Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (2): Công nghệ hóa xử phạt hướng tới phục vụ nhân dân tốt nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thay vì có thể mất thời gian cả ngày, thậm chí là nhiều ngày đối với trường hợp người ngoại tỉnh vi phạm giao thông ở nơi xa phải đến trụ sở cơ quan công an, cơ quan chức năng để thực hiện nộp phạt thì nay, chỉ cần chưa đến 3 phút, người dân có thể nộp phạt vi phạm trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Lực lượng CSGT in hình ảnh người vi phạm giao thông từ dữ liệu do camera gửi về hệ thống. Ảnh: LAM THANH

Lực lượng CSGT in hình ảnh người vi phạm giao thông từ dữ liệu do camera gửi về hệ thống. Ảnh: LAM THANH

Nộp phạt online trên tờ khai điện tử

Sau khi thí điểm tại 5 địa phương về dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ ngày 1-7-2020, dịch vụ nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến chính thức được triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đánh giá: “Việc kết nối dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát giao thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia không gì hơn ngoài mục tiêu nhằm đơn giản hóa thủ tục thu nộp tiền phạt cho người dân được thuận tiện nhất. Việc này cũng giúp công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông khi thu tiền xử phạt vi phạm hành chính chuyển nộp vào ngân sách Nhà nước được thực hiện một cách công khai, minh bạch”.

Trong thời gian 7 ngày, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp có tình tiết phức tạp. Ngay thời điểm đó, tất cả những người vi phạm chỉ cần một chiếc máy tính hay thiết bị điện thoại thông minh cũng có thể dễ dàng tra cứu quyết định xử phạt của mình trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đặc biệt, trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ cung cấp các dịch vụ thanh toán để người dân có thể tiến hành nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, các ngân hàng sẽ cung cấp cho người nộp tiền phạt một biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính đối với từng quyết định xử phạt đã được cơ quan công an xác lập và đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân có thể in trực tiếp biên lai từ Cổng dịch vụ công quốc gia mà không phải đi đến trực tiếp nơi nào. Đồng thời, biên lai này sẽ được gửi cho cơ quan công an để đối chiếu việc người dân đã hoàn thành việc nộp tiền phạt vi phạm hành chính đối với quyết định xử phạt.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, tính đến ngày 27-8-2020, các Phòng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã nỗ lực đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia 63.325 Quyết định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thời điểm trên có 806 người vi phạm thực hiện việc nộp phạt trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trước khi Chính phủ bấm nút thực hiện triển khai thêm các dịch vụ công quốc gia, trong đó có nộp phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cũng như lực lượng Công an các đơn vị địa phương đã phải nỗ lực chạy đua với thời gian, vượt qua khó khăn để tất cả thông tin, dữ liệu… được hoàn thiện, thông suốt, lan tỏa. Từ cấp Đội, Trạm trực thuộc các Phòng Cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho đến các Đội tuần tra, kiểm soát giao thông trực thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đều hoạt động hiệu quả với tinh thần, ý thức trách nhiệm cao nhất.

Nộp phạt trực tuyến không thể “ép” hay “bắt” dân đến tận nơi nhận lại hồ sơ, giấy tờ có liên quan, bởi nếu vậy sẽ không còn ý nghĩa trong việc cải cách thủ tục hành chính, số hóa hồ sơ, giấy tờ. Chính vì lẽ đó, việc trả lại giấy tờ được thực hiện dưới 2 hình thức: Thứ nhất, người vi phạm nếu muốn có thể trực tiếp tới cơ quan Cảnh sát giao thông để nhận lại. Trường hợp thứ hai, công dân vi phạm sau khi nộp phạt xong có thể nhận lại giấy tờ qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh.

Một thực tế hiện nay, trong tổng số hơn 70.000 Quyết định xử phạt trên lĩnh vực giao thông đường bộ được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia hiện mới có chưa đến 1.000 người vi phạm thực hiện. Đây là con số vô cùng nhỏ, chưa đáp ứng được kỳ vọng của lực lượng chức năng trong việc thay đổi tư duy về nộp phạt trực tuyến, nhận hóa đơn, biên lai điện tử của phần lớn người dân. Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an hướng dẫn: “Để sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, người vi phạm cần làm các việc như cung cấp đầy đủ thông tin về họ tên, ngày sinh, Số chứng minh nhân dân/Căn cước công dân tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính”.

Phòng ngừa tiêu cực, nỗ lực phục vụ dân

Đặc biệt, người vi phạm buộc phải có 1 tài khoản với thông tin cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Điều này vô cùng đơn giản bởi thủ tục đăng ký nhanh gọn, thuận tiện, người dân chỉ mất vài phút đã thiết lập xong tài khoản cá nhân. Khi thực hiện đăng ký nhận lại giấy tờ qua bưu điện, Cổng dịch vụ công quốc gia kiểm tra thông tin trong biên bản vi phạm hành chính được ghi nhận của lực lượng Cảnh sát giao thông và thông tin tài khoản người sử dụng trên cổng có trùng khớp để đảm bảo người nhận là chủ sở hữu thực sự của giấy tờ đó.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền để người dân nhận thức, thay đổi hành vi, chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn giao thông tốt hơn thì Cục Cảnh sát giao thông cũng khuyến khích các cá nhân vi phạm nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cũng nghiên cứu, đưa vào dự thảo Luật, Nghị định quy định cụ thể những biểu mẫu, nội dung thông tin bắt buộc để người dân thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, kết nối, sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia”.

Nhấn mạnh tới sự thuận tiện, nhanh chóng, cải cách thủ tục hành chính thông qua việc nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia, đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định, điều đó còn góp phần hiệu quả trong phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng vặt. Nhìn nhận về vấn đề này, Bộ Công an đã nghiên cứu và cụ thể hóa trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Theo đó, các chính sách của Luật có liên quan đến việc giải quyết công việc giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân như đăng ký, cấp biển số xe, đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, giải quyết tai nạn giao thông, xử lý vi phạm đều thể hiện tính công khai, minh bạch. Đặc biệt, Cục CSGT nhấn mạnh trong đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giải quyết, xử lý các nội dung công việc nhằm mục đích nâng cao hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và người dân, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực của một số cán bộ thực thi pháp luật.

Dẫn chứng những phần việc lớn được dư luận người dân quan tâm như đăng ký xe bằng hình thức trực tuyến, cấp biển số xe qua bấm số ngẫu nhiên trên máy vi tính, qua đấu giá công khai; đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe; sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông - tất cả đều được ứng dụng tối đa khoa học kỹ thuật, công nghệ tăng tính giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý và phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.

Hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng hệ thống trung tâm chỉ huy và hệ thống giám sát đồng bộ trên các tuyến giao thông trọng điểm, tiến tới việc xử lý vi phạm đều có chứng cứ điện tử thay bằng việc phát hiện bằng mắt thường. Trong tương lai, cùng với xu hướng hạn chế tối đa lưu thông tiền mặt, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng tiến tới xử phạt, nộp phạt trực tuyến, không thu tại các trụ sở, không tiếp xúc trực tiếp với tiền hay người vi phạm đến nộp phạt.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện Cục Cảnh sát giao thông, đặc biệt là Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội, các tỉnh, thành phố lớn khác như TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… đều đã và đang đẩy mạnh xử “phạt nguội”; khuyến khích người dân nộp phạt vi phạm qua hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia. Cục Cảnh sát giao thông và lực lượng Cảnh sát giao thông Công an nhiều tỉnh, thành còn trang bị hệ thống camera giám sát quá trình làm nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ. Ngay cả các Tổ công tác 141 cũng được trang bị hệ thống camera siêu nhỏ để ghi lại toàn bộ quá trình cán bộ chiến sĩ thực thi nhiệm vụ…

Những thiết bị này không những hỗ trợ cán bộ chiến sĩ đảm bảo đầy đủ hơn những yếu tố pháp luật liên quan đến chứng cứ, hình ảnh, con người, thời điểm, phương tiện vi phạm, mà còn giúp cơ quan chức năng cũng như ngay cả người dân giám sát ngược lại lực lượng thực thi nhiệm vụ. Việc người dân có quyền giám sát theo quy định của phát luật đối với lực lượng thực thi công vụ, đóng góp ý kiến để xây dựng lực lượng sẽ giúp lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, được dân quý, dân tin yêu, ủng hộ và giúp đỡ!

Chỉ thị số 01/CT-BCA về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới”, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ rõ: “Cục Cảnh sát giao thông đầu tư trang bị phương tiện hiện đại, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào các mặt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm và quản lý công tác nghiệp vụ; xây dựng, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trọng tâm là các tuyến đường bộ cao tốc và một số quốc lộ trọng điểm. Tập trung đầu tư, nâng cấp, khai thác có hiệu quả Trung tâm thông tin chỉ huy, các hệ thống cơ sở dữ liệu trật tự, an toàn giao thông, nhất là hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe, cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trong phạm vi toàn quốc; từng bước thay thế hình thức xử lý vi phạm hành chính viết tay như hiện nay bằng ứng dụng trên thiết bị điện tử cho lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường”.

“Việc kết nối dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát giao thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia không gì hơn ngoài mục tiêu nhằm đơn giản hóa thủ tục thu nộp tiền phạt cho người dân được thuận tiện nhất. Việc này cũng giúp công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông khi thu tiền xử phạt vi phạm hành chính chuyển nộp vào ngân sách Nhà nước được thực hiện một cách công khai, minh bạch”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung (Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an)

“Cục Cảnh sát giao thông khuyến khích các cá nhân vi phạm nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia góp phần hiệu quả trong phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng vặt. Bộ Công an đã nghiên cứu và cụ thể hóa trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét thông qua. Theo đó, các chính sách của Luật có liên quan đến việc giải quyết công việc giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân như đăng ký, cấp biển số xe, đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, giải quyết tai nạn giao thông, xử lý vi phạm đều thể hiện tính công khai, minh bạch… Trong đó, Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giải quyết, xử lý các nội dung công việc nhằm mục đích nâng cao hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và người dân, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực của một số cán bộ thực thi pháp luật”.

Đại tá Đỗ Thanh Bình (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an)