Luật Giao dịch điện tử vừa được thông qua có nội dung mới quan trọng nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Với 468/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94.74%), trong phiên họp sáng nay 22-6, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Trước khi biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này.

Về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về công chứng, chứng thực thông điệp dữ liệu và chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự thông điệp dữ liệu hoặc giao Chính phủ quy định nội dung này; bổ sung quy định chuyển tiếp về nội dung pháp luật liên quan đến công chứng, chứng thực…

UBTVQH cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định nội dung, điều kiện, phương thức của giao dịch.

Để thống nhất với phạm vi điều chỉnh, các quy định về công chứng, chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự, lưu trữ điện tử tại các điều 9, 13 và 19 của dự thảo Luật chỉ dẫn chiếu mà không quy định cụ thể để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hệ thống pháp luật. Do đó, UBTVQH xin giữ nội dung này như dự thảo Luật và không bổ sung quy định chuyển tiếp liên quan đến công chứng, chứng thực tại Điều 53.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Về chữ ký điện tử, có ý kiến đề nghị bổ sung các loại hình chữ ký điện tử khác ngoài chữ ký số đáp ứng đủ các điều kiện để bảo đảm chữ ký an toàn, giá trị pháp lý.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, theo khoản 11 Điều 3 của dự thảo Luật, chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông tin trong thông điệp dữ liệu được ký và phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu thì lúc đó mới được coi là chữ ký điện tử.

Hiện nay, các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn (SMS),… không phải là chữ ký điện tử.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn triển khai nghiệp vụ trong ngành ngân hàng, hải quan,… và nhằm thúc đẩy GDĐT, khoản 4 Điều 22 của dự thảo Luật đã quy định việc sử dụng các hình thức xác nhận này được thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.

Về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chi tiết hơn dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu để tránh trùng lặp chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (về chứng thực).

Theo UBTVQH, dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 32 là việc bảo đảm thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ mà không bị chỉnh sửa, xoá trên môi trường điện tử. Trong khi đó pháp luật về chứng thực, công chứng hiện hành quy định các hoạt động chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký trong giấy tờ; chứng thực hợp đồng; công chứng, chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng trên môi trường thực.

Do đó, hai loại dịch vụ này là khác nhau và quy định trong dự thảo Luật về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến nội dung này sẽ không chồng lấn chức năng, nhiệm vụ với Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về hoạt động chứng thực.