Loay hoay tìm phương án giám sát trạm BOT

ANTD.VN - Liên quan đến “nghi án” thất thoát phí và việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải giám sát một số trạm thu phí BOT thời gian gần đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa kiến nghị Bộ GTVT thay đổi hình thức quản lý các trạm BOT. Xung quanh kiến nghị mới này, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trao đổi với phóng viên An ninh  Thủ đô.

- Tới nay, Tổng cục Đường bộ được giao giám sát bao nhiêu trạm BOT, thưa ông?

- Tính đến 1-8-2016, cả nước có 48 trạm thu phí hoàn vốn cho 43 dự án BOT do Bộ GTVT là cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đang trong giai đoạn kinh doanh, khai thác. Đến năm 2020, sẽ có thêm 30 trạm thu phí BOT nữa vào hoạt động, nâng tổng số trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ lên con số 78 trạm. Trong khi đó, lực lượng của Tổng cục Đường bộ có hạn, không thể đủ con người, thời gian và chi phí để kiểm tra, giám sát tất cả các trạm BOT này. 

Hiện nay, việc giám sát, kiểm tra doanh thu thu phí tại các trạm BOT của Tổng cục Đường bộ gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tháng 7 vừa qua, để giám sát thu phí 10 ngày tại trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ sau khi có thông tin thất thoát phí, Tổng cục Đường bộ đã phải huy động đoàn giám sát gồm 55 người, chia làm 3 ca liên tục trong 10 ngày. Hay tại trạm thu phí BOT số 2 trên QL5 thuộc địa bàn huyện An Dương, Hải Phòng, chúng tôi cũng đang giám sát với đoàn gồm 35 người. 

- Tổng cục Đường bộ vừa đề xuất Bộ GTVT quản lý các trạm BOT theo hình thức khoán thu 5 năm, thưa ông?

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT đề xuất khoán doanh thu cho mỗi trạm thu phí BOT sau khi đã tính toán cụ thể các số liệu. Cơ sở của việc khoán số thu sẽ căn cứ vào số liệu khảo sát về số thu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và dự báo tăng trưởng lưu lượng xe hàng năm (căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế); thời gian khoán sẽ là 5 năm một lần. Sau 5 năm, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổng hợp số thu thực tế để làm cơ sở khoán cho giai đoạn tiếp theo.

 Nếu thực hiện được cơ chế khoán thu phí thì bên cạnh sự minh bạch trong công tác thu phí, việc này cũng giúp các nhà đầu tư chủ động hơn. Đây thực sự là lời giải giúp hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, đồng thời góp phần hạn chế rủi ro. Trong trường hợp mức thu vượt khoán là có lãi, nếu dưới mức đó thì doanh nghiệp tự bỏ tiền ra bù vào và sẽ có điều chỉnh ở giai đoạn 5 năm tiếp theo. 

 - Việc khoán thu phải có số liệu tính toán khoa học và hợp lý, nếu không sẽ xảy ra tình trạng thất thu, có lợi cho doanh nghiệp?

- Việc khoán doanh thu chỉ được thực hiện trên kết quả thực của dự án sau khi đã được kiểm toán mức đầu tư, mức thu và thời gian thu phí. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ, cơ quan quản lý Nhà nước liên quan và nhà đầu tư sẽ phải cùng “ngồi lại”, kiểm đếm chính xác, khoa học lưu lượng xe cũng như dự báo tốc độ tăng trưởng để đưa ra mức khoán thu hợp lý. 

Loay hoay tìm phương án giám sát trạm BOT ảnh 2Vẫn chưa có phương án hữu hiệu kiểm soát thu phí qua trạm BOT

- Hợp đồng đã được Bộ GTVT ký kết với nhà đầu tư BOT, trong đó phương án hoàn vốn là thu phí trong một khoảng thời gian nhất định, nếu thực hiện khoán thu thì phải thay đổi?

- Đúng là nếu thực hiện hình thức khoán thu thì phải thay đổi điều khoản hợp đồng BOT. Việc này phải được nhà đầu tư “gật đầu” đồng ý, chấp nhận khoán thì mới thực hiện được. Cơ quan quản lý Nhà nước không thể cứ muốn khoán là được mà phải có sự thương thảo, thống nhất giữa các bên. Thậm chí, nếu nhà đầu tư không đồng ý thì cũng không thể triển khai được vì mấu chốt là hợp đồng BOT ký kết ban đầu giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư  không có điều khoản này. 

- Thu phí không dừng cũng được kỳ vọng để minh bạch hóa thu phí các trạm BOT nhưng đã qua nhiều lần gia hạn vẫn chưa thể triển khai, phải chăng nhà đầu tư e ngại vì quá minh bạch?

- Thu phí không dừng là phương án rất văn minh và hiệu quả, minh bạch. Mỗi phương tiện đi qua trạm đều có một tài khoản, phí tự động trừ vào tải khoản. Đặc biệt, các số liệu này hàng ngày, hàng giờ sẽ được truyền về các bên liên quan, không thể can thiệp được vào. Tuy nhiên, thu phí không dừng cũng cần có lộ trình thực hiện. Chúng tôi dự định vận hành vào đầu tháng 7-2016 nhưng mốc mới nhất đã lùi xuống hết quý III-2016, song hiện cũng sắp hết quý III và chưa biết có kịp không.

Tới nay, cũng chưa có cơ sở nói rằng, vì e ngại minh bạch mà các nhà đầu tư BOT ngại thu phí không dừng. Việc chậm trễ cũng có nhiều nguyên do, trong đó có việc Giấy phép đầu tư cũng vừa mới được Bộ KH-ĐT cấp cho Tasco (nhà đầu tư công nghệ thu phí không dừng). Đồng thời, các bên cũng chưa thống nhất được về giá dịch vụ thu phí giữa nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư thu phí không dừng.