Lỗi nhỏ cũng phải phạt nghiêm

ANTĐ - Kể cả vi phạm “nhỏ” như cửa hàng ăn uống xả nước thải ra môi trường không qua xử lý, đến “nạn” khai thác cát trái phép, nguyên tắc chung được Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Đội Môi trường) - CAQ Hai Bà Trưng, Hà Nội đặt ra, là phải xử lý kiên quyết.

Bờ vở sông Hồng, đoạn qua địa phận quận Hai Bà Trưng cơ bản “sạch” vi phạm môi trường

Tháo gỡ bức xúc

Nguyên tắc này được Trung tá Tạ Tử Minh - Đội trưởng lý giải, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức pháp luật về môi trường đối với người dân, các cơ sở kinh doanh, sản xuất. Thông qua xử lý nghiêm, các trường hợp vi phạm sẽ rút kinh nghiệm, nhìn nhận vi phạm của mình. Chế tài nghiêm và thái độ kiên quyết của lực lượng chức năng còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Không quá “nóng” về vi phạm môi trường so với nhiều địa bàn khác, song Đội Môi trường của CAQ Hai Bà Trưng từ ngày thành lập (đầu năm 2012) đến nay luôn tất bật. Điều này thể hiện qua con số gần 100 vụ vi phạm về môi trường bị phát hiện, xử lý trong gần 8 tháng qua. Đó là chưa kể đến chuyên án bóc gỡ đường dây buôn tiền giả từ Lạng Sơn về nội địa mà CAQ Hai Bà Trưng phá hồi tháng 5 vừa rồi; công đầu - nguồn tin trinh sát phát hiện được chính từ Đội Môi trường!

Vĩnh Tuy, Thanh Lương, Bạch Đằng, gần 3 cây số đường sông từng canh cánh tình trạng lấn chiếm bờ vở, từng bức xúc hàng ngày vì tiếng máy tàu phành phạch hút cát trái phép dưới sông. Cơ chế nắm bắt tình hình - thông tin và xử lý thông tin được Đội Môi trường xây dựng, từ công an phường, đến đội nghiệp vụ và Phòng CSGT đường thủy. “Lợi thế với quận Hai Bà Trưng là có một đội CSGT đường thủy “đóng quân” trên địa bàn, nên cứ có thông tin, bất kể thời gian, anh em huy động chặn đuổi tàu cát cả trên bờ lẫn dưới sông, khó thoát lắm”, Trung tá Minh tự tin.

Nhận thức tốt mới chấp hành tốt

Mấy chục cửa hàng, quán ăn trên địa bàn quận Hai Bà Trưng bị kiểm tra, xử lý trong 8 tháng qua, lỗi vi phạm phổ biến là xả nước thải vào hệ thống cống không qua bất kỳ biện pháp xử lý nào. Việc cam kết thực hiện đề án bảo vệ môi trường - yêu cầu cần thiết đối với loại hình kinh doanh ẩm thực - vẫn còn hết sức mới mẻ với nhiều chủ cửa hàng.

“Nói như vậy, không có nghĩa chúng tôi tiến hành kiểm tra tràn lan. Công tác kiểm tra khởi phát từ thông tin phản ánh, thường là bức xúc của người dân, từ công tác trinh sát, nắm tình hình. Cùng với đó là việc xây dựng kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề”, chỉ huy Đội Môi trường cho biết.

Trong danh sách gần 100 trường hợp vi phạm pháp luật môi trường bị xử lý, có những cái tên thuộc dạng “khó”, như: Công ty CP Đầu tư xây dựng và bê tông Vĩnh Tuy (phường Vĩnh Tuy), Trạm trộn bê tông Việt Đức (phường Thanh Lương), Công ty CP Bê tông Read Mix Việt Nam (phường Thanh Lương)… Gọi là khó, bởi những chủ thể vi phạm này thường không dễ bộc lộ vi phạm để lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra. Cái khó nữa là thẩm quyền xử phạt, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, phải là cấp thành phố. Song không vi vậy mà Đội Môi trường e dè. Không dưới 2 đề xuất phạt hành chính đã được gửi lên thành phố, với con số lên đến hơn 100 triệu đồng. “Phạt nặng, nhưng đúng, nên chủ cơ sở phải rốt ráo chấp hành. Và thành công nhất là sau khi bị phạt, vi phạm được chấn chỉnh, không còn tái diễn”, chỉ huy Đội Môi trường phấn khởi…