Lỗi tại chúng ta

ANTĐ - Anh Nguyễn Việt Cường (31 tuổi, Kiến trúc sư ở Mỹ Đình, Hà Nội) vừa xem ảnh người dân đạp đổ cổng trường PTCS Thực nghiệm để xin học cho con vừa ngâm nga: “…xây cho nhà cao, cao mãi…”.

- Sao lại liên quan đến ngành xây dựng thế anh?

- Năm nào chả có cảnh xếp hàng xin học cho con. “Xây cho nhà cao mãi”, mà quên xây trường học, chẳng xếp hàng thì sao? Đổ một cổng trường cho thấy yếu kém một sự quy hoạch hời hợt.

- Đâu phải chỉ do quy hoạch?

- Thiếu trường học vẫn là sự thật, nhưng vấn đề năm nay lại khác. Nếu trường đó không phải trường học cũ của một giáo sư trẻ nổi tiếng thì sao năm nay lại đông thế? Thành tài là do nỗ lực bản thân, môi trường cũng quan trọng nhưng không phải tất cả.

- Là một phụ huynh, tôi có quyền chọn cho con mình trường tốt chứ?

- Thế nào là tốt? Tốt cho ai? Theo tiêu chuẩn của phụ huynh có phù hợp với năng lực của con cái? “Con cái chúng ta giỏi thật” hay chính các phụ huynh mới “giỏi” khi áp đặt con cái theo tiêu chuẩn của mình? 

- Vậy là do quan niệm?

- Ai cũng muốn con vào đại học. Lớp 1 đã phải vào được trường điểm, bỏ học mẫu giáo để ở nhà học chữ. Đấy, cận thị giờ trở thành “bệnh học đường”, rồi học thêm, học “nếm” từ bé. Như thế làm sao có thể “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” được? 

- Lỗi tại ai và làm sao giải quyết được?

- Lỗi của tất cả chúng ta. Nhà nước cần bỏ chế độ trường điểm ở các bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, cấp 3 đã có trường chuyên. Càng “điểm” càng đông người xếp hàng, cũng là gián tiếp dẫn đến tiêu cực. Và quan trọng chính các bậc phụ huynh cần có cái nhìn đúng về sự “học”. Đừng để tuổi thơ của các em bị “đánh cắp” bởi hàng đống sách vở, và bị lệch lạc từ bé bởi tâm lý “chạy chọt” của phụ huynh. Đã có nhiều tấm gương, không phải cứ vào đại học mới thành đạt đâu!