'Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là thách thức lớn đối với các Viện kiểm sát'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với quy định trách nhiệm rất chặt chẽ đang là thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là các Viện kiểm sát nhân dân.

Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề sáng 6-11, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí nhấn mạnh, thời gian qua Viện KSNDTC đã chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đó là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; Tập trung chỉ đạo các biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm;

Tăng cường công tác xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật và cải cách tư pháp; Đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Ngành là “đòn bẩy” để khắc phục hạn chế trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành…

Về kết quả thực hiện các Nghị quyết về giám sát, qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát các cấp đã ban hành 14 kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong hoạt động quản lý liên quan đến đất đai.

Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí báo cáo trước Quốc hội

Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí báo cáo trước Quốc hội

Bên cạnh đó, Viện KSND các cấp đã thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra ngay từ khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về vụ việc xâm hại trẻ em để kịp thời thu thập chứng cứ, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân, đẩy nhanh tiến độ giải quyết và chống bỏ lọt tội phạm; bảo đảm truy tố đúng thời hạn đạt tỷ lệ 100%, vượt 10% và truy tố bị can đúng tội danh đạt tỷ lệ 99,99%, vượt 4,99% so với chỉ tiêu của Quốc hội.

Công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đạt nhiều kết quả tích cực, đã phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án được dư luận đồng tình, đánh giá cao, góp phần xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Ngành kiểm sát cũng chủ động phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Thực hiện các biện pháp để bảo đảm thu hồi tài sản đạt đều đạt hiệu quả cao.

Về một số khó khăn, thách thức, Viện trưởng Viện KSNDTC cho rằng, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với những quy định trách nhiệm rất chặt chẽ đang là thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của VKSND.

Thực hiện Bộ luật TTHS, nhiệm vụ của Viện kiểm sát tăng lên rất nhiều, xuyên suốt từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; đặc biệt, việc thực hiện quy định Kiểm sát viên phải tham gia một số hoạt động điều tra và trực tiếp điều tra đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với đơn vị có địa bàn rộng, chưa có điều kiện bố trí đủ công chức, Kiểm sát viên.

Trong công tác giám định, định giá còn kéo dài, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan chủ trì; chậm yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp hồ sơ, thông tin còn thiếu; một số trường hợp có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh, từ chối việc giám định, định giá; kết luận giám định còn chung chung không thể hiện rõ quan điểm....