Lừa đảo vay vốn ngân hàng bằng “sổ đỏ”

(ANTĐ) - Ngày 11-9, cơ quan CSĐT CAQ Long Biên cho biết, đơn vị đang tập trung xác minh thông tin một số hộ dân ở phường Sài Đồng,  tố cáo Đỗ Ngọc Phương (SN 1956), Giám đốc Công ty CP Thương mại Quốc tế CPB, trụ sở tại số 5 ngõ 470 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo vay vốn ngân hàng bằng “sổ đỏ”

(ANTĐ) - Ngày 11-9, cơ quan CSĐT CAQ Long Biên cho biết, đơn vị đang tập trung xác minh thông tin một số hộ dân ở phường Sài Đồng,  tố cáo Đỗ Ngọc Phương (SN 1956), Giám đốc Công ty CP Thương mại Quốc tế CPB, trụ sở tại số 5 ngõ 470 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đơn tố cáo, một số người đã ủy quyền sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”) để nhờ ông Phương vay tiền của ngân hàng.

Bỗng dưng thành… con nợ

Một đối tượng lừa đảo “sổ đỏ” từng bị CAQ Long Biên bắt giữ
Một đối tượng lừa đảo “sổ đỏ” từng bị CAQ Long Biên bắt giữ

Một trong những người đã tìm đến CAQ Long Biên trình báo việc bị Đỗ Ngọc Phương lừa đảo là bà Đặng Thị C, 59 tuổi, trú tại phường Sài Đồng. Theo tường trình của bà C, thông qua mối quan hệ xã hội, bà C quen Đỗ Ngọc Phương. Biết Phương là giám đốc công ty, bà C nói chuyện đang có nhu cầu vay vốn làm ăn. Tháng 10-2007, bà C ủy quyền cho Phương được sử dụng “sổ đỏ” của gia đình bà để làm thủ tục vay vốn ngân hàng với mức lãi suất là 0,96%. Sau khi vay được tiền, bà C sẽ trích cho Phương 5% tiền hoa hồng. Một sơ suất của bà C trong vụ việc này là không trực tiếp đến ngân hàng tìm hiểu thủ tục vay tiền.

Sau khi thỏa thuận, bà C đã ủy quyền cho Phương và một đại diện của Công ty CP Thương mại Quốc tế CPB được quyền sử dụng “sổ đỏ” của gia đình bà để vay 150 triệu đồng. Khi ký vào giấy ủy quyền, bà C đã… không đọc nội dung trong đó nên không biết số tiền Phương vay là bao nhiêu và vay ở ngân hàng nào.

Tháng 11-2007, bà C nhận được khoản tiền vay ban đầu là 50 triệu đồng; tháng tiếp theo là 100 triệu đồng. Đột nhiên đến đầu tháng 9-2009, gia đình bà C nhận được giấy báo nợ với số tiền lên đến 1,4 tỷ đồng từ một ngân hàng trên địa bàn TP Hà Nội. Đi tìm Giám đốc Phương để chất vấn thì anh ta đã không có mặt ở nơi cư trú và tại trụ sở công ty.

Tiếp nhận đơn trình báo của bà C, CAQ Long Biên đã tổ chức lực lượng nắm thông tin, xác định bản chất sự việc. Kết quả điều tra cho thấy, bà C không phải là người duy nhất thế chấp “sổ đỏ” nhờ Giám đốc Phương vay tiền. Cho đến ngày 11-9, CQĐT CAQ Long Biên xác nhận được việc Đỗ Ngọc Phương đã dùng nhiều “sổ đỏ” thế chấp vào một ngân hàng để vay nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, những người đã thế chấp “sổ đỏ” cho Phương chỉ nhận được chưa đầy 300 triệu đồng. Thậm chí nhiều người trong số đó đang có nguy cơ trở thành con nợ của ngân hàng.

Bài học cũ luôn mới

Đơn trình báo của người dân về Công ty CP CPB
Đơn trình báo của người dân về Công ty CP CPB

Theo ghi nhận của PV ANTĐ, trong khoảng 2 năm trở lại đây, đã xảy ra rất nhiều trường hợp đơn thư tố cáo của người dân về việc bị lừa “sổ đỏ”, rồi mất nhà, đất, rồi trở thành “con nợ” của ngân hàng. Nguồn cơn của các sự việc này đều xuất phát từ việc ủy quyền để người khác sử dụng “sổ đỏ” vay tiền hộ. Tháng 7-2009, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV - CATP Hà Nội đã làm rõ vụ lừa đảo với tính chất “điển hình” của thủ đoạn này.

2 đối tượng bị cơ quan công an ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp là Nguyễn Thu Hợp và Phạm Tuấn Anh, đều trú tại Hà Nội. Cơ quan công an xác định, Hợp và Tuấn Anh đã nhận 58 “sổ đỏ” của những người có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Sau đó, các đối tượng đã mang 20 “sổ đỏ” để thế chấp vay số tiền là 14,6 tỷ đồng. Và chỉ có 5 chủ sở hữu được chúng chuyển cho hơn 800 triệu đồng. Đáng chú ý là trong số 20 cuốn “sổ đỏ” này, Hợp và Tuấn Anh đã làm thủ tục chuyển nhượng 4 nhà và đất ở để vay tiếp 5 tỷ đồng, sau đó chiếm đoạt luôn...

Theo một điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV - CATP Hà Nội, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo “sổ đỏ” sở dĩ dễ dàng thực hiện, bởi chính sự sơ hở của bị hại. Khi  ký  giấy ủy quyền sử dụng “sổ đỏ” cho tổ chức, cá nhân, bị hại đã không ý thức kiểm soát xem người mình ủy quyền ấy sẽ làm gì với các “sổ đỏ”.

Cá biệt có trường hợp, đối tượng lừa đảo được sự “tạo điều kiện” của phía cơ quan công chứng và đã dễ dàng qua mặt bị hại. Khi đã nắm trong tay tài sản của người khác, đối tượng lừa đảo sẽ đem bán ngay nhà, đất ấy; hoặc dùng “sổ đỏ” để vay một lượng tiền lớn hơn nhiều so với số tiền đã cam kết với người ủy quyền.

Khi sự việc vỡ lở, người chịu thiệt chính là người đã thế chấp, ủy quyền “sổ đỏ” cho kẻ xấu. Khuyến cáo của CQĐT là để tránh rơi vào “bẫy” của những kẻ lừa đảo, người có nhu cầu vay vốn cần trực tiếp tìm đến ngân hàng để nắm bắt thông tin. Cùng với đó, phía ngân hàng cần thận trọng khi đi thẩm định tài sản trên “sổ đỏ”, và cần có liên lạc, trao đổi thông tin với người sử dụng đất - nhà đích thực. Có như vậy, rủi ro mới không xảy ra với người dân và cả phía ngân hàng. 

Hoàng Quân