Lời tuyên chiến với thực phẩm bẩn

ANTĐ - Theo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, những đối tượng vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm như vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, đưa hóa chất, chất cấm không được phép sử dụng vào thực phẩm có thể chịu mức án cao nhất đến 20 năm tù. Song, để loại bỏ hoàn toàn chất cấm trong chăn nuôi, chắc chắn cần có thêm nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn.

Trong 2 tháng qua, lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an đã phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT đồng loạt kiểm tra các trang trại và cơ sở chăn nuôi lợn trên cả nước.

Qua thanh tra 41 vụ, đã phát hiện tới 18 vụ vi phạm về sử dụng chất cấm, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 2,6 tỷ đồng. Thực tế chứng tỏ, việc sử dụng chất cấm, chủ yếu là chất salbutamol (chất tạo nạc) vẫn còn tồn tại trong các trang trại và những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên hầu hết người chăn nuôi và thương lái “không biết” hoặc cố tình vi phạm.

Chỉ vì lóa mắt trước lợi nhuận, mỗi con lợn có sử dụng chất cấm giá cao hơn lợn nuôi bình thường từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, mà người chăn nuôi nhẫn tâm “đầu độc” cộng đồng. Qua xác minh, các ngành chức năng phát hiện chính thương lái đã xúi giục người chăn nuôi bỏ chất cấm vào thức ăn cho lợn. Điều cực kỳ đáng lo ngại là, bằng mắt thường, cán bộ thú y, quản lý thị trường cũng khó phân biệt bên trong thịt lợn có chất cấm, thuốc an thần hay không.

Ngay cả những người bán thịt lẻ ngoài chợ cũng lắc đầu “chịu không biết”, thì nói gì tới người tiêu dùng không hề được cung cấp thông tin, kiến thức để có thể sờ tận tay nhận ra thịt sạch, thịt lành hay thịt độc.

Từ khi lực lượng Cảnh sát môi trường của Bộ Công an cùng vào cuộc với Bộ 

NN&PTNT đã có sự tác động rất lớn đến chính quyền các địa phương, tình hình cũng đã có chuyển biến khá rõ vì các cơ quan chức năng, chính quyền làm rất mạnh, có hiệu quả. Bộ Y tế đã có văn bản tạm dừng nhập khẩu chất salbutamol và đã khống chế được nguồn chất cấm do 20 công ty dược nhập khẩu.

Mặc dù vậy, cuộc chiến chống chất cấm sẽ khó kết thúc nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khỏe, tính mạng của người dân, nhất là cấp chính quyền phường xã nơi “gốc rễ” của chất cấm, hóa chất độc hại luôn tiềm ẩn trong trang trại, chuồng trại chăn nuôi và cả ý thức của những người chăn nuôi. Phải coi đây là cuộc chiến cam go, quyết liệt chỉ đứng sau phòng, chống ma túy.