Lối thoát cho khủng hoảng

ANTĐ - Không ít các quốc gia đang coi chính sách kinh tế khắc khổ "thắt lưng buộc bụng" là giải pháp để vượt qua thời kỳ khủng hoảng tồi tệ đang bao trùm khắp thế giới, song nhiều tổ chức quốc tế lại cho rằng cần phải giải quyết tốt các vấn đề về bảo vệ xã hội và an sinh xã hội.

Người Tây Ban Nha thất nghiệp xếp hàng vào một trung tâm tìm kiếm việc làm ở Thủ đô Madrid

Phát biểu tại diễn đàn đối tác giữa Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Hiệp hội các Hội đồng kinh tế xã hội quốc tế, Tổng Giám đốc ILO Juan Somavia đã lên tiếng chỉ trích việc chính sách kinh tế khắc khổ được thông qua và thực hiện một cách vội vã, làm tăng căng thẳng và gây tổn thất xã hội to lớn. Theo ông, bảo vệ xã hội mới là chìa khoá và công cụ cơ bản để các nước vượt qua khủng hoảng kinh tế.

Người đứng đầu ILO lý giải, sở dĩ có thể khẳng định bảo vệ xã hội là công cụ chống khủng hoảng vì điều này sẽ làm tăng nhu cầu kinh tế trong nước. Hơn thế, ông Somavia cho rằng, đây cũng là biện pháp quan trọng thúc đẩy cuộc chiến chống đói nghèo trước thực tế gần 80% người lao động trên thế giới không được đảm bảo an sinh xã hội. 

Tổng Giám đốc ILO chỉ trích chính sách kinh tế khắc khổ đang được thực thi tại nhiều quốc gia lâm vào khủng hoảng, nhất là khủng hoảng nợ công, trong bối cảnh làn sóng phản đối chính sách này ngày càng dâng cao trên thế giới. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua các cuộc biểu tình phản đối chính sách kinh tế "thắt lưng buộc bụng" cũng như các chính phủ bị sụp đổ.

Ai cũng biết rằng cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công từ năm 2008 tới nay đã tác động hết sức tiêu cực tới người lao động. Theo ILO, khoảng 50 triệu việc làm trên thế giới đã mất đi kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2008 tới nay; dự báo tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu trong năm nay là 6,1% (tương đương khoảng 202 triệu người thất nghiệp, tăng 3% so với năm 2011) sẽ tăng lên 6,2% vào năm 2013, tức là có thêm 5 triệu người nữa thất nghiệp. 

ILO cho rằng các chính sách kinh tế khắc khổ chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên bởi nó khiến các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất, khó khăn hơn trong việc tiếp cận các khoản vay dẫn tới phá sản hoặc ngừng hoạt động. Tổ chức này cảnh báo, những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ các nước đang làm suy yếu các thị trường lao động trên khắp thế giới và có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng việc làm toàn cầu mới. 

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tạo ra những thách thức đa chiều cả về kinh tế và xã hội nên không thể giải quyết vấn đề này chỉ bằng các chính sách kinh tế. Tổng Giám đốc ILO Somavia kêu gọi các nước thúc đẩy chính sách phát triển mới, trong đó tăng cường đối thoại xã hội để có thể tìm ra các giải pháp cân bằng hơn cũng như chuyển sang mô hình tăng trưởng kinh tế phổ quát và công bằng vừa đảm bảo thoát khỏi khủng hoảng kinh tế vừa giảm thiểu những tổn thất lớn cho xã hội, con người.

Được biết, tại Hội nghị Lao động quốc tế (ILC) tại Geneva (Thụy Sĩ) sắp tới, ILO sẽ xem xét thông qua “Đề xuất về các sàn bảo vệ xã hội quốc gia”, trong đó đưa ra những chính sách bảo vệ xã hội cần nhằm tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận hiệu quả hơn các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, thúc đẩy các hoạt động kinh tế năng suất cao, tạo nhiều việc làm có chất lượng và thúc đẩy kinh doanh. Theo ILO, nếu đề xuất này thông qua sẽ là cơ sở và tiền đề cho việc thiết lập khuôn khổ chung cho các ứng dụng đa dạng của các quốc gia.