Lỏng phòng ngừa, yếu xử lý

ANTĐ - Nhiều lần được đặt lên bàn “nghị sự”, “mổ xẻ”, tìm biện pháp giải quyết, nhưng tình trạng trộm cắp, móc túi ở bến xe buýt, trên xe buýt vẫn chưa có lời giải. Thiếu đồng bộ trong phòng ngừa, ngăn chặn, ra quân xử lý kiểu “đánh trống bỏ dùi”, là nguyên nhân khiến “căn bệnh” này thêm trầm trọng.

Đã qua rồi cái thời móc túi chỉ lộng hành tại các bến trung chuyển xe buýt lớn trên địa bàn Thủ đô, giờ ở bất cứ đâu, trên xe hay bến đỗ, đối tượng trộm cắp đều tìm được “cửa”. Đội quân “hai ngón” giờ chủ yếu hoạt động theo ổ nhóm, phân chia địa bàn, phân vai trong công việc. Có người cản đường, đứa móc túi và kẻ tẩu tán tang vật. Mánh khóe, sự chuyên nghiệp của chúng khiến ngay những người có thâm niên lâu năm đi xe cũng khó phát hiện.

Thủ đoạn của dân trộm cắp, móc túi liên tục thay đổi nhằm đối phó với lực lượng chức năng, trong khi kế hoạch, biện pháp ngăn chặn loại tội phạm này bao năm nay vẫn vậy, sức “nặng” chỉ tập trung chủ yếu… trên giấy. Không quá khó để nhận diện số đối tượng móc túi, với điệu bộ chẳng giống ai. Là hành khách, mỗi người chỉ lên những tuyến xe cần di chuyển, song với những kẻ móc túi, chúng nhao lên bất cứ xe nào dừng đỗ để “săn mồi”, rồi “bổ” xuống lập tức. Quy trình phục kích, bắt giữ của các lực lượng cũng vậy. Đó là khi phát hiện những đối tượng “nhao lên, bổ xuống”, lực lượng hóa trang sẽ thay nhau bám riết, đợi chúng gây án rồi “bắt nóng”. Cách làm chỉ hiệu quả với số đối tượng hoạt động đơn lẻ. Còn nếu hoạt động ổ nhóm, lực lượng hóa trang sớm muộn sẽ bị nhận diện bởi các “chân rết” cảnh giới.

Để nạn trộm cắp, móc túi trên xe buýt phức tạp, dai dẳng lâu nay, phần nhiều do chủ quan, thiếu quyết liệt, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của chính quyền, lực lượng chức năng cơ sở. Nhiều người dân tin rằng: nếu những kế hoạch, biện pháp có “chất” được cấp cơ sở triển khai, ví như mô hình Câu lạc bộ “hiệp sỹ”, Đội “xe ôm” săn bắt cướp được thành lập ở những “điểm nóng”; công tác tuyên truyền, cảnh báo được coi trọng… tình trạng sẽ không còn phức tạp!