Phát hiện ngôi mộ chung của 103 Nghĩa sĩ Cần Vương (1)

Lời phán của nhà ngoại cảm

ANTĐ - 14 năm trước, tháng 2-1999, di tích Tiên Động, căn cứ chống Pháp có tầm chỉ đạo chiến lược cho cả phong trào Cần Vương Bắc Kỳ do thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích lãnh đạo đã được xếp hạng di tích quốc gia, thế nhưng còn một di tích khác, gắn bó mật thiết với cuộc khởi nghĩa Tiên Động - ngôi mộ tập thể của 103 nghĩa quân ở cách đó không xa thì 121 năm qua chẳng mấy ai biết đến, thậm chí còn không thấy trong bất cứ tài liệu lịch sử nào. Nhưng có một dòng họ bao đời nay vẫn năng hương khói, mỗi năm một lần nhớ ngày giỗ chạp. Và cũng vì thế, ngôi mộ tập thể đã không bị dấu thời gian xóa nhòa.

Di tích Quốc gia Tiên Động, nơi thờ Thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích và nghĩa binh

Chuyện tưởng như… hoang đường

Tròn 10 năm nay, từ ngày về hưu, họa sĩ, nhà văn Ngô Quang Nam dăm bữa nửa tháng lại về Tiên Động - xã Tiên Lương - huyện Cẩm Khê - Phú Thọ để chăm chút hương khói nơi đền thờ Tướng quân Nguyễn Quang Bích (họ chính là Ngô mang họ kép là Nguyễn vì thế có tài liệu chép ông họ Ngô, nhưng đa phần tài liệu ghi ông họ Nguyễn) cùng các nghĩa quân. Nhà văn Ngô Quang Nam là cháu đời thứ 4 của dòng họ Ngô. Nhiều năm nay, ông bị ám ảnh bởi câu nói của một nhà ngoại cảm ở Hải Phòng mà có lần ông cùng vợ đi xem. Lần đó, nhà ngoại cảm kia phán rằng, nhà ông có một ngôi mộ tập thể lên đến cả trăm người. Đương nhiên, ông không tin bởi phần mộ tổ tiên lâu nay vẫn được chăm chút, gia phả dòng họ rõ ràng, không hề có một dòng nào, thậm chí trong câu chuyện truyền khẩu của các thành viên dòng họ cũng chưa từng nhắc đến ngôi mộ tập thể nào như thế cả. Nghĩ là hoang đường, việc nọ tiếp việc kia, ông không còn nhớ tới nữa.

Thế rồi nhân duyên đưa đẩy, quãng độ vài tháng trước, có người tên là Bùi Văn Tuân, qua người quen tìm đến với ông. Người này tự xưng là con cháu của cụ Bùi Hữu Khanh, một trong những lãnh binh của Thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích năm nào. Anh Tuân kể rằng, 121 năm nay, dòng họ nhà anh vẫn đều đặn cúng giỗ cho 103 nghĩa sĩ được chôn trong ngôi mộ tập thể. Họ chính là tướng sĩ của Thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích, người đứng đầu cuộc Khởi nghĩa Tiên Động. Ngôi mộ đó hiện ở nơi được gọi là Nghĩa Trủng thuộc làng Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Nghĩa Trủng chỉ cách di tích Tiên Động - Cẩm Khê chừng vài kilômét đường chim bay.

Ngay sau khi nhận được thông tin về sự tồn tại của ngôi mộ tập thể 103 nghĩa sĩ Cần Vương, Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã có chuyến khảo sát thực địa tại các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, sưu tầm tư liệu về cuộc khởi nghĩa Tiên Động, cũng như lịch sử tỉnh Vĩnh Phú (nay tách ra thành hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc). Qua người thực, việc thực, Giáo sư Lê Văn Lan khẳng định sự quý giá của di tích này đối với hệ thống các di tích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong một số công trình nghiên cứu của mình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Vĩnh Phú Tạ Huy Đức cũng có nhắc về Nghĩa Trủng như một di tích quý hiếm trên giải đất Thao Đà lịch sử.

Nghĩa Trủng Xuân Áng là di tích đầu tiên được tìm thấy ở phía Bắc. Tại Đà Nẵng hiện có 2 Nghĩa Trủng đều đã được xếp hạng di tích quốc gia là Nghĩa Trủng Hòa Vang và Nghĩa Trủng Phước Ninh. Đây là nơi an nghỉ của những chiến sĩ dũng cảm trong cuộc chiến đấu kéo dài 19 tháng kể từ lúc hạm đội Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà đêm 30 rạng sáng 1-9-1858. Sau khi quân Pháp phải rút khỏi mảnh đất này, triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ đã cho quy tập thành những Nghĩa Trủng. Theo nhiều tư liệu để lại, thì việc quy tập xương cốt này cũng kéo dài tới 20 năm. Văn bia ở Nghĩa trang Phước Ninh vẫn còn lưu dòng chữ: “Phàm người ta làm mọi việc ở đời cũng vì nghĩa hay vì lợi. Người quân tử chỉ nghĩ đến điều nghĩa mà dốc lòng vào việc thiện. Dù việc thiện nhỏ đến thế nào cũng không bỏ qua. Nói ngày xưa là thành xiêu lũy đổ chất chồng, người ta đã vùi dập đó đây những nắm xương của những người vì nghĩa cả mà hy sinh”.

Bà Nguyễn Thị Cẩn, chỉ cho phóng viên vị trí mộ tập thể ở Nghĩa Trủng

Phong trào Cần Vương xứ Bắc

Di tích lịch sử Tiên Động nằm trên một quả đồi, lẫn trong cả bạt ngàn cây cọ, loài cây đặc hữu của trung du phía Bắc. Cọ ở đây cao tới cả chục mét, mùa này quả chín, rụng lộp độp suốt dọc con dốc lên đền. Ngôi đền thờ vị thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Tiên Động hơn 100 năm về trước không lớn, nhưng tĩnh lặng và uy nghiêm. Phía phải sân đền có một chiếc giếng đá, lạ là, dù nằm trên đỉnh đồi nhưng quanh năm suốt tháng giếng luôn đầy nước, không cần phải gầu kéo, chỉ cần với tay là múc được, nước giếng trong, ngọt và mát. Trong vùng, hiếm có giếng nào sánh bằng. Theo những người dân ở xã Tiên Lương kể lại, xưa kia toàn bộ khu vực Tiên Động rộng khoảng 10km, là một cánh đồng chiêm trũng sình lầy.

Trong từ điển văn học rút gọn có chép về Nguyễn Quang Bích rằng, ông nguyên quán Tiền Hải, Thái Bình, từng đỗ Đình nguyên Hoàng giáp khoa Kỷ Tỵ (1869) trải các chức Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa), Tri phủ Lâm Thao, Án sát Sơn Tây, Án sát Bình Định, rồi về kinh giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm 1875, ông được giao cho duyệt bộ “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”. Hai năm sau triều đình lập bản doanh điền ở Hưng Hóa, ông được cử làm Chánh sứ sơn phòng kiêm Tuần phủ Hưng Hóa. Ông đã có công thu phục tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, trước hết tiễu phỉ và sau đó đánh Pháp, hai lần lập chiến công ở Cầu Giấy. 

Năm 1884, Pháp tập trung toàn lực với 7.000 quân có tàu chiến yểm trợ tấn công Hưng Hóa. Nguyễn Quang Bích chỉ huy quân sĩ bảo vệ thành. Khi thành mất, quân sĩ mở đường máu, ông dẫn quân rút về Tiên Động - Cẩm Khê dựng cờ khởi nghĩa. Đến tháng 5-1885 vua Hàm Nghi bỏ kinh thành, hạ Chiếu Cần Vương, phong ông làm Hiệp biện Đại học sĩ, Lễ bộ Thượng thư, Hiệp thống Bắc kỳ Quân vụ Đại thần được toàn quyền tổ chức lực lượng chống Pháp ngoài Bắc. Rất nhiều lần Thực dân Pháp cử binh đánh dẹp, nhưng không được liền cho người đến dụ hàng. Ông có thư trả lời, vạch rõ dã tâm cướp nước của giặc, đồng thời khẳng định tâm thế quyết tử của mình. Sau này, bức thư đã trở thành một áng thiên cổ hùng văn của dòng văn học yêu nước Việt Nam. Sử sách nay vẫn ghi rằng, ông mất sau một trận cảm hàn, nhưng còn một “dị bản” khác bấy lâu nay tồn tại trong dòng họ Ngô, rằng sau khi nhận được một bức thư của ai đó gửi đến, ông đọc xong thì cau mày, ném bức thư vào đống lửa, rồi lên giường nằm, cứ thế lịm đi và chết. Nhà văn Ngô Quang Nam, người đã có nhiều năm nghiên cứu về Khởi nghĩa Tiên Động khẳng định giả thiết thứ 2 là đúng: “Cụ nhà tôi vì uất mà mất”!

Nhận xét về nhân vật lịch sử Nguyễn Quang Bích cùng cuộc khởi nghĩa Tiên Động, Giáo sư Đinh Xuân Lâm cho biết, tên tuổi của Nguyễn Quang Bích không chỉ được khẳng định bởi các nhà nghiên cứu lịch sử, văn học hàng đầu Việt Nam mà ngay cả các công trình nước ngoài nghiên cứu lịch sử Việt Nam cũng nhắc đến tên tuổi và sự nghiệp cứu nước của ông. Đồng thời khẳng định ý nghĩa của khởi nghĩa Tiên Động, xuất hiện trước  khi phong trào Cần Vương bùng nổ trong cả nước (7-1885). Đó còn là lời khẳng định về ý chí quật cường của dân tộc “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, không đợi có hịch kêu gọi của vua Hàm Nghi mới chống giặc, mà một khi Tổ quốc bị lâm nguy thì thức thời đứng lên kháng chiến, bất chấp việc triều đình nhà Nguyễn khi đó đã đầu hàng.

Chữ “Trủng” theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh ngoài nghĩa là cái mộ lớn xây cao còn có nghĩa là chính, lớn. Nghĩa Trủng là nơi chôn cất những người làm việc nghĩa. Còn theo  Nhà văn Ngô Quang Nam: “Nghĩa Trủng là cách gọi theo lối chữ Nôm. Chữ Trủng được hình thành bởi hai chữ “Thổ” và “Gia” có nghĩa: “Anh em một nhà nằm cùng trên một miếng đất”. Nghĩa Trủng là nơi an nghỉ cho những người có công với đất nước, còn người dân bình thường khi chết thường được chôn tại nghĩa địa hay tha ma.

(Còn nữa)