Lời giải cho nạn thiếu đói

ANTĐ - Trong bối cảnh nạn thiếu lương thực vẫn đang đe dọa nhiều nước trên thế giới, người ta hy vọng kỹ thuật hạt nhân có thể giúp nhân loại đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường.

Nạn đói đe dọa nghiêm trọng đời sống người dân Niger

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vừa lên tiếng cảnh báo đến năm 2050, dân số thế giới sẽ lên tới 9 tỷ người, đòi hỏi sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 70% so với hiện nay. Đây là thách thức gay gắt do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ, khiến sản xuất nông nghiệp ngày càng khó dự báo. Đi liền với lời cảnh báo, IAEA cũng chỉ ra rằng, lối thoát khỏi nguy cơ trên nằm ở kỹ thuật hạt nhân.

Biến đổi khí hậu toàn cầu, dân số tăng nhanh, cạn kiệt nguồn nước… đã dẫn tới việc giá thực phẩm leo thang và nạn đói hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới. Thật đáng lo ngại ở thế kỷ 21, trên toàn cầu hiện vẫn còn tới gần 1 tỷ người bị đói. Tình trạng suy dinh dưỡng xuất hiện nhiều ở những nước nghèo khiến người lao động ở những nước này mất khả năng sản xuất, sức khỏe kém và thiếu kiến thức. Theo đánh giá của Cơ quan Cứu trợ phi chính phủ ActionAid, những tác động từ nạn đói có thể gây tổn thất cho các nước đang phát triển 450 tỷ USD/năm. 

Theo ông Jacques Diouf, Tổng giám đốc Tổ chức lương nông của Liên hợp quốc (FAO), thiếu lương thực trên toàn cầu có thể dẫn tới nguy cơ xảy ra nội chiến ở một số nước, đặc biệt là ở châu Phi. Mối đe dọa này căng thẳng đến mức ông Jacques Diouf kêu gọi phải cải tổ hệ thống phân phối lương thực quốc tế. 

Thực tế đã có không ít hội nghị quốc tế bàn về phương cách ngăn chặn nạn đói. Tổ chức phi chính phủ World Watch từng đưa ra 15 biện pháp nhằm giúp thế giới đối phó hiệu quả với những thách thức về môi trường và  giảm đói nghèo. Thế nhưng tình trạng đói nghèo trên thế giới vẫn buộc loài người phải lo lắng. Chính vì thế, sáng kiến của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) dùng kỹ thuật hạt nhân để đảm bảo an ninh lương thực đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nhìn từ góc độ lý thuyết, kỹ thuật hạt nhân có thể giúp phát triển các giống cây có thể thích nghi và chống đỡ hiệu quả các tác động của biến đổi khí hậu, vừa tăng năng suất nông nghiệp và chăn nuôi, vừa bảo tồn được nguồn đất đai. Kỹ thuật hạt nhân và chất đồng vị cũng giúp giảm sự rửa trôi và xói mòn của đất, giữ lại cho đất nhiều nước và nguồn dinh dưỡng, hấp thu nhiều CO2 hơn, và nhờ đó mà giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ sản xuất nông nghiệp. 

Trong thực tế, các nhà khoa học IAEA từng sử dụng một liều lượng nhỏ phóng xạ nhằm tạo ra nhiều giống cây trồng có khả năng chống sâu bệnh và biến đổi thất thường của thời tiết. Có thể kể ra giống lúa mì chống hạn hán năng suất cao ở Kenya, lúa mạch chịu được nhiệt độ cao trồng ở độ cao 5.000 mét so với mực nước biển ở Peru... Sử dụng kỹ thuật hạt nhân cũng có thể xác định khi nào cây cần nước và cần lượng nước bao nhiêu sẽ giúp tiết kiệm nước và dinh dưỡng, làm tăng sức chống đỡ của cây trồng đối với hạn hán. Hay như thông qua kỹ thuật hạt nhân gây vô sinh, các nhà khoa học IAEA đã giúp nhiều nước ngăn chặn hiệu quả sự phát triển bùng nổ của các loài côn trùng gây hại.

Giải pháp đã có. Vấn đề còn lại là làm thế nào để các nước, nhất là các nước nghèo trên thế giới, có thể tiếp cận được với công nghệ hạt nhân mà IAEA đưa ra.