Lợi bất cập hại

ANTĐ - Anh Thái Khắc Tiến (33 tuổi, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) ra cây ATM rút hết số tiền đang có trong tài khoản khi nghe tin chuẩn bị thu phí ATM nội mạng.

- Mức phí không nhiều, sao anh vội rút tiền thế?

- 3.300 đồng một lần rút. Với nhiều người chả bõ bèn gì nhưng với người lao động chúng tôi thì cũng được gói mỳ tôm, hay quả trứng. Sau này có việc vào thẳng ngân hàng rút. Mất thời gian nhưng thấy thoải mái hơn…

- Hưởng dịch vụ thì phải đóng phí chứ?

- Ngân hàng thu các loại phí rồi còn gì. Phí phát hành thẻ, phí quản lý, phí hàng năm, phí giao dịch khác mạng… Dịch vụ với thẻ ATM có gì ngoài việc để rút tiền. Cả thành phố chỉ có vài nơi cho thanh toán bằng thẻ. Mà mới nghe nói có ngân hàng thu phí nội mạng rồi. Phí không thể nói là thấp nếu tính lượt người rút tiền mỗi ngày.

- Cũng cần có kinh phí để bảo dưỡng máy?

- Mỗi năm ngân hàng nào cũng lãi hàng nghìn tỷ đồng sao không trích lãi để duy tu, nâng cấp hệ thống. Nhiều cây ATM không hoạt động, ai chịu trách nhiệm? Đấy không thể là lý do được. Khi nào hệ thống thẻ các ngân hàng hợp nhất thì thu phí là hợp lý, chính là khoản thu phí giao dịch khác ngân hàng hiện nay.

- Việc này liệu sẽ có tác động tiêu cực?

- Có lương, người ta sẽ rút luôn một lần. Số tiền dự trữ của các ngân hàng chắc chắn sẽ giảm. Ngân hàng là ngành dịch vụ, phải đưa chất lượng tốt để phục vụ khách hàng chứ không phải là bắt người ta đóng tiền để được phục vụ, mà chắc gì chất lượng đã được cải thiện?

- Như vậy, chúng ta cần giải pháp khác, hợp lý hơn?

- Các ngân hàng cần giải trình rõ lợi nhuận thu được từ thẻ ATM. Tài khoản lúc nào cũng yêu cầu tối thiểu ở mức 50.000 đồng. Số lãi từ khoản tiền đó thừa sức để duy trì, mở rộng hệ thống. Muốn thu phí cần tính sao cho đúng bản chất sự việc, chứ không khéo lại “lợi bất cập hại”.