Lựa chọn người đại diện cho nhân dân có đức, có tài, quyết liệt hành động vì dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ còn 2 tháng nữa, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp sẽ diễn ra. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là ngày hội của toàn dân để bầu ra những người đại biểu thực sự xứng đáng, thực sự vì nước, vì dân.
Hội nghị tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử đại biểu QH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm nâng cao chất lượng bầu cử

Hội nghị tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử đại biểu QH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm nâng cao chất lượng bầu cử

Mong muốn của người dân trong các cuộc bầu cử Quốc hội

Diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Thông qua bầu cử, nhân dân sẽ trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước, góp phần thiết lập bộ máy Nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Điều 6 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.

Như vậy, ĐBQH có một địa vị pháp lý đặc biệt, vừa là đại biểu nhân dân, vừa là thành viên của cơ quan quyền lực tối cao. Có thể nói đại biểu dân cử chẳng khác nào như “đầu dây thần kinh”, là cầu nối giữa nhân dân với chính quyền Nhà nước, kết nối các lợi ích trong xã hội. Mối quan hệ giữa đại biểu dân cử đối với cử tri và nhân dân có thể được coi như một sự gắn bó máu thịt, một sợi dây liên kết bền chặt, gắn kết. Lợi ích của cử tri và các nhóm dân cư trong xã hội sẽ được đại biểu dân cử thể hiện vào các quyết sách của Nhà nước.

Để đảm nhận được trọng trách thiêng liêng đó, đại biểu dân cử phải là những người có năng lực trí tuệ và đạo đức xứng đáng. Không phải ngẫu nhiên mà câu nói “sáng suốt lựa chọn đại biểu đủ đức, đủ tài” được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, được coi như một lời kêu gọi rất quen thuộc mà lần bầu cử nào cũng được đề cập. Bên cạnh đó, câu nói trên còn có ý nghĩa cảnh báo, bởi thực tế cho thấy đã có một vài người tìm mọi cách để ứng cử và được cử tri tin tưởng bầu làm ĐBQH. Thế nhưng, khi đã trở thành ĐBQH rồi, họ không hành động như lời hứa với cử tri, thậm chí đi ngược lại với lợi ích của cử tri và nhân dân.

Chính vì thế, làm sao bầu là những người tiêu biểu, có đức, có tài, quyết liệt trong hành động, vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc và sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước là mong muốn của người dân qua mỗi cuộc bầu cử Quốc hội. Đây chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2021. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp”.

Đề cao trách nhiệm trong công tác hiệp thương và giám sát bầu cử

Có thể khẳng định ý Đảng và lòng dân luôn và đều mong muốn lựa chọn được những vị đại biểu nhân dân thực sự vì dân, vì nước, đủ tâm, đủ tầm gánh vác trọng trách mà nhân dân phó thác để quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, nói lên tiếng nói của nhân dân, của cử tri.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020, trong đó yêu cầu cả hệ thống chính trị phải đoàn kết thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.

Tiếp đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp và các địa phương đã khẩn trương ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đề ra.

Chất lượng ĐBQH và HĐND phụ thuộc vào khâu lựa chọn đại biểu (bầu cử). Ở đây, vai trò của cử tri có tính quyết định, sự tín nhiệm của cử tri là thước đo quan trọng về tiêu chuẩn của ĐBQH cũng như đại biểu HĐND các cấp. Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ đã chỉ rõ cá nhân nào không có tín nhiệm ở địa bàn sinh sống và nơi công tác thì ngay bước sàng lọc đầu tiên cũng sẽ không được đưa vào.

Tuy nhiên, để nhân dân có thể lựa chọn được người đại biểu tốt nhất cho mình, trước hết công tác hiệp thương phải được thực hiện kỹ lưỡng, thực sự công tâm, khách quan. Chỉ có như vậy mới bảo đảm để nhân dân có thể lựa chọn những người phù hợp nhất với công việc của người đại biểu nhân dân trong danh sách những ứng cử viên đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn của người đại biểu nhân dân, mới không để lọt những người ứng cử không đủ tiêu chuẩn,

Tiếp đó là vai trò của công tác giám sát trong bầu cử. Phải có sự giám sát của người dân cùng các kênh thông tin khác như truyền thông, báo chí để nếu có vấn đề gì người dân còn băn khoăn về người được giới thiệu ứng cử thì phải làm rõ. Về phía ủy ban bầu cử các cấp, khi xuất hiện những vấn đề mà cử tri và người dân nêu ra thì phải có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến và trả lời nghiêm túc. Nếu đến mức có khiếu nại hoặc tố cáo sẽ giải quyết theo trình tự quy định của luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với những người ứng cử.

Cũng cần phải nhận thức rõ rằng, cơ quan dân cử nhất thiết phải có cơ cấu, tỷ lệ, thành phần các tầng lớp xã hội phù hợp để bảo đảm năng lực đại diện. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi hơn, quan trọng hơn vẫn là phải nâng cao chất lượng đại biểu, bên cạnh việc cân bằng cơ cấu. Cơ cấu, tỷ lệ nào thì cũng phải gắn với tiêu chuẩn của đại biểu. Đó phải là những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và ở địa phương.

Cuối cùng là vai trò của người dân và các cơ quan chức năng trong bầu cử. Mỗi cử tri phải phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của mình, nghiên cứu kỹ các thông tin liên quan đến từng người trong danh sách ứng cử để lựa chọn ra những người xứng đáng nhất mà mình gửi gắm niềm tin. Các cơ quan chức năng thì giám sát chặt chẽ, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền công dân, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp.