Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giá… sẽ được đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào đầu tháng 4

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có 7 dự án luật gồm Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)… sẽ được các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào đầu tháng 4.
Quang cảnh một hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách gần đây

Quang cảnh một hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách gần đây

Ngày 27-3, thông tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 07 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XV.

Theo đó, hội nghị này sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 5-4 đến hết 7-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tại hội nghị, các ĐBQH hoạt động chuyên trách sẽ cho ý kiến vào: dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự và dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự hội nghị này, ngoài các ĐBQH, còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan và một số chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan.

Liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vào đầu tuần trước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện của Chính phủ, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung mọi nguồn lực để tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, toàn diện, khách quan tất cả ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo Luật này. Từ đó, xây dựng Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ trước ngày 1-4-2023.

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết ngày 15-3-2023 - là thời điểm kết thúc việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), riêng website lấy ý kiến nhân dân của Bộ này đã tiếp nhận 7.979 lượt ý kiến góp ý từ 782 tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo luật cũng nhận được 98 ý kiến góp ý bằng văn bản gửi trực tiếp, trong đó có 36 tổ chức, còn lại là của công dân.