Luật Đất đai (sửa đổi): Dự án quy hoạch “treo” 3 năm nên xem xét thu hồi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức chiều 7/3, nhiều đại biểu cho rằng, với các dự án đã quy hoạch nhưng sau 3 năm không thực hiện thì nên thu hồi.

Thu hồi đất làm bất động sản với giá thỏa thuận

Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết, qua các hội nghị và thức tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn thành phố, đa số các đại biểu cho rằng trong thời gian qua, nhiều dự án đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai thực hiện.

Không ít dự án chậm triển khai lên đến hơn chục năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất, cụ thể như: Không cho phép xây dựng, sửa chữa gây thiệt hại cho người dân, làm phí tài nguyên đất trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, kinh doanh...

Do đó, bà Hoa đề nghị dự thảo Luật Đất đai cần làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, dự thảo luật cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm khi xuất hiện các dự án "treo" để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.

Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức chiều 7/3

Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức chiều 7/3

Để tạo điều kiện cho người dân tích tụ đất đai, phát triển sản xuất lớn, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội đề nghị không quyết định hạn mức bằng 15 lần giao đất mà theo nhu cầu, dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận.

Nêu ý kiến tại Điều 78 Luật Đất đai (dự thảo) về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, bà Hoa cho rằng, cần quy định rõ thành 3 nhóm thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội, lợi ích quốc gia công cộng.

Cụ thể, nhóm 1: Thu hồi đất xây dựng công trình hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội; Nhóm 2: Thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án có tính thương mại; Nhóm 3: Thu hồi đất để xây dựng các công trình vừa phục vụ mục đích phúc lợi xã hội chung vừa có hoạt động kinh doanh thương mại.

Nhiều Hội nông dân trên cả nước kiến nghị Luật Đất đai sửa đổi lần này cần xóa bỏ tình trạng quy hoạch "treo"

Nhiều Hội nông dân trên cả nước kiến nghị Luật Đất đai sửa đổi lần này cần xóa bỏ tình trạng quy hoạch "treo"

"Việc Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với hộ nông dân không mang tính các công trình trọng điểm, mà Nhà nước thu hồi mang tính thương mại, dịch vụ giao cho các cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thì giá đất này phải có thỏa thuận với người bị thu hồi đất", Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội nêu quan điểm.

Nâng cao chất lượng quy hoạch, tránh bỏ hoang

Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Nguyễn Thanh Xuân, tại Điều 74 Luật Đất đai (dự thảo) đa số hội viên nông dân đồng tình và cho rằng, quy định hàng năm UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện mà sau 3 năm không thực hiện.

Trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố công khai thì người sử dụng đất không bị hạn chế về các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định.

Theo bà Xuân, quy định tại Điều 74 Luật Đất đai (dự thảo) là phù hợp nhằm phát huy giá trị của đất, giảm bớt tình trạng quy hoạch các dự án nhưng không thực hiện đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

"Hội viên nông dân đề nghị đối với các dự án quy hoạch sau 3 năm không thực hiện thì người dân được phép thực hiện quyền sử dụng đất của mình", bà Xuân nói.

Đồng thời, hội viên nông dân TP.HCM kiến nghị cần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực.

Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đáp ứng nhu cầu chính đáng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; tránh tình trạng để đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng đúng mục đích đã được phê duyệt theo quy hoạch.