Loạn thuốc giảm béo

ANTĐ - Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2010, khoảng 20 năm trước, 5% người Việt Nam bị thừa cân, béo phì đến năm 2010, tỉ lệ này đã tăng thêm gần 10%, ở mức xấp xỉ 26%. Tình trạng thừa cân béo phì chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, chiếm tỉ lệ khoảng 40,4%, trong khi vùng nông thôn 25,2%.

Nhu cầu giảm béo tăng mạnh 

Béo và béo phì làm ảnh hưởng nhiều đến năng lực hoạt động của cơ thể, qua đó ảnh hưởng đến khả năng và năng suất lao động. Nhưng quan trọng hơn, béo và béo phì ảnh hưởng nhiều đến “dung nhan”, vẻ đẹp hình thể, đặc biệt là của các thiếu nữ. Chính vì vậy các thiếu nữ là khách hàng phổ biến của các phương pháp giảm béo, các loại thuốc giảm béo.

Có nhiều phương pháp giảm béo. Đầu tiên là việc tập luyện thể hình, tuy nhiên do điều kiện không thể tập đều nên người ta tìm đến phương pháp tiếp theo chiến dịch nhịn ăn, uống dấm… Nguy hiểm hơn cả là việc dùng thuốc lắc để... giảm cân của nhiều cô gái trẻ. Sau khi dùng thuốc, họ sẽ không có cảm giác đói, không thể ăn uống ngon miệng. Thêm nữa, dưới ảnh hưởng của thuốc, cơ thể phải “uốn éo” trong những điệu nhạc kích động. Một lượng calorie bị tiêu hao, không phục hồi khiến cơ thể sụt cân nhanh. Nhưng họ đâu biết rằng khi cơ thể không còn mập mạp như trước cũng là lúc họ sa vào cơn nghiện ngập. Giải pháp cắt bớt dạ dày cũng được sử dụng cho giảm béo. Nhiều cô gái tại TP.HCM đã sang tận Singapore để cắt bớt dạ dày mong tìm được thân hình mảnh mai nhưng phải ra về với một thân thể tàn tạ. Và cuối cùng, một phương pháp giảm béo đang lan tràn khắp nơi: dùng thuốc giảm béo.

Hiện nay, nhiều phụ nữ ở đô thị dùng các loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc. Trên các diễn đàn xã hội như webtretho, lamchame.com… chủ đề giảm cân và các loại thuốc giảm cân cấp tốc được bàn tán sôi nổi. Hầu hết mọi người đều có nhu cầu giảm cân. Nickname nguoimetre chia sẻ tại diễn đàn lamchame.com: Là con gái chưa chồng mà 53kg nên em muốn giảm cân. Em có đi khám bác sĩ, bác sĩ nói có loại thuốc uống giảm 1,8kg/tháng, ngày uống 1 viên, tuy nhiên bác sĩ bảo chưa cần thiết nên nhất quyết không kê toa. Em đã thử uống trà giảm cân, uống xong cứ thấy đau bụng và đi ngoài. Không giảm cân nào mà chỉ thấy mệt người. Còn nickname monngon79 tự nhận mình đã là chuột bạch với loại thuốc Phục Linh. Nickname này cho biết: “Nói thật là giảm cân nhanh không thể tưởng tượng được. Mình uống 1 lọ và giảm 12kg. Mọi người có tin không, từ 66kg xuống 54kg. Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt. Giảm cân cấp tốc sẽ kéo theo da mặt nhăn, tái xám. Loại thuốc này còn gây rối loạn tiêu hóa”. 

Điều đáng nói là hiện nay không chỉ các bà, các cô ra sức dùng thuốc giảm béo, mà các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên dùng thuốc giảm béo cũng khá nhiều. Tuy nhiên, do không có nhiều tiền để đến các cơ sở y tế, hoặc mua thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hầu hết các loại thuốc được các bạn sinh viên sử dụng là các loại thuốc được rao bán trên mạng, các loại thuốc bán truyền tay nhau hoặc tự mua tại các hiệu thuốc mà không có tư vấn của bác sĩ. 

Theo chỉ dẫn của một bạn cùng lớp, Phạm Thị Mai Linh, sinh viên khoa Triết học (ĐH KHXH&NV Hà Nội) đã mua thuốc giảm cân 3X Slimming Powers giá 450.000 đồng về sử dụng mặc dù chỉ số cơ thể của Linh không vượt mức giới hạn (nặng 50kg/cao 157cm). Theo chỉ dẫn ghi trên bao bì, 3 ngày đầu mỗi ngày Linh uống 1 viên, từ ngày thứ 4 trở đi thì uống mỗi ngày 2 viên trước khi ăn sáng 30 phút. Nhưng khi dùng đến viên thứ 8 thì mẹ Linh phát hiện và cấm sử dụng loại thuốc này bởi sau khi sử dụng thuốc Linh rơi vào trạng thái buồn ngủ triền miên, đi tiểu liên tục, các bộ phận chứa mỡ trong cơ thể như vai, bụng nóng ran, kinh nguyệt rối loạn và hầu như không thể làm được việc gì do cơ thể mệt mỏi. Khi Linh cầm lọ thuốc ra hiệu thuốc hỏi thì được dược tá trả lời đây là loại thuốc giảm cân cấp tốc có rất nhiều tác dụng phụ và bán tràn lan trên thị trường với giá dao động từ 100.000 đồng - 130.000 đồng/hộp. 

Trường hợp khác là bạn Ngọc (lớp Lịch sử Chất lượng cao - ĐH KHXH&NV) đã sử dụng kết hợp các loại thuốc giảm cân 3X Slimming và trà giảm cân Green Coffee. Ngọc giảm từ 67kg xuống còn 45kg, tuy nhiên trong quá trình giảm cân, Ngọc đã phải đi cấp cứu nhiều lần do bị thiếu nước trầm trọng, hạ huyết áp và cơ thể thiếu chất. Được biết hiện nay, Ngọc còn quảng cáo và bán các loại thuốc giảm cân như 3X Slimming, Super Power Fruits… cho những bạn có nhu cầu mà không qua bất cứ kiểm định nào. 

Thực ra nhiều người có cơ thể bình thường, mạnh khỏe nhưng do tiêu chuẩn đẹp hiện nay đang lấy “gầy” làm mẫu khiến cho nhiều phụ nữ lo lắng khi cơ thể mập mạp, béo lên một chút. Thay vì các cách giảm cân như tập thể dục, có chế độ dinh dưỡng thích hợp, uống nhiều nước… thì đa phần lại ảo tưởng vào lời giới thiệu có cánh của các loại thuốc giảm cân cấp tốc. Chẳng hạn như: giảm 5kg-7kg/tháng, chỉ cần dùng thuốc mà không phải tập thể dục, thuốc từ thảo dược không có tác dụng phụ… Các loại thuốc này hầu hết là do truyền tay, mách bảo của người đã sử dụng mà không có chỉ dẫn của bác sĩ tại các trung tâm y tế nên hậu quả rất khó lường. 

Béo không phải là bệnh

Theo Tổ chức Y tế thế giới, béo hay thừa cân là tình trạng vượt quá cân nặng nên có so với chiều cao, còn béo phì là bệnh rối loạn tích lũy mỡ thái quá và không bình thường tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do vậy khi đánh giá béo phì thì không chỉ tính đến cân nặng, mà phải quan tâm đến tỉ lệ mỡ trong cơ thể. Khi tình trạng tích lũy mỡ trong cơ thể kéo dài hàng năm, gọi là thừa cân lâu năm. Việc giảm cân đòi hỏi một quá trình điều chỉnh dinh dưỡng và tiêu hao năng lượng cơ thể. Việc tác động bằng thuốc để giảm cân nhanh sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Những tác động chính của việc giảm cân nhanh là: Giảm trao đổi chất, mất lượng cơ dẫn đến suy dinh dưỡng. Kèm theo đó là rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, mất kinh nguyệt, rối loạn nuôi dưỡng da và cuối cùng là bệnh tim mạch.

 Tuy nhiên nhiều người lại can thiệp vào sự bình thường, khỏe mạnh vốn có của cơ thể bằng các loại thuốc giảm cân cấp tốc dẫn đến sự cân bằng của cơ thể bị phá hủy. Mặt khác nhiều loại thuốc giảm cân có ở nước ta hầu hết không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Người dân lại có thói quen tự mua thuốc về sử dụng mà không cần kiểm tra sức khỏe, không đến các trung tâm y tế để tư vấn nên dẫn đến nhiều hệ quả xấu.

Ngang nhiên rao bán hàng cấm

Do nhu cầu giảm béo nên hiện nay các loại thuốc giảm béo được bán tràn lan trên thị trường. Tại Hà Nội, Đội QLTT số 1 thuộc Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp Công an TP Hà Nội đã từng phát hiện số lượng lớn thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc tại một ngôi nhà nằm trong ngõ 107, đường Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy. Thuốc giảm béo tại cơ sở này gồm các loại: Lishou, Green Coffee, Coffee Leptin, Dried Plum, Acai Berry Coffee… 

Trên các trang mạng điện tử hàng loạt các loại thuốc giảm cân cũng được rao bán phổ biến như: 2 Day Diet; 2 Day Diet Slim Advance; 2X Powerful Slimming; 3X Slimming Power; 5XImelda Perfect Slimming… Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng đa số các loại thuốc giảm béo nói trên nằm trong danh sách 72 loại thuốc cấm của Mỹ được công bố vào năm 2009 bởi trong các thuốc này có chứa Sibutramine -chất gây nguy hiểm cho huyết áp, tim, gan. Ngày 15-4-2011, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Văn Thanh cũng đã ký văn bản đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn bộ thuốc chứa hoạt chất Sibutramine, do tác dụng phụ nguy hiểm là gây bệnh tim mạch ở những người có nguy cơ cao.

Cảnh báo nguy cơ từ thuốc giảm béo, PGS.TS Trần Nhân Thắng, Phó trưởng khoa Dược Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Việc giảm cân nhanh chủ yếu chỉ do tình trạng mất nước của cơ thể, vì vậy hầu hết những người dùng thuốc giảm béo thường đi tiểu nhiều. Khi dừng thuốc, nước được bổ sung, tình trạng béo sẽ trở lại như cũ. Một số các loại thuốc gây chán ăn cũng ít có tác dụng giảm béo bởi vì thường có hiệu quả trong những tuần đầu dùng, nhưng tác dụng sẽ giảm rõ rệt sau tuần thứ tư và nhiều người lại có xu hướng tự tăng liều dùng. Nguy hại hơn, sau vài tuần điều trị, nhiều người sẽ bị gia tăng tác dụng phụ và các tai biến như: bứt rứt, khó chịu, thay đổi tính cách, dễ cáu giận, mất ngủ, mệt mỏi, trầm cảm và có thể suy tim đột quỵ. Khi người bệnh dừng thuốc, sức ăn tăng nhanh và người bệnh lại béo như cũ”. 

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, muốn giảm béo mà giữ gìn được sức khỏe chỉ có một cách là ăn uống hợp lý và tăng cường hoạt động thể chất.