được cấp GPLX trong vòng 1 tháng, nếu GPLX còn hạn sẽ không cần phải qua sát hạch lại. Điều này vô tình tạo điều kiện cho một người xin cấp nhiều GPLX để qua mặt cơ quan chức năng. Hay, nếu bị giữ GPLX vì vi phạm, đối tượng vi phạm có thể bỏ luôn cả GPLX để xin cấp mới, điều này đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương.

Số vụ vi phạm, bị giữ GPLX chỉ tăng gấp đôi, song, số người báo mất, phải xử lý, cấp lại GPLX tăng gấp 3. Bất cập này, chúng ta phải đặt ra vấn đề là tại sao và vì đâu? “Giảm thủ tục hành chính, bớt phiền hà cho người dân là đúng, nhưng cũng không nên quá thoáng, tạo kẽ hở cho các đội tượng phạm pháp lách luật”, ông Nghĩa nói. Do vậy, cơ quan quản lý cần phải căn cứ vào các số liệu thực tế để có văn bản sát cuộc sống hơn. Khi Thông tư 15 ban hành, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có ý kiến, việc quy định như vậy là quá dễ dàng, có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng khai báo mất để xin cấp thêm GPLX, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống quản lý GPLX mới chưa được triển khai.