Luật Công an nhân dân cần bảo đảm sự công bằng, đồng bộ và phù hợp hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau gần 4 năm triển khai, Luật Công an nhân dân về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu trong việc lực lượng Công an thực hiện chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh Quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, trải qua thực tiễn, bộ luật này đã bộc lộ một số nội dung cần phải sớm được nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi bổ sung.

Theo đó, Luật Công an nhân dân (Luật CAND) gồm 7 chương, 46 Điều, được Quốc hội thông qua ngày 20-11-2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2019.

Có thể nói, sau gần 4 năm thực hiện, Luật CAND đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy, đủ toàn diện để lực lượng CAND thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm cũng như vi phạm pháp luật. Qua đó, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giữ vững an ninh, trật tự của đất nước và không ngừng thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa.

Lực lượng CATP Hà Nội ra quân bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Lực lượng CATP Hà Nội ra quân bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Thực hiện Luật CAND năm 2018, ngành Công an cũng đã tổ chức bộ máy, lực lượng Công an các cấp theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện, sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; vị trí việc làm của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an được xác định rõ ràng, cụ thể.

Luật CAND cũng đã bước đầu tạo cơ sở, căn cứ quan trọng trong việc xây dựng CAND cách mạng, chính quy , tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Từ đó tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu đến năm 2030 có được lực lượng CAND thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.

Ở góc độ chế độ, chính sách, Luật CAND năm 2018 đã tạo ra những điều kiện thuận lợi nhằm bảo đảm cho hoạt động công tác Công an được nâng cao; phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có những bước phát triển sâu rộng và vững chắc...

Thế nhưng, nói về một số hạn chế, bất cập hiện nay mà Luật CAND năm 2018 điều chỉnh hoặc chưa đề cập, luật sư Phạm Kỳ Dương (Văn phòng Luật sư Giang Thanh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng cần phải được nhanh chóng xem xét kỹ lưỡng, toàn diện và kịp thời bổ sung, điều chỉnh.

Dẫn chứng cho nhận định của mình, luật sư Phạm Kỳ Dương chỉ ra rằng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan và công nhân công an là chưa phù hợp, chưa tương đồng với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động hiện hành.

Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình (mỗi năm tăng 3 tháng - đối với nam và tăng 4 tháng - đối với nữ) cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Luật sư Phạm Kỳ Dương - Văn phòng Luật sư Giang Thanh.

Luật sư Phạm Kỳ Dương - Văn phòng Luật sư Giang Thanh.

Trong khi ấy, Điều 30 - Luật CAND quy định, hạn tuổi phục vụ cao nhất trong lực lượng Công an nhân dân chỉ là 45 tuổi đối với hạ sĩ quan; 53 tuổi đối với Cấp úy; Cấp Thiếu tá, Trung tá thì 55 tuổi đối với nam và 53 tuổi đối với nữ; Cấp Thượng tá thì 58 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ và từ Cấp Đại tá trở lên là 60 tuổi đối với nam và nữ cũng không quá 55 tuổi.

Như vậy có thể thấy, trong khi tuyệt đại bộ phận người lao động bình thường trong xã hội tính đến năm 2028 (đối với nam) tuổi nghỉ hưu sẽ là 62 tuổi và tính đến 2035 (đối với nữ) tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 tuổi thì hạn tuổi phục vụ cao nhất trong lực lượng Công an theo Luật CAND năm 2018 chỉ là 60 tuổi (đối với nam) và 55 tuổi (đối với nữ).

Theo luật sư Phạm Kỳ Dương, có thể nói Bộ luật Lao động là "luật gốc" quy định về tuổi lao động, tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung. Do đó, khi quy định và áp dụng đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù cũng cần phải căn cứ vào đạo "luật gốc" này để bảo đảm sự công bằng xã hội, sự hợp lý và sự hài hòa.

Đó là chưa kể thực tiễn đấu tranh, phòng ngừa tội phạm đã chứng minh, trong lực lượng CAND có không ít cán bộ có thời gian công tác lâu năm, nhiều kinh nghiệm, thông thuộc địa bàn, địa hình, địa vật ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phức tạp, trọng điểm về an ninh, trật tự;

Nhiều cán bộ vốn được nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp tín nhiệm cao về phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị cũng như năng lực, trình độ chuyên môn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Quốc gia và trật tự an toàn xã hội hoặc đang trực tiếp chỉ đạo giải quyết, điều tra, xử lý những vụ việc, vụ án, chuyên án đặc biệt lớn, phức tạp, đấu tranh với tội phạm xâm phạm an ninh Quốc gia, tham nhũng, ma túy, tội phạm xuyên quốc gia...

Vì thế nếu hạ sĩ quan, sĩ quan và công nhân công an được kéo dài hạn tuổi phục vụ trong lực lượng CAND hơn so với quy định hiện hành sẽ bảo đảm được việc chỉ đạo giải quyết, điều tra, xác minh vụ án, chuyên án liên thông, liên tục cho đến khi kết thúc, đồng thời còn tận dụng được những mặt tích cực của đội ngũ này và phần nào đó góp phần giảm áp lực đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội trong việc chi trả lương hưu.

Đồng quan điểm nêu trên, chuyên gia pháp lý Trịnh Văn cũng cho rằng việc bổ sung quy định về kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối lực lượng CAND nói chung, sĩ quan CAND nói riêng trong những trường hợp đặc biệt là hết sức cần thiết và phù hợp với Bộ luật Lao động cũng như thực tiễn.

Nói về việc điều chỉnh tăng hạn tuổi phục vụ trong CAND so với hiện nay, chuyên gia pháp lý Trịnh Văn cho rằng để bảo đảm sự hợp lý, hài hòa và tận dụng tối đa sức chiến đấu cũng như khả năng của CBCS trong lực lượng CAND thì cần xem xét tăng 2 tuổi đối với sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi và nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên ở tuổi 60.

Tương tự, đối với công nhân công an cũng cần tăng thêm 2 tuổi (đối với nam) và tăng 5 tuổi (đối với nữ). Và đặc biệt Nghị định 49/2019/NĐ-CP đã quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an nhưng Luật CAND năm 2018 lại chưa cụ thể hóa nội dung này. Do vậy, cần phải có sự bổ sung, điều chỉnh để bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ.