Luật sư trong vụ "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như đề nghị đình chỉ vụ án

ANTD.VN - Chiều 9-2, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như - cựu Phó Trưởng phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương, Chi nhánh TP HCM (Vietinbank HCM) và đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.

Tranh luận tại phiên tòa, luật sư Trương Xuân Tám bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đồng quan điểm với đại diện VKS và đề nghị HĐXX sơ thẩm bác toàn bộ quan điểm của 5 doanh nghiệp (bị hại trong vụ án) khi yêu cầu Vietinbank phải chịu trách nhiệm về khoản tiền mà Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt.

Theo luật sư Tám, quá trình giải quyết vụ án cần phải xác định rõ dòng tiền này ở đâu, nguyên nhân, thủ đoạn và hậu quả của vụ án để chấn chỉnh trong quản lý. Luật sư của Vietinbank nhìn nhận, tại tòa, đại diện Công ty Phương Đông không trả lời câu hỏi của luật sư.

Trong khi đó, hồ sơ vụ án thể hiện, tháng 5-2011, một cán bộ ngân hàng (đứng sau Công ty Phương Đông-PV) gọi điện cho bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như để thỏa thuận. Sau đó, Công ty Phương Đông giao dịch liên tục vào các thời điểm, thậm chí số lãi ngoài bị cáo Như trả thiếu còn hỏi.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank trình bày quan điểm tại phiên tòa

Luật sư Trương Xuân Tám cho rằng Công ty Phương Đông sai phạm nối tiếp sai phạm, nhận tiền rất nhiều. Trong vụ việc này, các cán bộ của Công ty Phương Đông đều đã nhận các khoản tiền lớn do Như chi trả nên lơ là trách nhiệm, đưa hàng nghìn tỷ đồng cho Như mà không quan tâm đến việc chưa nhận được chứng từ giao dịch và công văn phong tỏa chưa ký.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank nêu quan điểm, quá trình điều tra cho thấy, Công ty Phương Đông vi phạm pháp luật từ tháng 8-2011. Bởi tài khoản là thật nhưng giao dịch là giả tạo, thỏa thuận chi lãi suất trái pháp luật. Việc giả tạo nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi lừa đảo.

Luật sư Tám nói, bị cáo Như không phải là người có chức vụ, quyền hạn quản lý. Tài khoản của các Công ty Phương Đông được mở tại Vietinbank nhưng chỉ là để hưởng lãi suất cao. Đây là quan hệ đặc thù tài chính ngân hàng. Vì thế ý kiến của đại diện Công ty Phương Đông là không có căn cứ.

Trong bài tranh luận của mình, luật sư Trương Xuân Tám phân tích, Công ty Phương Đông có biểu hiện “tự nguyện” để cho bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như lừa chiếm đoạt tiền nên phải chịu trách nhiệm về những sai sót.

Đại diện VKS bày tỏ quan điểm đối đáp trước các quan điểm luật sư nêu ra

“Tôi khẳng định rằng, hoàn toàn không có căn cứ để ràng buộc trách nhiệm của Vietinbank đối với những giao dịch bất hợp pháp giữa Công ty Phương Đông với bị cáo Như trong vụ án” - luật sư Trương Xuân Tám khẳng định.

Sau cùng, vị luật bảo vệ quyền lợi của Vietinbank cho rằng Vietinbank không bị thiệt hại, cũng không phải là bị hại và không có trách nhiệm phải bồi thường cho các doanh nghiệp liên quan. Trách nhiệm bồi thường thuộc bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như.

Trước đó, bào chữa cho “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi cho rằng bị cáo Như hoàn toàn thừa nhận hành vi phạm tội ngay từ đầu. Tuy nhiên, VKSND vẫn tiếp tục truy tố bị cáo Như về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thêm một lần nữa là không đúng quy định của pháp luật.

“Tôi xin HĐXX giảm nhẹ trách nhiệm cho bị cáo Như với cơ sở bảo vệ là bản án đã có hiệu lực pháp luật” - luật sư Thi trình bày. Luật sư bào chữa cho Huỳnh Thị Huyền Như đề nghị HĐXX trả hồ sơ và xem xét lại vụ án, bởi ngay tại phần làm thủ tục phiên tòa, luật sư Phan Trung Hoài đã đề nghị triệu tập điều tra viên, VKSND Tối cao để làm rõ về một số vấn đề.

Theo luật sư Thi, TAND TP HCM đã 2 lần trả hồ sơ vụ án để xem xét lại tội danh nhưng CQĐT, VKSND vẫn giữ quan điểm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do đó, xin HĐXX xem xét về chuỗi thủ đoạn gian dối của bị cáo Như trong việc chiếm đoạt hơn 1.085 tỷ đồng của 5 công ty, thỏa mãn dấu hiệu lừa đảo và đã được xem xét, tuyên án.

"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như được dẫn giải trở lại trại tạm giam

Trên cơ sở đó, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi đề nghị HĐXX hoàn trả hồ sơ để xem xét lại vụ án Huỳnh Thị Huyền Như theo trình tự Giám đốc thẩm. Bởi một hành vi không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự 2 lần, gây bất lợi cho bị cáo.

Luật sư Nguyễn Văn Ngoan, bào chữa cho bị cáo Như cũng đồng quan điểm với cộng sự khi cho rằng Huỳnh Thị Huyền Như bị truy tố, xét xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng tội. Vì bị cáo đã có hành vi gian dối, làm chứng từ giả để chiếm đoạt tài sản.

Trong khi đó, vì lãi suất vượt trần cao, các công ty (bị hại trong vụ án) đã “nhắm mắt” làm theo sự sắp đặt của bị cáo Như, tạo điều kiện cho bị cáo rút được tiền. Đây là hình thức cho thuê, cho mượn tài sản. Đại diện các công ty này cũng chỉ giao dịch qua email, điện thoại chứ không đến giao dịch trực tiếp tại trụ sở.

Bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn, luật sư Phan Trung Hoài nhìn nhận, bị cáo Tuấn không thể đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với bị cáo Như. Vì Tuấn bị Như giả mạo chữ ký trong hợp đồng tiền gửi. “Đồng phạm mà bị làm giả chữ ký thì cơ sở có đúng không?” - luật sư Hoài nêu vấn đề.

Theo luật sư Phan Trung Hoài, vai trò đồng phạm của bị cáo Tuấn rất yếu. Tại tòa, bị cáo Như cũng trình bày là Tuấn không liên quan trực tiếp trong việc Như chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên. Ở dự án Nhà máy lau bóng gạo ở tỉnh An Giang được nhắc tới trong cáo trạng, Tuấn góp 500 triệu đồng và đây là việc độc lập, xảy ra trước khi có vụ án.

Món tiền 10 tỷ đồng Như chuyển để Tuấn đầu tư vào nhà máy này không chuyển vào tài khoản của Tuấn. “Bị cáo Tuấn cùng một hành vi, tội danh và do không chuyển đổi nên đang ở vào tình trạng một hành vi nhưng lại bị xử lý hai lần” - luật sư Phan Trung Hoài phân tích.

Sau cùng, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng việc truy tố, xét xử  bị cáo Tuấn là không phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự. Trên cơ sở đó, vị luật sư bào chữa cho Võ Anh Tuấn đề nghị HĐXX sơ thẩm đình chỉ vụ án đối với thân chủ của luật sư.

Cũng trong ngày thứ 2 xét xử vụ án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa cơ bản giữ nguyên quan điểm truy tố, đồng thời bác bỏ phần lớn những đề nghị mà các luật sư bào chữa cho bị cáo cũng như luật sư bảo vệ cho các nguyên đơn dân sự nêu ra. Trong đó không chấp nhận quan điểm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Võ Anh Tuấn.