Luật Thủ đô là luật cho cả nước

ANTĐ - Trao đổi với phóng viên ANTĐ bên hành lang Quốc hội ngày 26-10 về nội dung dự thảo Luật Thủ đô được trình Quốc hội trong buổi sáng cùng ngày, ĐB Chu Sơn Hà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Thủ đô không phải là xây dựng luật cho một địa phương mà là cho cả nước.

- PV: Tờ trình dự thảo Luật Thủ đô được Quốc hội tán thành cao, song vẫn còn một số ý kiến lo ngại Luật này sẽ tách Hà Nội thành một lãnh địa riêng, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Ông Chu Sơn Hà: Tôi không đồng tình với nhận định này. Điều đầu tiên cần phải xác định rõ rằng, xây dựng Luật Thủ đô là chúng ta làm luật cho Thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam chứ không phải là làm luật cho một tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương. Phải xuất phát từ nhận thức này, từ sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô đến đâu, chúng ta mới nâng cao được trách nhiệm của nhân dân. Mọi công dân Việt Nam đều phải chăm lo đến việc phát triển của Thủ đô.

- So với dự thảo Luật Thủ đô được trình Quốc hội khóa trước nhưng chưa được thông qua, bản dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý rất nhiều, ông có thể phân tích kỹ hơn một vài điểm?

- Tất cả những lý do khiến Luật Thủ đô không được thông qua tại Quốc hội khóa XII, Ban soạn thảo dự thảo Luật Thủ đô lần này đã nghiên cứu, chỉnh sửa và giải trình kỹ. Có thể nói trong tổng số 4 chương 28 điều của dự thảo luật mới, hầu hết các điều đã được chỉnh lý. Chẳng hạn một số điều trong dự án Luật mà các đại biểu Quốc hội khóa XII chưa đồng tình cao như quản lý dân cư, cơ chế tài chính hay quản lý dân cư, tôi tin rằng các ĐBQH sẽ tán thành cao với tờ trình dự thảo Luật Thủ đô lần này. Đơn cử như quy định về quản lý dân cư, đặc biệt khi tốc độ gia tăng dân số tại các quận nội thành của Thủ đô quá nhanh. Vì vậy, việc quản lý dân cư là hết sức quan trọng để làm sao cho Thủ đô khang trang hơn, trật tự hơn, giúp cho Hà Nội thực hiện chức năng của Thủ đô một nước trong công tác đối ngoại và bảo đảm hoạt động cho các cơ quan Đảng, Chính phủ. 

- Ông có thể cho biết tại sao trong dự thảo Luật Thủ đô lại đề xuất thu phí phương tiện cá nhân tham gia giao thông cũng như xử lý vi phạm hành chính về y tế, văn hóa, giáo dục trong nội thành ở mức cao hơn?

- Cần nhấn mạnh rằng, mục đích của thu phí phương tiện cá nhân tham gia giao thông ở nội thành Hà Nội cao hơn mức bình quân không phải là để thu tiền cho thành phố mà là để giảm bớt các phương tiện cá nhân tham gia giao thông vào nội thành, góp phần giảm bớt ùn tắc giao thông. Hay như về quy định hạn chế nhập cư, xử phạt hành chính cao… cũng chỉ là giải pháp hành chính trong tổng thể nhiều giải pháp để giảm ùn tắc giao thông, giảm gánh nặng cho cơ sở hạ tầng của Thủ đô, đáp ứng và phục vụ nhân dân tốt hơn, chứ không phải nhằm mục đích thu tiền về cho thành phố.

- Cảm ơn ông!