Lời giải nào cho cuộc khủng hoảng Syria?

ANTĐ - Mặc dù tình hình tại Libya đã tạm thời ổn định, nhưng bầu không khí tại thế giới Ả Rập vẫn tiếp tục nóng bỏng với những diễn biến căng thẳng giữa phương Tây với Syria. Cuộc khủng hoảng tại Syria đang có khả năng bùng phát thành một cuộc chiến toàn khu vực sau một loạt diễn biến căng thẳng. Nga điều tàu chiến tới bảo vệ Syria, Trung Quốc ủng hộ Iran trong cuộc đối đầu với phương Tây... biến Trung Đông trở thành là trung tâm bàn cờ chính trị thế giới.

Từ trung tuần tháng 8-2011 đến nay, Mỹ và đồng minh đã liên tiếp ban hành các lệnh trừng phạt như cấm nhập khẩu dầu mỏ của Syria nhằm đẩy chính quyền của Tổng thống Al-Assad vào tình thế quẫn bách. Tuy nỗ lực tìm kiếm một lệnh trừng phạt chính quyền Syria của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã hai lần thất bại trong năm 2011 do vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc nhưng phương Tây vẫn liên tiếp phát đi những thông điệp bày tỏ tham vọng của mình. Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Syria đã mất quyền kiểm soát đất nước và việc ông Al-Assad phải “ra đi” chỉ còn là vấn đề thời gian

Phía Tổng thống Al-Assad đã đe dọa sẽ gây chiến trong khu vực nếu LHQ thông qua đề xuất kêu gọi ông từ chức và chuyển giao quyền lực cho người phó. Theo các nguồn tin trên, lãnh đạo quân đội và tình báo Syria đã nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu. Tổng thống Al-Assad từng đe dọa sẽ “làm cho cả Trung Đông bùng cháy” còn thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah hồi tháng 11.2011 cũng dọa Mỹ và phương Tây rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Iran và Syria sẽ bùng phát thành một cuộc chiến khu vực.

Trên bình diện quốc tế, đội tàu chiến Nga do tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov dẫn đầu đang đóng tại cảng Tartus dường như được đặt trong tình trạng báo động để sẵn sàng đối phó những biến cố có thể xảy ra. Tình hình càng thêm nóng sau khi Mỹ cho tàu ngầm hạt nhân USS Annapolis và tàu khu trục USS Momsem đi qua kênh đào Suez để vào biển Đỏ cách đây 3 ngày. Hành động này được xem như cảnh báo của Mỹ để ngăn ngừa Iran can thiệp và hỗ trợ chính quyền Syria khi “có biến”.

Trong một diễn biến có liên quan, dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình Syria đã vấp phải sự phản đối của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ với cảnh báo rằng việc thúc đẩy thông qua bản dự thảo Nghị quyết trên sẽ “chỉ tạo ra con đường dẫn tới nội chiến” tại Syria. Nga sợ rằng, nghị quyết mới sẽ mở cửa cho một sự can thiệp quân sự, giống như cách thức nghị quyết của Liên Hợp Quốc dẫn tới chiến dịch oanh kích của NATO ở Libya. 

Nếu trước đây Matxcơva khá thờ ơ trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 hay cuộc chiến Iraq năm 2003 và thậm chí chiến dịch Libya hồi năm ngoái thì nay cả hai đang bắt đầu đòi hỏi tiếng nói của họ phải có trọng lượng hơn đối với các sự kiện diễn ra trong khu vực.

Cụ thể, Nga và Trung Quốc “song kiếm hợp bích” bảo vệ Syria, tỏ rõ lập trường bằng mọi giá sẽ ngăn chặn “bất cứ sự thay đổi chế độ” nào bởi sự can thiệp quân sự nước ngoài tại quốc gia này.

Giới chuyên gia phân tích nhấn mạnh việc Trung Quốc và Nga gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông là tất yếu gắn liền với chiến lược toàn cầu rộng lớn hơn của họ. Do đó, chế độ Assad hưởng lợi nhiều nhất khi nhận được che chở bởi hai trong những quốc gia quyền lực nhất thế giới.

Nga không thể ngồi yên phó mặc để nhìn Syria - đồng minh hiếm hoi còn lại trong khu vực Trung Đông và cũng là một trong ba bạn hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga - gặp nguy hiểm. Trong khi đó, cơn thèm khát năng lượng lại đẩy Trung Quốc nỗ lực can thiệp sâu hơn vào khu vực dù muốn hay không. Trung Đông là rốn dầu của thế giới và ai cũng biết con rồng châu Á phụ thuộc như thế nào vào nguồn năng lượng này để duy trì vị thế là nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Những sự kiện chống Damascus diễn ra liên tiếp trong thời gian qua cho thấy phương Tây không hề che giấu chủ trương can thiệp vào tình hình Syria nhằm giáng mạnh đến cái được gọi là “trục” những phần tử vũ trang cực đoan trong khu vực được Iran hậu thuẫn. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, phương Tây cần phải cân nhắc về hành động của mình vì bất cứ một sự leo thang xung đột nào tại Syria nói riêng và Trung Đông nói chung - nơi đan xen lợi ích của nhiều cường quốc và có sự hiện diện của những quốc gia hạt nhân tiềm năng sẽ đe dọa toàn thế giới.